Bệnh viện tuyến huyện, tỉnh ngại triển khai các kỹ thuật cao vì quỹ BHYT hạn hẹp
Gần 100% cơ sở, BV vượt quỹ
Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Hương Thủy với tổng quỹ được giao theo kế hoạch năm 2019 là 28,7 tỷ đồng; trong đó, có một phần đáng kể đơn vị này phải chi cho đa tuyến (chi trả cho các BV khác). Vậy nhưng qua 10 tháng đầu năm 2019, BV này đã "tiêu" hơn 92,8% tổng quỹ.
Đề cập vấn đề này, bác sĩ CK II Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc TTYT thị xã Hương Thủy nêu thực tế, năm 2018, đơn vị được giao quỹ gần 28,2 tỷ đồng, cuối năm quyết toán cơ quan BHXH quyết toán đã vượt hơn 2,7 tỷ đồng. Như vậy, bình quân trong năm 2018, đơn vị được khoán "tiêu" 2,8 tỷ đồng/tháng. Nhưng sang năm 2019, mức giao quỹ vẫn không tăng so với năm trước nên tình trạng vượt quỹ năm nay của đơn vị là điều dễ hiểu.
TTYT huyện Nam Đông cũng trong tình trạng bị vượt quỹ BHYT. Trong 9 tháng đầu năm, đơn vị này "tiêu" 96,7% tổng số tiền được giao năm 2019. Lãnh đạo đơn vị này chia sẻ, năm 2018, TTYT Nam Đông được giao qũy trên 8,2 tỷ đồng. Năm 2019, cơ quan BHXH lại giao 7,803 tỷ đồng, thấp hơn năm 2018. Do quỹ giao đã cạn nên hiện tại TTYT Nam Đông khá chật vật, phải xoay sở mọi nguồn để trang trải cho những tháng cuối năm.
Khám điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh
Nằm trong bối cảnh chung, BV Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2019 cũng đã sử dụng gần 9, 4 tỷ đồng, chiếm gần 87% tổng số dự toán quỹ BHYT của cả năm. Trung bình, mỗi tháng BV này phải chi khoảng 1,2 tỷ đồng, nhưng với số dự toán hiện tại chỉ cho phép được chi chưa đến 900 triệu đồng/tháng. Tính toán sơ bộ, năm 2019, BV PHCN tỉnh sẽ vượt gần 2 tỷ đồng. "Trước thực trạng giao quỹ BHYT, hàng tháng chúng tôi phải kiểm kê lại tất cả các chi phí; yêu cầu bác sĩ phải dựa vào tình trạng bệnh nhân để đưa ra chỉ định phù hợp từ cận lâm sàng đến thuốc men... để giảm vượt dự toán. Tuy nhiên không thể nào làm khác hơn, ngoại trừ đóng cửa không đón tiếp điều trị bệnh nhân"- bác sĩ Nguyễn Quang Hiền, Giám đốc BV PHCN tỉnh nói.
Con số từ Sở Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2019, gần 100% cơ sở, đơn vị KCB đã nằm trong khung vượt quỹ dự toán chi phí BHYT. Trong đó nhiều đơn vị đã "tiêu" từ 90-98% quỹ đã giao, như các BV Mắt Huế, Lao phổi, Phong Da liễu, Phòng khám sức khỏe cán bộ tỉnh..., trong đó, có BV Trung ương Huế Cơ sở 2 "tiêu" 110,7% quỹ giao. Bên cạnh đó, các cơ sở KCB ngoài công lập đã vượt từ 102% đến 130% quỹ giao, như Phòng khám đa khoa y khoa Pháp Việt; Phòng khám Âu Lạc, Phòng khám Âu Lạc - Thanh Sơn...
"Phần nào rộng rãi cần phải co lại”
Tại cuộc giao ban KCB 9 tháng đầu năm 2019 của ngành y tế, đại diện lãnh đạo các cơ sở, BV trên địa bàn cho rằng, việc giao dự toán quỹ BHYT quá chênh so với thực tế khiến các đơn vị ngần ngại triển khai các kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng điều trị, thu hút bệnh nhân. Đây là câu chuyện mâu thuẫn đang đi ngược lại xu thế phát triển của ngành y tế. "Hiện nay, BV nào càng đông bệnh, càng triển khai nhiều kỹ thuật cao sẽ càng lỗ, thậm chí là không có tiền trả lương cho y, bác sĩ”. Bác sĩ Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc TTYT thị xã Hương Thủy chia sẻ.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, việc sử dụng vượt dự toán quỹ BHYT đang là mối bận tâm lớn của ngành. Sở Y tế đề nghị các cơ sở, BV rà soát, củng cố các hoạt động, như kê đơn hợp lý, chỉ định nhập viện đúng theo phác đồ, chỉ định kỹ thuật phù hợp, thời gian nằm viện hợp lý, không trì hoãn xuất viện, tăng cường điều trị trong ngày thay vì nhập viện điều trị nội trú; đồng thời chuyển người bệnh về tuyến trước điều trị tiếp khi đã chẩn đoán, điều trị ổn định nhưng cần được chăm sóc và theo dõi thời gian dài.
Theo ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH Thừa Thiên Huế, nguyên nhân vượt dự toán quỹ BHYT là do chất lượng dịch vụ tăng, tỷ lệ KCB điều trị nội trú tăng so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử như BV Mắt Huế có tỷ lệ xét nghiệm tăng 34%, thuốc tăng 48%; BV Quân y 268 tỷ lệ điều trị nội trú tăng 33%; TTYT huyện Nam Đông có số lượt KCB tăng 34%, chi phí tăng 29%, trong đó bình quân thuốc tăng 58%; TTYT thị xã Hương Trà có tỷ lệ bình quân tăng 15%, phẫu thuật tăng 18%; TTYT thị xã Hương Thủy bình quân dịch vụ chẩn đoán hình ảnh tăng 23%, thuốc tăng 18%... Mặt khác, trong năm 2019, Bộ Y tế đã điều chỉnh tăng giá các dịch vụ y tế lên 3,2% cũng khiến Quỹ BHYT ngày càng phải chi nhiều hơn.
Hiện nay, BHXH tỉnh tiếp tục kiểm tra, thẩm định nguyên nhân phần vượt dự toán vì thực tế bên cạnh một số cơ sở, BV vượt quỹ hợp lý, vẫn còn những đơn vị vượt bất hợp lý. “Các đơn vị phải xem xét nghiêm túc lại các chỉ định của mình. Phần nào rộng rãi cần phải “co lại”, bởi để được thanh toán lại cũng phải chờ rất lâu. Còn những điều đang nảy sinh "chênh nhau" ở hai phía, chúng tôi sẽ kiến nghị cấp trên xem xét giải quyết trong thời gian tới ”- đại diện lãnh đạo BHYT Thừa Thiên Huế nói.
Việc giao dự toán quỹ BHYT theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dựa trên năng lực hoạt động và số thẻ BHYT đăng ký của từng cơ sở, BV. Theo đó, các cơ sở, BV tuyệt đối không được "cắt xén" quyền lợi của người bệnh mà phải sử dụng nguồn lực hợp lý nhất, tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng KCB. Năm 2019, Chính phủ giao cho các cơ sở, BV tại Thừa Thiên Huế gồm 40 cơ sở, BV trực thuộc đơn vị bộ ngành Trung ương và địa phương là 1.877.055 triệu đồng; trong 9 tháng đầu năm các cơ sở, BV đã "tiêu" 1.630.638 triệu đồng, chiếm 86,9%.
Bài, ảnh: Minh Trường