Dù đã lường trước nhưng không ngờ người dân đổ xô đến đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ quá đông, so với dự kiến. Trước đây, nhu cầu người dân về tiêm chủng dịch vụ hàng năm chỉ khoảng 5-7% nhưng hiện tỷ lệ này đã tăng lên gấp 10 lần, chưa kể trường hợp ngoại tỉnh cũng tìm đến. Tỷ lệ đăng ký tăng này kể từ đầu năm 2019, Bộ Y tế chuyển đổi vắc xin loại mới ComBe Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại các trạm y tế phường, xã.
Tiêm vắc xin dịch vụ tại CDC tỉnh
Nhiều phụ huynh cho rằng, một số trường hợp tai biến sau tiêm của trẻ ở chương trình TCMR khiến họ e ngại, chuyển hướng qua đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ. Ông có thể giải thích rõ sự khác nhau giữa TCMR với tiêm chủng vắc xin dịch vụ?
Vắc xin 5 trong 1 trong chương trình TCMR là vắc xin viện trợ của Tổ chức Y tế Thế giới hàng năm nhập miễn phí cho Việt Nam: 2-3 triệu liều. Đây là vắc xin sản xuất đại trà có kiểm định của Tổ chức Y tế Thế giới. Vắc xin này toàn tế bào, đặc biệt là thành phần ho gà, do đó, sẽ có nhiều kháng nguyên chưa được tinh chế hết nên có thể gây ra các phản ứng phụ sau khi tiêm chủng, như sốt, co giật, tím tái... Tuy nhiên, quá trình thực hiện TCMR ở Việt Nam tỷ lệ xảy ra phản ứng phụ rất nhỏ, nằm trong giới hạn cho phép.
Vắc xin dịch vụ là vắc xin vô bào được tinh chế sạch, không có các kháng nguyên bất lợi do đó ít gây tác dụng phụ. Ngược lại, giá thành của nó cao gấp 10-15 lần vắc xin TCMR. Hiện nay, có hai loại vắc xin dịch vụ là 5 trong 1 Pentaxim của Pháp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib; vắc xin 6 trong 1 Infarix nhập từ Bỉ phòng các bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib).
Ngoài các điểm tiêm vắc xin dịch vụ của CDC tỉnh, hiện nhiều phụ huynh trong và ngoại tỉnh có thể đến tiêm vắc xin này ở Bệnh viện Quốc tế Huế hay một đơn vị dịch vụ ở Đà Nẵng?
Tất cả các cơ sở được cấp phép tiêm chủng đều có thể tiêm chủng vắc xin dịch vụ, như BV Quốc tế Huế, CDC TP. Đà Nẵng... Tuy nhiên, thực trạng chung hiện nay là vắc xin được nhập về không đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân đến tiêm chủng dịch vụ. Thực tế, "có tiền vẫn không mua được nhiều". Đơn cử như tháng 5 này, đơn vị chỉ nhập về được 1.100 liều vắc xin dịch vụ và dự kiến trong tháng 6 đến sẽ được 1.300 liều nhưng nhu cầu người đến đăng ký lại quá lớn.
Một số phụ huynh thắc mắc có 1.100 liều vắc xin nhập về nhưng họ đứng xếp hàng ở số 600 lại nhận thông báo hết thuốc. Quy trình đăng ký trực tiếp như hiện nay liệu có công bằng, hợp lý?
Chúng tôi đã trình phương án cụ thể với lãnh đạo ngành, UBND tỉnh khi nhận được nguồn vắc xin nhập về. Quá trình triển khai, đơn vị lập 14 bàn đăng ký với 14 cán bộ phụ trách và làm sẵn 1.100 phiếu. Thời điểm diễn ra đăng ký bắt đầu từ 6 giờ đến 8 giờ 15 phút sáng 8/5 là hết số lượng 1.100 phiếu. Số phiếu đăng ký chúng tôi còn nhập vào mạng TCMR Quốc gia để sau này các cháu đến tiêm mũi 2, mũi 3 tránh bị tiêm nhầm, trùng mũi... Chúng tôi không để lại một phiếu nào và việc dừng lại phiếu 600 như phụ huynh có ý kiến là chưa chính xác.
Tại sao chúng ta không triển khai đăng ký qua hệ thống trực tuyến, qua số điện thoại hoặc các kênh khác nhằm giảm tải số lượng người quá đông ở hiện trường như vừa qua?
Khi đăng ký trực tuyến sẽ tạo ra số ảo vì 1 trẻ có thể có 4-5 người đăng ký (ông bà, bố mẹ...). Hơn nữa, chúng ta không đáp ứng đủ vắc xin khi số lượng tham gia qua trực tuyến quá lớn. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm chiều 8/5, CDC tỉnh đã họp với Viettel Thừa Thiên Huế bàn giải pháp xây dựng một phần mềm để áp dụng cho người dân đến đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ một cách hợp lý, thuận tiện.
Tháng 6, sẽ có thêm 1.300 liều vắc xin, liệu có đáp ứng được nhu cầu và có giải pháp gì để không lặp lại tình trạng quá tải đăng ký như đã xảy ra không, thưa ông?
Đáp ứng đủ hay không hiện không nói trước được. Như chúng tôi nói ở trên vắc xin dịch vụ hiện rất khan thiếu, không riêng gì ở Thừa Thiên Huế vì ở các công ty nhập về Việt Nam rất hạn chế. Còn cách thức thực hiện thời gian đến chúng tôi đã bàn giải pháp với Viettel Thừa Thiên Huế có phương án không để xảy ra chuyện quá tải khi đăng ký tiêm phòng vắc xin dịch vụ như vừa qua.
Xin cảm ơn ông!
Minh Tuệ (thực hiện)