Bảng hướng dẫn phân luồng bệnh nhân khám bệnh ở Bệnh viện thành phố Huế
“Mấy ngày nay, liên tiếp chúng tôi gặp những bệnh nhân bị cơn tăng huyết áp khẩn cấp, hôn mê do tăng đường máu và nặng hơn là một trường hợp nhồi máu cơ tim do tắc lại stent động mạch vành. Tất cả là do quên uống thuốc và cùng một lý giải vì vụ dịch nên không dám đi khám bệnh viện…”. Đó là chia sẻ của một bác sĩ và cũng là lời cảnh báo đáng chú ý với những người có bệnh mạn tính, không nên vì quá sợ COVID-19 mà nguy hiểm đến tính mạng.
Phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người hạn chế đến nơi đông người. Sự khuyến cáo này phổ biến toàn dân, nhưng đối với những người có bệnh mạn tính thì không, nhất là tâm lý ngại bệnh viện. Thực tế, bệnh viện luôn là nơi tập trung đông người, có nguy cơ cao trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Nơi đây tập trung đủ mọi đối tượng có vấn đề về sức khỏe, người nhà chăm sóc bệnh nhân và đội ngũ nhân viên y tế. Tuy nhiên, đây lại là nơi được tổ chức chặt chẽ và khoa học nhất để phòng ngừa lây lan virus và các loại bệnh truyền nhiễm khác.
Để bảo đảm việc sàng lọc, phân luồng, cách ly và quản lý ca bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể. Trong môi trường bệnh viện và trung tâm y tế, tất cả mọi vị trí đều nắm rõ nguyên tắc bảo hộ trong phòng chống dịch, đảm bảo yêu cầu quan trọng là không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện và lây ra cộng đồng. Theo đó, đến nay hệ thống bệnh viện các tuyến và các trung tâm y tế cấp huyện trên địa bàn tỉnh luôn tổ chức các phương án phân luồng và giám sát người đến khám bệnh chặt chẽ. Những bệnh nhân phải tái khám nếu càng thực hiện đúng theo các khuyến cáo của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh do COVID-19 thì nguy cơ lây nhiễm càng thấp.
Tại Bệnh viện TP. Huế, bảng hướng dẫn phân luồng được bố trí từ ngoài khu vực để xe. Người bệnh đến khám bệnh có biểu hiện ho, sốt, khó thở… có khu vực để xe riêng. Vào sâu bên trong, các bảng hướng dẫn tiếp tục được bố trí dọc theo lối đi dành riêng cho người đến khám các bệnh về hô hấp. Nếu có bệnh nhân nào không chú ý, vô tình “lọt” vào khu khám bệnh chung, thì đã có nhân viên đón tiếp trực ngay lối chính hướng dẫn cụ thể. Nhân viên đón tiếp cũng có nhiệm vụ nhắc nhở người dân đến khám bệnh đeo khẩu trang, bất cứ loại nào có thể. BS CKI. Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện TP. Huế cho biết, người dân đến khám các bệnh về hô hấp có biểu hiện ho, sốt, khó thở đi vào và ra theo một vòng khép kín. Khu vực khám cho các bệnh nhân nằm cách xa các khu vực khác. Nếu phải làm xét nghiệm, chụp X-Quang hay siêu âm, người bệnh cũng được các nhân viên y tế phục vụ tại chỗ, không phải đi lại nhiều nơi trong bệnh viện.
Theo phân cấp của Bộ Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế là tuyến cuối cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Hiện tại, cơ sở 2 của bệnh viện đang cách ly, điều trị cho 3 trường hợp đã xác định dương tính và cách ly theo dõi 1 trường hợp nghi nhiễm. Đây là khu cách ly được tổ chức biệt lập, hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh của bệnh viện. Người dân có các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường... cần tiếp tục tuân thủ tuyệt đối liệu trình điều trị theo lời bác sĩ dặn. Nếu vì ngại chốn đông người, lo lắng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thì có thể kết nối các đường dây chăm sóc khách hàng để tư vấn việc duy trì điều trị. Tuyệt đối không nên đánh cược sức khỏe bản thân vì một nguy cơ chưa xảy ra, rất dễ gây ra rủi ro khôn lường.
GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nhấn mạnh: Bất cứ bệnh nhân nào có bệnh mạn tính vẫn phải đi khám bình thường, đúng lịch. Nếu không, cơ thể đang có bệnh mà không đi khám kịp thời ở các bệnh viện thì tính mạng còn bị đe dọa còn cao hơn cả nhiễm COVID-19. Đối với Bệnh viện Trung ương Huế, cơ sở 1 hoàn toàn không có khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 và mọi hoạt động khám chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường. Ở cơ sở 2, hệ thống cách ly và bảo vệ cách ly được tổ chức chặt chẽ, khả năng lây nhiễm là zero (0).
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN