ClockChủ Nhật, 22/03/2020 16:18

Những người lặng lẽ nơi tuyến đầu chống dịch

TTH.VN - Trong trang phục bảo hộ y tế đặc chủng, nhưng chỉ cần di chuyển bước chân, hay cú gật đầu và ra ký hiệu bằng tay… đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng ở khu cách ly đặc biệt nơi đang điều trị các bệnh nhân dương tính COVID-19 ở Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 (xã Phong An, huyện Phong Điền) cũng hiểu đồng nghiệp mình cần gì.

Trắng đêm… “canh” dịch12 du khách đầu tiên hết thời gian cách ly ở Sun&Sea ResortThêm khu cách ly tập trung tại chung cư Hương SơViệt Nam thêm 2 ca mắc Covid-19 thứ 93 và 94

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở khu điều trị đặc biệt bên trong Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2. Ảnh: M. Duyên

Từ sảnh chính của bệnh viện, mất gần 10 phút đi bộ, băng qua các biển cảnh báo dày đặc, cấm ra vào với những người không có nhiệm vụ, chúng tôi tiếp cận được khu cách ly đặc biệt. Không khó để nhận thấy, dù nằm ở phía sau cùng các dãy nhà của bệnh viện nhưng lối vào khu điều trị cách ly đặc biệt này được phân luồng rõ ràng để xe chở bệnh nhân và xe chuyên dụng ra vào.

Bất kể ai khi đi ra vào khu này phải tuyệt đối chấp hành những yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt. Và điều ấn tượng với chúng tôi, khu cách ly này chẳng khác gì khách sạn sang trọng, với dãy nhà mới toanh, qua các cửa kính có thể thấy rõ phòng điều trị bệnh nhân bên trong sạch đẹp, hệ thống cây xanh phủ mát dày đặc bên trong khuôn viên… Từ khi có bệnh nhân cách ly điều trị COVID-19, không gian này được đặt trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Cùng nằm trong dãy nhà, cách khu điều trị đặc biệt không xa là phòng làm việc, trao đổi chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tiếng điện thoại reo lên. Bên kia đầu dây là những đề nghị của các bệnh nhân đến với đội ngũ bác sĩ. Ngược lại, các bác sĩ điều trị rất lưu loát khi lần lượt trả lời bằng tiếng Anh những đề nghị của bệnh nhân.

Thi thoảng, tiếng cười nói, đùa giỡn giữa bác sĩ và bệnh nhân đã làm cuộc trò chuyện trở nên bớt căng thẳng, và cho thấy tình hình bệnh nhân đang được điều trị, chăm sóc chu đáo, bệnh tình tiến triển tốt.

Từ căn phòng này, nhìn thẳng qua vài chục mét có một hàng rào gỗ được gắn biển báo màu đỏ phông chữ vàng in hoa hai thứ tiếng Anh – Việt: “KHU VỰC NHIỄM – INFECTION AREA”. Đi qua khỏi hàng rào gỗ ấy, là nơi mà các bệnh nhân đang nhiễm COVID-19 được điều trị. Ở bên trong đó, mỗi ca trực sẽ diễn ra trong vòng 12 tiếng với đội ngũ bao gồm 3 bác sĩ, 3 điều dưỡng, 1 hộ lý và 1 người chống nhiễm khuẩn.

Qua khỏi hàng rào gỗ, với biển báo “KHU VỰC NHIỄM – INFECTION AREA” là nơi điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Và bên trong đó, đội ngũ y bác sĩ cũng thay nhau miệt mài túc trực. Ảnh: Phan Thành

Cứ thế, các kịp trực thay nhau liên tục, đảm bảo túc trực, chăm sóc cho các bệnh nhân 24/24h. “Sau mỗi ca trực liên tiếp 12h, kíp trực này sẽ ra một phòng riêng cạnh đó tắm rửa, sát khuẩn và đến một phòng cách ly riêng biệt để nghỉ ngơi, không tiếp xúc với ai bên ngoài” – Th.S BS Nguyễn Đình Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 chia sẻ.

Nhiều ngày cùng ăn ở để đưa tin cho bạn đọc về tình hình điều trị cho các bệnh nhân nước ngoài ở Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2, nơi được xem là tuyến đầu của “trận chiến” COVID-19, chúng tôi hiểu được phần nào những hy sinh thầm lặng, đó là chưa nói những hiểm nguy mà họ có thể gặp phải. Nhưng chưa bao giờ trên khuôn mặt họ vơi đi nụ cười và sự tự tin, hy vọng vào một ngày không xa, trận chiến này sẽ kết thúc.

Tôi bắt gặp được nụ cười và sự tự tin ấy trong đôi mắt của điều dưỡng Hồ Thị Mỹ Duyên. Không chỉ là người đứng ở tuyến đầu cùng với các bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, điều dưỡng Duyên cũng là người hỗ trợ chúng tôi – những người làm báo đưa tin từ bên trong khu vực này. Bởi lẽ, một khi các phóng viên không thể ghi hình ở bên trong khu điều trị ấy, thì Duyên được sự cho phép của ban giám đốc bệnh viện, đã sử dụng điện thoại thông minh được đặt cố định bên trong đó để chụp ảnh, quay phim gửi ra những thước phim vô cùng giá trị để cung cấp cho báo chí.

Và khi mỗi bản tin, phóng sự chúng tôi phát đi đã giúp cộng động phần nào hiểu hơn được quá trình chăm sóc, điều trị và công việc vô cùng cao cả nhưng thầm lặng mà những bác sĩ, điều dưỡng đang phải đối đầu. Hỏi chị có lo lắng không, chị quả quyết, một khi đã tình nguyện vào đây thì không có gì phải sợ, chỉ có điều rất nhớ người con trai 3 tuổi đang ở nhà.

Vì thế, sau mỗi ca trực, khi trở về phòng cách ly riêng dành cho bác sĩ, điều dưỡng Duyên lại tranh thủ gọi video call cho người con của mình, và trấn an con bằng giọng rưng rưng: “Khi nào bắt xong con Cô Vít, mẹ sẽ về”.

Và không chỉ bác sĩ Khoa, điều dưỡng Duyên… mà còn rất nhiều nhân viên y tế của Bệnh viện Trung ương Huế nói chung và Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 nói riêng chấp nhận mọi nguy cơ, gác lại những nỗi niềm riêng tư trong cuộc sống, gia đình để hướng đến mục tiêu cao nhất trong thời điểm này: cứu sống người bệnh, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.

NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến

Trái tim của một chàng trai 24 tuổi đã vượt chặng đường hơn 600km từ Hà Nội vào Huế, “thắp” lên sự sống cho một thanh niên đồng trang lứa suy tim nặng. Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13 của đơn vị.

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến
Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

Từ ngày 4 đến ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Newborn Việt Nam, Hội đồng Hồi sức châu Âu tổ chức hai lớp đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng đến từ các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế
Return to top