ClockThứ Sáu, 01/12/2023 07:05
NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG BỆNH AIDS

Tôi là CBO

TTH - Sau nhiều lần làm việc và thuyết phục, N.V.V. đã đồng ý chia sẻ với phóng viên về công việc của một nhân viên tiếp cận nhóm đồng tính tư vấn, triển khai phòng, chống HIV/AIDS. Câu chuyện dần mở ra với nhiều cung bậc cảm xúc…

Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDSTruyền thông phòng chống HIV/AIDS cho 300 sinh viên Trường đại học Y Dược Duy trì cấp phát Methadone cho bệnh nhân trong mưa lũ

 CBO tư vấn về điều trị PrEP cho học sinh, sinh viên

Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, ba mẹ thường giục con trai đầu về làm gần nhà để còn đỡ đần gia đình. Người yêu thấy tôi gầy ốm, nghi ngờ nên chúng tôi quyết định mua test về xét nghiệm nhanh. Trong khi kết quả tôi 2 lần cho âm tính thì anh ấy lại dương tính. Nhiều lý do cho tôi quyết tâm xách ba lô từ giã tháng năm làm công nhân ở Bình Dương. Trên hành trình hồi hương, má Huyền – một cán bộ ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng gợi ý tham gia hỗ trợ cộng đồng LGBT. Tôi bắt tay làm quen với công việc và trở thành CBO – (nhóm hỗ trợ cộng đồng/nhân viên tiếp cận cộng đồng) tại Huế giữa năm 2023 với chút kinh nghiệm mang về từ Bình Dương.

Tôi tham gia các lớp tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS, làm quen nhiều “đồng đội” làm nhiệm vụ này ở Đà Nẵng, Nghệ An. Trước thực trạng các ca nhiễm HIV gia tăng ở nhóm MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới), nhiệm vụ của chúng tôi là truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức cho khách hàng về phòng tránh HIV/AIDS và các bệnh xã hội.

"Tư vấn ở Huế khó lắm"

Quần thể MSM ở Huế có thể phân chia theo tỷ lệ: 30% người trên 35 tuổi, 70% dưới 35 tuổi (chủ yếu là sinh viên, học sinh). Nhóm dưới 35 tuổi được chúng tôi dành nhiều thời gian “xâm nhập”, song tâm, sinh lý họ rất phức tạp và khó tiếp cận. Khi tôi mở miệng nói chuyện, điều đầu tiên họ lo ngại liệu thông tin cá nhân có được bảo mật, kết quả xét nghiệm HIV dương tính có gửi về nơi cư trú hay không… Điều lạ là nhóm khách hàng này không muốn đến Khoa Phòng, chống HIV/AIDS – CDC tỉnh khám, kiểm tra. Nhiều bạn không biết đến các dịch vụ xét nghiệm miễn phí trên trang web tuxetnghiem.vn.

Hàng ngày, tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi vào các trang, nhóm trên mạng xã hội để làm quen, tiếp cận với khách hàng, bởi đây là kênh đảm bảo sự riêng tư của “đối tác”. App Blued, một ứng dụng xã hội hẹn hò dành cho người đồng tính là “môi trường” tương tác khá hiệu quả. Tôi đặt dòng trạng thái giới thiệu công việc, nếu ai muốn tư vấn thì kết nối, trò chuyện cùng nhau. Như bao CBO khác, tôi đối mặt với nhiều cạm bẫy, lời mời chào, rủ rê… Song, tôi luôn nhắc nhở rằng mình đang “làm nhiệm vụ”.

Trên Blued tư vấn 1:1 rất thoải mái, sau đó, người ta đồng ý đến phòng trọ của tôi chia sẻ, hỏi han, xét nghiệm. Còn thực tế, mời làm việc theo nhóm cực nan giải. Người Huế sống hướng nội, ít biểu lộ cảm xúc nên không dễ nói chuyện. Tiếp cận thì khó, nói chuyện thì né nhưng cung cấp vật phẩm miễn phí thì nhanh lắm. Tôi chạy vào Đà Nẵng hai vòng chở 4 thùng bao cao su, gel bôi trơn, tài liệu, tờ rơi được hỗ trợ. Ấy vậy mà chút xíu là khách tới nhận hết trơn. Còn phát tờ rơi, họ cầm lên xong rồi… thả xuống.

Đi một vài tỉnh, thành, tôi nhận ra tiếp cận tư vấn ở Huế khó lắm. Trong khi mình hỗ trợ nhiệt tình, hết mình thì nhiều khách phán một câu nghe đến nản: “Không sao đâu, dùng bao cao su là được”! Cũng chính người nói câu này từ chối đăng ký điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV lưu động (PrEP). Ấy vậy, sau một đợt nhậu nhẹt, quan hệ không an toàn, anh ta tới tìm tôi xin test nhanh và hỏi có loại thuốc nào phòng lây nhiễm HIV không. Nhiều khi tôi không thể hiểu nổi sự thờ ơ của họ?!

Những chuyện đau lòng

Trong cuộc truyền thông nhóm nhỏ, tôi gặp nam sinh 14 tuổi, học lớp 9. Tên em ấy là A. đến từ huyện T. Lúc học lớp 7, một đàn anh rủ rê đi cà phê và bạn ấy bị bỏ thuốc vào đồ uống. Tỉnh dậy, nam sinh này mới biết mình bị xâm hại tình dục. Bạn ấy vừa kể vừa khóc nấc khiến tôi cảm thấy mình như có lỗi vì vô tình gợi lại ký ức đau buồn.

Truy thủ phạm, tôi ngã ngửa bởi đó chính là khách hàng của tôi. Hắn ta mới đăng ký dùng thuốc điều trị dự phòng đợt trước. Vừa động viên, tôi trấn an và giúp A. test nhanh tại chỗ. Nửa tiếng sau, bạn ấy mừng đến run cả người khi test hai lần vẫn âm tính. Tôi rủ rê, mời A. tham gia cùng các nhóm truyền thông nhỏ. Giờ A. biết quan tâm đến sức khỏe bản thân, mạnh dạn chia sẻ kiến thức cùng các bạn trong cộng đồng MSM.

Vẫn có tình trạng biết mình nhiễm HIV nhưng lại phớt lờ, nói chuyện kiểu hận đời, bất cần. Tôi cố gắng khuyên nhưng dường như họ không thèm để ý. Trong đợt tập huấn chung ở Đà Nẵng mới đây, sẵn mẫu xét nghiệm bằng nước bọt, các CBO đều test, thế là toàn đội có 8 mẫu “hai vạch”. Một trong 8 người dương tính đó chính là một sinh viên Huế đi cùng nhóm với tôi. Về Huế, tôi lại ngược xuôi hỗ trợ em ấy nhận thuốc ARV điều trị. Em ấy thổ lộ lần đầu quan hệ không an toàn là khi đang học lớp 11. Giờ em ấy là sinh viên năm thứ 3, việc điều trị bị chậm 4 năm. Nếu không tiếp cận với thuốc ARV, khả năng 6 tháng nữa, em ấy sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS. Đa phần, khách hàng của tôi là sinh viên và bạn trẻ nghèo. Việc điều trị cần phải tăng cường sức đề kháng, ăn uống đủ đầy trong khi đời sống của nhiều bạn còn khó khăn, đó thực sự là một thách thức.

Thi thoảng, tôi gặp những tình cảnh oái ăm và phải gác lại mọi việc, tư vấn cho khách hàng. Hơn 10h đêm, một SMS ở TX. Hương Trà nhắn hỏi: “Anh lỡ quan hệ không an toàn, giờ phải làm sao”? Tôi bảo nếu anh không đăng ký điều trị PrEP từ trước thì chỉ còn cách mua loại thuốc ngoài thị trường với giá 1,2 triệu đồng/lọ. Ở Huế lại không có thuốc này, phải nhờ trong Đà Nẵng. Vậy là tôi lại kết nối với một CBO trong ấy tư vấn. Ba chúng tôi trao đổi, trò chuyện cho đến gần sáng. Tôi mất ngủ, bực bội song cũng cố kìm nén bởi thời điểm tìm đến tôi, có lẽ họ đang hoảng loạn, sợ hãi. Nếu trì hoãn tư vấn cho anh ấy vào ngày mai, đồng nghĩa hiệu quả điều trị dự phòng sẽ giảm dần.

HIV không đáng sợ

“Cánh tay nối dài" của nhân viên y tế

Tại Huế hiện có 2 CBO hoạt động, trong khi cả nước có khoảng 400 CBO được hỗ trợ và không được hỗ trợ từ các dự án phòng, chống HIV. Các tình nguyện viên truyền thông về biện pháp dự phòng HIV; Xét nghiệm HIV, dịch vụ PrEP, ART và tư vấn trực tiếp cho cá nhân; Kết nối điều trị HIV, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Nhiều người nhiễm HIV thuộc nhóm dễ bị tổn thương và đặc thù nên CBO là "cánh tay nối dài" của nhân viên y tế, giúp đối tượng nguy cơ cao tiếp cận thông tin và nhận dịch vụ thích hợp…

Là một CBO, tôi được phát áo blue trắng, thẻ cá nhân, chứng chỉ tập huấn, trong túi thường xuyên mang theo lọ thuốc PrEP. Tôi có khoảng 40 khách hàng. Trở thành CBO, tôi xác định đặt mục tiêu làm việc vì cộng đồng do đó, công việc mưu sinh phải linh hoạt được thời gian. Mỗi tháng, CDC hỗ trợ cho chúng tôi khoảng 1,2 triệu đồng từ nguồn của WHO. Hiện, tổng mức thu nhập từ nhiều nguồn của tôi xấp xỉ 6 triệu đồng. Số tiền này tôi dành chi phí phòng trọ, ăn uống, đi lại, thậm chí hỗ trợ cho một số khách hàng đặc biệt khó khăn của mình.

Khi đi truyền thông, bao giờ tôi cũng bảo rằng HIV không đáng sợ. Điều đáng sợ nhất là không biết cách để điều trị, phòng ngừa. Nếu bản thân biết mình nhiễm bệnh, có thể điều trị bằng ARV; còn không biết tình trạng sức khỏe của mình lại quan hệ bừa thì hậu quả sẽ nặng nề hơn. Giờ tôi không còn ngại nếu mọi người biết mặt mình hoặc nổi cáu khi bị một tài khoản gạ gẫm, buông lời khó nghe trên Blued.

Nhóm cộng đồng LGBT cần một chỗ dựa tin cậy để tin tưởng sẻ chia. Họ cần nâng cao nhận thức, có tiếng nói, có quyền bảo vệ sức khỏe và phòng tránh các bệnh xã hội khác. Chúng tôi đang tìm kiếm thêm các CBO, song người này phải làm việc nhiệt tình, chất lượng. Để hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả, tôi mong muốn việc truyền thông mạnh hơn, rộng hơn, đến với nhiều bạn trẻ hơn. Nếu được tiếp cận thông tin sớm, các bạn sẽ không phải hối tiếc vì thiếu hiểu biết.

N.V.V (kể)

Tuệ Ninh (ghi)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01
Return to top