ClockThứ Năm, 06/09/2018 14:17

Vắc xin mới an toàn cho trẻ

TTH - Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia có thay đổi vắc xin, bổ sung thêm một số vắc xin trong tiêm chủng... đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là các phụ huynh có trẻ nhỏ.

Ưu tiên nghiên cứu, sản xuất vắc xin 5 trong 1 tại Việt NamĐưa vắc xin Combe Five thay thế Quinvaxem

PGS.TS Nguyễn Đình Sơn

Trao đổi với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần, PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, từ tháng 8/2018, chương trình TCMR quốc gia có một số thay đổi, như thay thế vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem bằng vắc xin Combe Five; tiêm thêm 1 mũi vắc xin bại liệt; sử dụng vắc xin sởi- rubella do Việt Nam sản xuất khi thực hiện tiêm chủng cho trẻ.

Thưa ông, vì sao lại thay đổi vắc xin?

Từ cuối năm 2017, Tập đoàn vắc xin Jassen tại Hàn Quốc thông báo ngừng cung ứng vắc xin Quinvaxem trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do vậy, Bộ Y tế có kế hoạch đưa vắcxin Combe Five của Ấn Độ vào chương trình TCMR quốc gia để thay thế vắc xin Quinvaxem của Hàn Quốc. Đây là sự thay đổi bình thường và được Bộ Y tế kiểm tra, thử nghiệm rất kỹ trước khi đưa vào sử dụng.

Combe Five là vắc xin có thành phần giống như Quinvaxem, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vắc xin này đã được sử dụng ở 43 quốc gia trên thế giới. Trước khi đưa vào chương trình TCMR quốc gia, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm tại 7 tỉnh trên toàn quốc cho thấy hiệu quả mang lại rất cao.

Tiêm vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi

Bên cạnh thay đổi vắc xin “5 trong 1”, Bộ Y tế triển khai tiêm thêm 1 mũi vắc xin bại liệt cho trẻ từ 5 tháng tuổi bắt đầu vào tháng 9/2018 và áp dụng việc tiêm vắc xin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất. Hai loại vắc xin bại liệt dạng tiêm và sởi - rubella là những bước bổ sung nhằm hoàn thiện hơn trong chương trình TCMR quốc gia đang được duy trì và thực hiện rất hiệu quả từ 30 năm nay.

Việc thay đổi, bổ sung thêm vắc xin có thay đổi phác đồ, lịch tiêm của trẻ?

Chuyện thay đổi, bổ sung thêm vắc xin như nói trên không thay đổi phác đồ, lịch tiêm của trẻ. Vắc xin Combe Five vẫn tiêm theo phác đồ như Quinvaxem là đủ 3 mũi vào các thời điểm trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Những trẻ đã tiêm được 1 hoặc 2 mũi Quinvaxem sẽ tiếp tục được tiêm mũi tiếp theo bằng vắc xin mới Combe Five.

Những vắcxin đã thay đổi được sử dụng trong tiêm chủng như thế nào, thưa ông?

Đối với vắc xin bại liệt theo đường tiêm (IPV) sẽ được tiêm khi trẻ được 5 tháng tuổi. Đây là vắc xin do Pháp sản xuất và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia đang sử dụng vắc xin uống cần sử dụng thêm 1 liều vắc xin bại liệt tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi để tăng cường thêm cho hệ miễn dịch sau khi trẻ đã được uống 3 liều vào các thời điểm bé được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Việc tiêm vắc xin bại liệt sẽ được triển khai trong TCMR cho trẻ đủ 5 tháng tuổi trên toàn quốc từ tháng 9 này. Tuy nhiên, những trẻ sinh từ ngày 1-3-2018 đã tiêm mũi vắc xin dịch vụ 6 trong 1 thì không cần phải tiêm mũi này, do thành phần trong vắc xin dịch vụ đã bao gồm cả bại liệt. Phụ huynh cần phải thông báo với bác sĩ khi đưa trẻ đi tiêm ngừa theo chương trình TCMR quốc gia.

Tiêm phòng vắc xin cho trẻ ở địa bàn TP. Huế

Đối với vắc xin sởi-rubela do Việt Nam sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, vắc xin này đã được Bộ Y tế cấp phép đưa vào sử dụng trong TCMR thay thế cho vắc xin do Ấn Độ sản xuất trước đây. Việc thay đổi này sẽ giúp chương trình TCMR chủ động nguồn cung ứng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18-24 tháng tuổi.

Một số trường hợp đã tiêm mũi 1 và 2 vắc xin Quinvaxem. Theo ông khi thay đổi vắc xin mới có ảnh hưởng đến trẻ?

Vắc xin Combe Five đưa về Việt Nam đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Kết quả nghiệm thu cho thấy, vắc xin đạt tiêu chuẩn an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch. Loại vắc xin này cũng được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt trong sản xuất) của WHO.

Vắcxin Combe Five có thành phần và lịch tiêm tương tự như vắc xin Quinvaxem. Do đó khi đưa vắc xin Combe Five vào sử dụng trong TCMR thì cách thức triển khai sẽ thực hiện tương tự như triển khai sử dụng vắc xin Quinvaxem. Trẻ đã tiêm mũi 1-2 Quinvaxem có thể tiêm tiếp mũi 2-3 bằng Combe Five. Ngoài loại vắc xin Combe Five, tại Việt Nam hiện có 2 loại vắc xin 5 và 6 trong 1, ngừa các bệnh tương tự Quinvaxem và Combe Five (chỉ khác thành phần ho gà là vô bào) nhưng được tiêm theo hình thức dịch vụ. Các phụ huynh có thể lựa chọn vắc xin và hình thức tiêm để bảo vệ sức khỏe con em mình.

Trên địa bàn tỉnh hiện toàn tỉnh có bao nhiêu điểm tiêm chủng và trẻ dưới 5 tuổi tham gia chương trình TCMR quốc gia?

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 169 điểm tiêm chủng thuộc khối công lập (gồm 152 trạm y tế xã, phường; 17 điểm tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại các bệnh viện và 14 điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ được Sở Y tế cấp phép. Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 100.000 trẻ dưới 5 tuổi và trên 20.000 phụ nữ có thai thuộc đối tượng của chương trình TCMR quốc gia; trong đó có khoảng 20.000 trẻ dưới 1 tuổi, 20.000 trẻ 18-24 tháng tuổi. Theo Thông tư 38/2017/TT-BYT, kể từ 2018, phụ nữ tuổi sinh đẻ (không có thai) không thuộc đối tượng của chương trình TCMR quốc gia.

Những đối tượng nằm trong chương trình TCMR ở địa phương không phải ít, vậy vắc xin mới thay thế có đủ nguồn cung?

Hiện nay chúng tôi đã nhập nguồn vắc xin Combe Five từ Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (Khánh Hòa) và lập kế hoạch cung ứng đủ cho các tuyến, địa bàn huyện, thành phố, xã phường để triển khai đồng loạt vào 25/9 đến. Vắc xin Combe Five có dạng trình bày tương tự vắc xin Quinvaxem, được đóng 1 liều/lọ và có gắn chỉ thị nhiệt độ để giám sát việc tiếp xúc với nhiệt độ của từng lọ vắc xin trong quá trình bảo quản, vận chuyển trước khi sử dụng. Theo kinh nghiệm chuyên môn, chúng tôi thường lập kế hoạch nhập vắc xin vượt từ 15-25% so với chỉ tiêu, số lượng đề ra ban đầu. Do vậy, việc cung ứng nguồn vắc xin mới cho chương trình TCMR trên địa bàn sẽ được đảm bảo.

Hẳn là công tác tập huấn cho cán bộ y tế đã được triển khai để đảm bảo an toàn cho trẻ và đem lại hiệu quả cao nhất?

Đúng vậy! Đó vấn đề quan trọng mà chúng tôi quan tâm, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia tiêm chủng khi có hướng dẫn chuyển đổi thay thế vắc xin mới. Tháng 8 vừa qua, CDC tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn về công tác lập kế hoạch, quy trình bảo quản vắc xin, theo dõi, giám sát hoạt động tiêm chủng an toàn... cho tất cả các điểm tiêm chủng Chương trình TCMR Quốc gia trên địa bàn tỉnh, gồm 152 TYT xã, phường, thị trấn và các huyện, thị xã; đồng thời, phổ biến thêm Thông tư 38/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi, đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc... Qua đợt tập huấn này, cán bộ tiêm chủng cập nhật đầy đủ mọi thông tin, kiến thức để triển khai thành công tiêm vắc xin mới trong chương trình TCMR.

Xin cảm ơn ông!

Minh Văn (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ghi nhận thêm 5 ca nghi ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính

Ngày 29/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) thông tin, trong hai tuần qua địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 5 ca nghi ngờ ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính. Hiện, các bệnh nhân đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế.

Ghi nhận thêm 5 ca nghi ho gà, trong đó 1 ca xác định dương tính
GAVI hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam

Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), chính phủ các nước, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đã có những hỗ trợ to lớn cho chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua.

GAVI hỗ trợ cho chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam
Return to top