Các mũi kim siêu nhỏ, chưa tới 1 mm, được gắn trên bề mặt miếng dán vắc xin - Ảnh: Viện công nghệ Georgia
Theo đài NPR (Mỹ), kết quả nghiên cứu về miếng dán vắc-xin phòng cảm cúm của Phòng bào chế thuộc Viện Công nghệ Georgia được đăng tải trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet trong tháng qua.
Theo đó, loại miếng dán vắc-xin này có kích thước tương đương một băng dán cá nhân loại nhỏ, trên đó gắn nhiều mũi kim siêu nhỏ đủ để đưa vào cơ thể liều vắc-xin cảm cúm.
Miếng dán này được dán vào cánh tay và khi có áp lực tác động, các mũi kim nhỏ trên miếng dán sẽ bắt đầu xuyên xuống dưới ra, phát tán liều lượng vắc-xin tương đương với liều tiêm thông thường.
Trong nghiên cứu lâm sàng, 100 người tham gia đã được "tiêm" vắc xin theo cách thông thường hoặc bằng miếng dán.
Sáu tháng sau đó, không ai tham gia nghiên cứu bị cảm cúm. Những người dùng miếng dán vắc-xin gặp một số hiện tượng như hơi ngứa, mẫn cảm hoặc sưng đỏ, nhưng không có tác dụng phụ nào nghiêm trọng.
Miếng dán vắc-xin với rất nhiều mũi kim siêu nhỏ có độ dài chưa tới 1 mm của Viện Công nghệ Georgia - Ảnh: Viện Công nghệ Georgia
Theo bà Yasmine Gomaa, phó giám đốc phòng bào chế, khoảng 70% người tham gia nghiên cứu cho biết họ thích dùng miếng dán hơn tiêm.
Cũng theo bà Gomaa, phòng bào chế của bà đang hướng tới mục tiêu phát triển các loại miếng dán vắc-xin phòng các bệnh khác.
Loại miếng dán vắc-xin này, có thể bảo quản ở nhiệt độ 40 độ C trong khoảng thời gian 1 năm, sẽ hữu dụng ở các quốc gia đang phát triển vì không cần phải bảo quản lạnh như các vắc-xin thông thường.
Không những thế, ngay cả những người không có chuyên môn y tế cũng có thể tự "tiêm" vắc-xin bằng miếng dán này. Ngay trong nghiên cứu của Viện Georgia, một số người đã tự dán miếng dán vắc-xin cúm cho họ.
Năm 2015, Viện Công nghệ Georgia và hãng dược phẩm Micron Biomedical đã nhận được khoản tài trợ 2,5 triệu USD từ quỹ Bill and Melinda Gates để phát triển loại miếng dán vắc-xin phòng bệnh bại liệt.
Theo Tuổi Trẻ