ClockThứ Hai, 17/09/2018 09:23

Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện: Hiểu đúng, sống khỏe

TTH - Gần đây, Thừa Thiên Huế đạt được những kết quả quan trọng trong phòng chống "H", nhất là hoạt động điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm "H". Kết quả này nhờ ngành y tế tăng cường vận động truyền thông, giúp mọi người tham gia chương trình tư vấn, xét nghiệm "H" tự nguyện (TVXNTN).

Hỗ trợ quà cho hai người nhiễm "H" có hoàn cảnh khó khănGạo biến đổi gen có thể hỗ trợ phòng ngừa HIVGiảm kỳ thị với người có "H"

Vui khỏe nhờ tư vấn xét nghiệm "H"

Qua giới thiệu từ các bác sĩ ở Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tôi có dịp trò chuyện với anh NVT., người nhiễm "H" nhiều năm qua, hiện sống ở Phong Điền. Sự cởi mở, vui tươi đón khách, tôi không nghĩ anh là người nhiễm "H". Anh T., chia sẻ, sau những năm làm ăn xa nhà, biết bản thân rơi vào trường hợp nguy cơ cao nhưng không tự tin đến cơ sở y tế xét nghiệm "H" vì sợ người thân, bạn bè kỳ thị, xa lánh. Khi được cán bộ y tế địa phương vận động cung cấp thông tin "bản chất" của "H", anh tự nguyện tham gia TVXNTN và có cơ hội được điều trị thuốc suy giảm miễn dịch (ARV) miễn phí đều đặn hàng tháng. Sau gần 4 năm, sức khỏe anh được duy trì tốt, vẫn theo nghề xây dựng, có thu nhập ổn định, sống vui vẻ, hạnh phúc.

Tư vấn xét nghiệm "H" tự nguyện tại thị xã Hương Trà

Bác sĩ Cao Thuyết, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phong Điền cho biết, hiện số người nhiễm "H" trên địa bàn đếm trên bàn tay. Tất cả người nhiễm được quản lý, hỗ trợ tiếp cận điều trị thuốc suy giảm miễn dịch (ARV) nên sức khỏe ổn định, hòa nhập tốt ở cộng đồng. Để có được thành quả này, TTYT Phong Điền phối hợp với các đơn vị chức năng lồng ghép triển khai nhiều chương trình tuyên truyền vận động nâng cao ý thức cho người dân hiểu rõ bệnh "H". Trong đó, chú trọng chương trình TVXNTN giúp cho các trường hợp nguy cơ cao, công nhân ở các khu công nghiệp, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ... phát hiện điều trị kịp thời. Năm 2017, toàn huyện TVXNTN hơn 850 trường hợp; từ đầu năm đến tháng 6/2018 thực hiện gần 300 trường hợp và kết quả đều âm tính.

Với địa bàn rộng, cạnh TP. Huế, TX Hương Trà là địa phương chú trọng chương trình TVXNTN, nhằm giúp người dân phát hiện sớm có biện pháp dự phòng, hạn chế lây nhiễm "H" ở cộng đồng. Hơn 15 năm nay, chương trình TVXNTN diễn ra đều đặn; đặc biệt vào tháng Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS hàng năm, đơn vị phối hợp truyền thông can thiệp giảm tác hại và kết hợp TVXNTN tại các xã, phường, địa bàn khu vực đông dân cư... Để đảm bảo cho các khách hàng không e ngại, quá trình tư vấn ở Hương Trà có 2 hình thức. Trước hết là TVXNTN vô danh, trong đó đối tượng tư vấn không cần cung cấp tên, địa chỉ và chỉ cần ghi mã số cho từng khách hàng. Thứ hai TVXNTN ghi tên là khách hàng tự nguyện cung cấp tên, tuổi, địa chỉ để tham gia vào quá trình tư vấn, xét nghiệm "H". Do vậy, phần lớn đối tượng tham gia cảm nhận như đi khám sức khỏe định kỳ; số lượng khách hàng đến TVXNTN năm sau cao hơn năm trước. Đầu năm đến tháng 8/2018, Hương Trà có 281 trường hợp đến TVXNTN; 100% đều âm tính.

Vẫn e ngại

Qua tìm hiểu, chương trình TVXNTN ở các địa phương triển khai rộng khắp. Chương trình này mang ý nghĩa thiết thực, phát hiện, điều trị hạn chế sự lây nhiễm "H" trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện số lượng tham gia TVXNTN ở các địa phương chỉ đạt từ 40 -50%. Đơn cử, như TX Hương Trà kế hoạch năm 2018 đề ra 670 trường hợp nhưng đến thời điểm này mới đạt 41,9%. Lý do phần nhiều còn e ngại, sợ bộc lộ danh tính, cộng đồng kỳ thị nếu không may dính "H". Đây là một trong nguyên nhân nhiều năm qua ở các huyện, thị xã chưa phát hiện trường hợp dính "H" tại địa phương. Điều này minh chứng, nguy cơ tiềm ẩn dính H trong cộng đồng còn khá lớn...

Theo các bác sĩ hoạt động tại khoa kiểm soát bệnh tật và HIV ở địa phương, hiện nay cách duy nhất để biết bản thân có "H" là phải xét nghiệm máu. Đa số người nhiễm "H" giai đoạn đầu thường không có biểu hiện bên ngoài, trong khi "H" dễ dàng lây truyền khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa máu hoặc dịch sinh học. Do vậy không chỉ lây truyền từ mẹ sang con, tình dục, kim tiêm không an toàn… mà khi gặp tai nạn, chữa trị, tiếp xúc không an toàn đều có thể nhiễm "H".

Bác sĩ Nguyễn Lê Tâm, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS- CDC tỉnh chia sẻ, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay và mạng lưới các cơ sở y tế rộng khắp, việc xét nghiệm sàng lọc "H" rất đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện và tất cả đều được giữ bí mật. Đặc biệt, việc xét nghiệm sớm phát hiện "H" sẽ giúp người bệnh chủ động có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp, giảm chi phí điều trị, kéo dài tuổi thọ và nhất là giúp người bệnh dự phòng được để giảm nguy cơ lây nhiễm sang cho người khác.

"Mọi người cần quan tâm chủ động tham gia TVXNTN khi thấy bản thân rơi vào trạng thái nguy cơ cao. Việc tiếp cận dịch vụ này không chỉ được điều trị sớm, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống mà còn là trách nhiệm của bản thân với gia đình, cộng đồng trong việc giảm lây nhiễm "H". Bác sĩ Tâm nói.

Tính đến tháng 6/2018, số người nhiễm "H" trên toàn tỉnh còn sống là 333 trường hợp; trong đó có 310 người ở địa phương; 6 người ngoại tỉnh và 17 phạm nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã phát hiện thêm 47 trường hợp nhiễm mới; trong đó có 19 người ở địa phương, 1 phạm nhân và 27 ở ngoại tỉnh.

Bài ảnh: Minh Trường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01
Sáng kiến hiệu quả giúp người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Với Công trình thanh niên “Tuyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo”, tuổi trẻ Công an Thừa Thiên Huế đã khơi gợi được sự thấu hiểu, đồng lòng và hưởng ứng của đông đảo người dân.

Sáng kiến hiệu quả giúp người dân tự nguyện giao nộp vũ khí
Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12:
Đa dạng hóa hình thức xét nghiệm, tăng hiệu quả điều trị

Việc đa dạng hóa các hình thức xét nghiệm HIV tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm người nguy cơ cao được tiếp cận, kiểm tra tình hình sức khỏe. Điều này còn giúp người bệnh tránh tình trạng kháng thuốc, giảm nguy cơ lây nhiễm cho mọi người.

Đa dạng hóa hình thức xét nghiệm, tăng hiệu quả điều trị
Return to top