ClockThứ Tư, 24/05/2023 07:06

Thiếu vắc-xin SII, DPT4 do phụ thuộc nguồn cung ứng

TTH - Tình trạng tạm gián đoạn cung ứng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đang diễn ra không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà cả nhiều tỉnh thành trong cả nước. Một số phụ huynh tìm đến tiêm dịch vụ, trong khi những người không có điều kiện lại lo lắng.

Vắc-xin vì Nhân dânCơ chế COVAX thừa nhận bị thiếu 1/3 số lượng vắc xin COVID-19Thiếu vắc xin “dịch vụ”, phụ huynh chờ đợi

leftcenterrightdel
 Tiêm vắc xin 6 trong 1 cho trẻ tại CDC tỉnh

Chờ hoặc chấp nhận tiêm dịch vụ

Ngày 23/5, theo lịch tiêm chủng mở rộng (TCMR) định kỳ hàng tháng, nhiều trạm y tế (TYT) thông báo đã hết vắc-xin 5 trong 1 và vắc-xin nhắc lại bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Tại một số TYT, tình trạng thiếu vắc-xin 5 trong 1 diễn ra từ tháng 3-4/2023. Theo chị Blup Phượng - một bà mẹ có con nhỏ 5 tháng tại A Lưới thì TYT nơi chị ở đã hết vắc-xin này từ tháng 4/2023. “Nếu không có vắc-xin để tiêm cho con, em sẽ lo lắng lắm vì ở vùng cao không dễ kiếm đủ chi phí đi tiêm dịch vụ. Rất may khi con em tiêm xong mũi nhắc lại 5 trong 1 thì thuốc vừa hết. Một số bé đăng ký sau không còn thuốc để tiêm nữa. TYT đã giải thích rõ việc thiếu vắc-xin là do nguồn cung ứng từ trên”, chị kể.

Đại diện một TYT khu vực TP. Huế cho hay, không chỉ thiếu vắc-xin 5 trong 1, tháng 5/2023, trạm còn thiếu cả vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván. Trên fanpage trạm, một số phụ huynh vào thắc mắc, trạm đã trả lời và ghi lại danh sách chờ tiêm các loại vắc-xin đang thiếu.

Trước đó, TYT phường Thuận Hòa, Phú Thanh, Hương Sơ (TP. Huế)… đã thông báo rộng rãi việc không có vắc-xin SII (5 trong 1) cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 1 tuổi, không có vắc-xin DPT4 (nhắc lại bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho trẻ 18-24 tháng. Chị Nguyễn Trần Uyên Thi, mẹ bé Nguyễn T.M. 5 tháng tuổi cho biết, thấy TYT thông báo, hơn nữa chị có tham khảo trong nhóm các bà mẹ nên biết được tình trạng thiếu vắc-xin 5 trong 1 diễn ra mấy tháng nay. “Vì lo lắng cho sức khỏe của con, em chấp nhận đi tiêm dịch vụ mũi 6 trong 1 với chi phí hơn 900 ngàn đồng/mũi. Chờ vắc-xin ở trạm không biết đến khi nào mới có, lại phấp phỏng hơn”, chị T. nói.

Cùng cảnh, ngày 23/5, bà Phan Thị Cẩm ở Vinh Thanh (Phú Vang) cùng con gái đưa cháu ngoại 2 tháng tuổi lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tiêm mũi 6 trong 1. Bà bảo: “Dưới tui trạm thông báo hết vắc-xin 5 trong 1 từ sớm nên mẹ con, bà cháu tui khăn gói thuê xe lên Huế. Tui nghe vắc-xin tiêm chủng là quan trọng với trẻ nên đắt mấy cũng phải gói ghém cho cháu tiêm để phòng bệnh”.

Trong khi đó, chị Lê. D.Th. nuôi con đơn thân khá cân nhắc tiêm dịch vụ mũi 6 trong 1 do trạm y tế nơi chị ở 3 tháng qua không có vắc-xin 5 trong 1. “TCMR cho trẻ mang lại nhiều lợi ích, nhưng nghe các phương tiện truyền thông thông báo thiếu một số loại vắc-xin mình lo lắm. Một mình chăm con kinh tế khá khó khăn, do vậy không thể nào tiêm dịch vụ mãi được”, chị chia sẻ quan điểm.

leftcenterrightdel
Tiêm chủng vắc xin góp phần bảo vệ trẻ em trước các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: TCMR cho trẻ tại Quảng Điền 

Nên tiêm bù sớm nhất có thể

Trên các diễn đàn, hội nhóm các bà mẹ bỉm sữa, tình trạng thiếu vắc-xin khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Các bà mẹ tìm hỏi địa chỉ trạm nào còn thuốc, giá cả tiêm dịch vụ, tiêm chậm có ảnh hưởng đến phòng bệnh cho con hay không…

Vắc-xin TCMR do dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cấp, giúp phòng tránh hiệu quả những căn bệnh truyền nhiễm và làm giảm tỷ lệ tử vong ở người do các căn bệnh này. Vắc-xin thuộc Chương trình TCMR góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe trẻ em và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.

Lý do thiếu một số loại vắc-xin TCMR cho trẻ, trong đó chủ yếu là SII (Ấn Độ sản xuất), DPT4, ThS.BSCKII. Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh giải thích, đây là thực trạng chung của nhiều tỉnh thành thời gian qua. Các quốc gia, tổ chức chuyên sản xuất vắc-xin ở nước ngoài bị tác động mạnh mẽ, nhất là từ khi dịch COVID-19. Nguồn cung ứng vắc-xin hiện phụ thuộc chủ yếu từ Viện Pasteur (Nha Trang) và Viện Vệ sinh dịch tễ (Hà Nội). Hiện CDC đã xây dựng, dự trù kế hoạch mua vắc-xin các tháng còn lại trong năm gửi lên tuyến trên.

“Tiêm chậm vắc-xin mũi nhắc lại ảnh hưởng không nhiều tới sức khỏe của trẻ vì hầu hết trẻ đã tiêm các mũi ban đầu. Cha mẹ trẻ có thể chọn tiêm chủng vắc-xin dịch vụ để không gián đoạn lịch tiêm. Nếu ở vùng sâu, vùng xa, người không có điều kiện kinh tế, nên đến các trạm y tế để được tư vấn cụ thể. Đó là nơi nắm nguồn vắc-xin, quản lý đối tượng tiêm chủng, thời gian tiêm chủng…”, ThS. BSCK II Nguyễn Lê Tâm đưa ra lời khuyên.

Theo các chuyên gia y tế, để bảo vệ trẻ, vắc-xin phải được tiêm đúng lịch và đủ liều. Nếu trẻ không tiếp tục duy trì mũi tiêm, kháng thể sẽ giảm theo thời gian, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng. Do vậy, trường hợp lịch tiêm chủng bị gián đoạn, trẻ cần phải được tiêm bù sớm nhất khi có thể.

Năm 2023, Bộ Tài chính đề nghị không bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng, vitamin A cho trẻ…, mà đề nghị các địa phương cân đối khoản kinh phí sử dụng mua vắc-xin tiêm chủng, triển khai đấu thầu mua sắm. Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế xem xét và có phương án thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, không để thiếu vắc-xin cho TCMR.
LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng triển khai vắc-xin Rota miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi

Thừa Thiên Huế là một trong hơn 30 tỉnh sẽ triển khai đồng thời cả hai vắc-xin Rotarix và Rotavin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) theo chủ trương của Bộ Y tế. Loại vắc-xin này khá đắt trên thị trường, vì vậy, thông tin này được rất nhiều bà mẹ mong chờ.

Sẵn sàng triển khai vắc-xin Rota miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi
Return to top