Thế giới

‘Đại dịch' thầm lặng trẻ thấp còi ở Philippines

ClockThứ Bảy, 26/03/2022 15:39
Một "đại dịch" đã âm thầm tấn công người nghèo ở Philippines trong một thời gian quá dài.

Philippines: Mất hơn 220 tỷ peso một năm do suy dinh dưỡng trẻ em

Một em nhỏ Philippines bị chứng thấp còi đứng giữa hai bạn cùng tuổi

Tuần trước, Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines (DOST) đã lên tiếng kêu gọi sự quan tâm của đất nước đến một "đại dịch thầm lặng" hoành hành những người dân nghèo Philippines từ quá lâu. Đó là bệnh thấp còi, một trong những vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng nhất nhưng lại ít được chú trọng nhất mà chính phủ Philippines đang hy vọng khu vực tư nhân có thể giúp giải quyết.

Bệnh xuất phát từ tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khiến các em thấp bé so với lứa tuổi. Tình trạng trẻ thấp còi là một vấn đề đặc biệt cấp bách ở Philippines, với 29% hoặc 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2021.

Điều tra Dinh dưỡng Quốc gia Mở rộng năm 2019 do DOST và Viện Nghiên cứu dinh dưỡng và thực phẩm Philippines (DOST-FNRI) thực hiện đã phát hiện thêm rằng cứ 10 trẻ em ở tỉnh Cebu thì có khoảng 3 trẻ bị thấp còi – tình trạng làm suy giảm tiềm năng tương lai của các em. Những con số này khiến Philippines nằm trong nhóm 10 quốc gia có số lượng trẻ thấp còi cao nhất thế giới.

Vấn đề thậm chí còn rõ ràng hơn ở các khu vực như Khu tự trị Bangsamoro ở Mindanao theo đạo Hồi, Mimaropa, Bicol và Western Visayas, nơi mức độ suy dinh dưỡng thấp còi đáng báo động - vượt quá 40% trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo DOST, cần ít nhất 6,5 tỷ peso (169 triệu đô la Singapore) để giúp 3,64 triệu trẻ em thấp còi từ 6 tháng đến 3 tuổi. Hiện tại, các cơ sở sản xuất thực phẩm của DOST-FNRI chỉ có thể hỗ trợ một lượng nhỏ 2,04% yêu cầu, do đó chính phủ đã kêu gọi khẩn cấp sự hỗ trợ của khu vực tư nhân để giúp lấp đầy khoảng trống kinh phí khổng lồ.

“Chính phủ không thể một mình gánh vác trách nhiệm này (giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng)”, Tiến sĩ Rowena Cristina Guevara, Thứ trưởng phụ trách nghiên cứu và phát triển Bộ Khoa học Công nghệ Philippines, nhấn mạnh, “Để giúp giải quyết vấn đề của đất nước với 3,64 triệu trẻ em suy dinh dưỡng, chúng tôi cần sự hỗ trợ của cộng đồng dân sự và khu vực tư nhân”.

Theo nghiên cứu năm 2021 của Ngân hàng Thế giới, trong số các nguyên nhân chính của tình trạng suy dinh dưỡng dẫn đến thấp còi có việc thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ kém; ít được tiếp cận với các loại thực phẩm đa dạng, giàu dinh dưỡng; không đủ điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, và tình trạng nghèo đói.

Một em nhỏ đang lấy nước ở vùng ngoại ô Thành phố Quezon, Vùng thủ đô Manila, vào ngày 22/3/2022. ẢNH: EPA-EFE

Để giúp giải quyết vấn đề này, DOST đã xây dựng Chương trình Giảm suy dinh dưỡng dựa trên cơ sở khoa học mà bộ này hy vọng khu vực tư nhân có thể áp dụng như một dự án trách nhiệm xã hội hàng đầu của doanh nghiệp.

Các gói hỗ trợ dao động từ 120.000 peso, đủ để nuôi 50 trẻ em trong 120 ngày sử dụng các sản phẩm thực phẩm do DOST-FNRI phát triển, lên đến 25 triệu peso - để cung cấp thiết bị cần thiết cho sản xuất thực phẩm dinh dưỡng cao.

Các công ty tư nhân cũng có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp đất đai hoặc các tòa nhà đặt cơ sở sản xuất hay phương tiện đi lại, đưa các sản phẩm thực phẩm đặc biệt hỗ trợ phát triển này đến gần hơn với những trẻ em đang rất cần sự giúp đỡ..

Theo ông Ndiamé Diop, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Brunei, Malaysia, Philippines và Thái Lan, tình trạng thiếu dinh dưỡng là "một vấn đề nghiêm trọng" cản trở sự phát triển kinh tế và con người của Philippines.

Ông Diop cho biết: “Trẻ suy dinh dưỡng có xu hướng ốm yếu, học kém hơn, bỏ học nhiều hơn và năng suất kinh tế của chúng khi trưởng thành có thể giảm hơn 10% trong cuộc đời”.  “Cải thiện dinh dưỡng cho tất cả trẻ em là chìa khoá cho các mục tiêu của đất nước về đầu tư vào con người và tăng cường nguồn nhân lực cho một mô hình tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn. "

Và không có thời gian để trì hoãn vì cơ hội bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe tối ưu và sự phát triển thể chất và nhận thức của trẻ, chỉ kéo dài 1.000 ngày đầu đời từ khi thụ thai đến khi trẻ tròn 2 tuổi.

Nkosinathi Mbuya, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp của Ngân hàng Thế giới và là tác giả chính của báo cáo nhấn mạnh: “Bất kỳ chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng nào xảy ra trong giai đoạn này đều có thể dẫn đến tổn hại lớn và phần lớn không thể phục hồi đối với sự tăng trưởng thể chất, phát triển trí não và rộng hơn là hình thành nguồn lực con người tại Philippines”.

Kể từ khi chương trình chống suy dinh dưỡng của DOST-FNRI được triển khai vào năm 2011, một số tiến bộ đã đạt được với các cơ sở chế biến thực phẩm đang hoạt động tại 33 tỉnh trên toàn quốc và một số cơ sở khác sẽ sớm được thành lập ở các vùng khó khăn và cô lập như Sulu và Tawi- Tawi.

Tuy nhiên, tỷ lệ thấp còi vẫn ở mức cao cho thấy Philippines cần phải làm nhiều hơn và nhanh chóng hơn. Thực tế này tạo cơ hội cho chính phủ nhiệm kỳ kế tiếp có nhưng tác động tích cực tức thì bằng cách khai thác các nguồn lực của chính phủ và huy động tất cả các cấp chính quyền, cũng như xã hội dân sự và khu vực tư nhân cùng hợp tác để giảm mạnh tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Nhật Bản, Mỹ, Philippines sẽ hợp tác về năng lượng sạch và chip

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Nikkei Asia trước thềm một hội nghị thượng đỉnh ba bên lịch sử ở Washington vào tuần tới, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản, Mỹ và Philippines sẽ hợp tác cùng nhau trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, số hóa, các mạng lưới truyền thông, năng lượng sạch và khoáng sản quan trọng.

Nhật Bản, Mỹ, Philippines sẽ hợp tác về năng lượng sạch và chip
Return to top