ClockThứ Bảy, 07/10/2023 16:19

Tiếp cận dịch vụ PrEP lưu động cho đối tượng nguy cơ cao

TTH.VN - Ngày 7/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với CDC TP. Đà Nẵng tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV lưu động (PrEP lưu động) cho nhóm người có nguy cơ cao đợt 2 tại 21 Nguyễn Văn Linh, phường An Hòa, TP. Huế.
Cán bộ y tế tư vấn sử dụng thuốc kháng virus HIV cho khách hàng sáng 7/10

Nhiều kênh quảng bá, dịch vụ dễ tiếp cận

Đợt này, dự kiến có hơn 40 khách hàng bao gồm khách hàng mới và khách hàng đợt 1. Khách hàng được thực hiện các xét nghiệm sàng lọc HIV, giang mai, creatinin, HBsAg, Anti-HCV và tư vấn sử dụng miễn phí thuốc ARV điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (thuốc miễn phí từ nguồn Dự án Quỹ toàn cầu).

PrEP là sử dụng thuốc kháng virus HIV nhằm dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV. Khi dùng thuốc, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho virus HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể. Nếu tuân thủ dùng thuốc, việc dự phòng lây nhiễm HIV mới hiệu quả.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả hiện nay. Việt Nam đã triển khai biện pháp này tại 28 tỉnh, thành phố với hơn 30.000 người đã sử dụng. Ngoài đến cơ sở y tế để đăng ký và sử dụng dịch vụ, hiện nay khách hàng có thể tiếp cận với PrEP qua dịch vụ được cung cấp lưu động.

Năm 2015, Tổ chức Y tế khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV, như: Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới, người tiêm chích ma túy, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV, người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV từ 200 bản sao/ml máu trở lên. Khoa học đã chứng minh hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV, những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%.

ThS.BS Lý Văn Sơn, trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS – CDC tỉnh cho hay: “Sau đợt triển khai điều trị lưu động đầu tiên, hiện có gần 50 khách hàng đến phòng khám để tư vấn, điều trị. Phần lớn những người này là các bạn trẻ, sinh sống trên địa bàn Tp. Huế và các vùng lân cận. Chúng tôi tiếp tục quảng bá dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) trên các nền tảng mạng xã hội, qua kênh của nhân viên tiếp cận cộng đồng, khách hàng đến tư vấn xét nghiệm tự nguyện, và các đợt truyền thông sinh viên, truyền thông tại cộng đồng nhằm thúc đẩy tiếp cận dịch vụ cho đối tượng nguy cơ cao”.

 Xét nghiệm máu cho người thuộc nhóm MSM trước khi điều trị PrEP

Khá an toàn

Tại Thừa Thiên Huế, mục tiêu đặt ra là có khoảng 130 người thuộc nhóm MSM được điều trị PrEP trong năm 2023; 100% người đủ tiêu chuẩn điều trị PrEP được cấp thuốc miễn phí từ nguồn Quỹ toàn cầu; Duy trì 70% khách hàng tiếp tục điều trị trong vòng 3 tháng. Điều trị PrEP lưu động đợt 3 sẽ còn diễn ra vào ngày 11/11 tại 21 Nguyễn Văn Linh, TP. Huế.

Bạn L.Q.H, một khách hàng đến tái khám và nhận thuốc đợt 2 chia sẻ: “Hai ngày đầu khi dùng thuốc mình cảm thấy đau đầu, mệt mỏi vì tác dụng phụ của thuốc. Sau khi gọi điện đến CDC chia sẻ và nghe tư vấn, mình đã hiểu và yên tâm sử dụng thuốc ARV nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Qua những đợt điều trị lưu động như thế này, mình còn tranh thủ kiểm tra sức khỏe miễn phí và được nâng cao nhận thức trong phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục”.

Trước câu hỏi PrEP liệu có những tác dụng phụ nào? ThS.BS Hoàng Nam Thái - Phó trưởng nhóm Chương trình dịch vụ Lao/HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam thông tin: "PrEP dùng theo đường uống khá an toàn. Tác dụng phụ của thuốc nếu xuất hiện sẽ nhẹ và nhanh. Thường người dùng sẽ không còn các triệu chứng tác dụng phụ sau 2 tuần kể từ khi bắt đầu dùng thuốc".

Từ nhiều lợi ích mang lại trong PrEP lưu động cho nhóm người có nguy cơ cao, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông về HIV, tạo cầu dịch vụ để học sinh, sinh viên, công nhân lao động biết đến chương trình này. Đồng thời nêu bật lợi ích của PrEP, gồm lợi ích ngắn hạn và dài hạn, tạo động lực cho các bạn trẻ có thể tham gia nhiều hơn.

Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tái tạo ngực miễn phí sau ung thư vú

Chiều 27/5, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Huế phối hợp cùng đơn vị Phẫu thuật vi phẫu Đại học Stanford; Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Đại học Washington Seattle (Hoa Kỳ) tiến hành thăm khám, chỉ định phẫu thuật cho các bệnh nhân (BN) có nhu cầu tái tạo ngực sau ung thư vú.

Phẫu thuật tái tạo ngực miễn phí sau ung thư vú

TIN MỚI

Return to top