ClockThứ Sáu, 11/09/2020 16:01

75% và lộ trình 5 năm

TTH - Đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho ngành dệt may da giày đạt trên 75%... là một trong những mục tiêu phấn đấu của tỉnh tại Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 05/9/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Theo số liệu của Ban Quản lý các Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, ngành dệt may Thừa Thiên Huế có năng lực sản xuất hơn 500 triệu sản phẩm may mặc và 100.000 tấn sợi/năm, là địa phương có quy mô lớn nhất trong các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đóng góp khoảng 42,6% giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may và khoảng 41,6% tổng giá trị xuất khẩu dệt may của khu vực. Đây cũng là ngành có đóng góp rất lớn trong giải quyết việc làm và chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ảnh minh họa: NQ

Tuy nhiên, do ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may chưa được chú trọng phát triển, tỷ lệ nội địa hóa bình quân chỉ đạt khoảng 40% và phải nhập khẩu tới 60% (riêng về nguyên liệu vải, tỷ lệ nhập khẩu khoảng 70%) nên giá trị gia tăng của ngành tạo ra thực sự rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu đạt được.

Với sự lệ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, không chỉ hiệu quả kinh doanh của ngành dệt may thấp mà còn dễ bị tổn thương do các biến động kinh tế - xã hội từ các nước cung ứng. Điều này thấy rõ trong đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu, không thể đáp ứng các đơn hàng.

Hiện nay, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là CPTPP, EVFTA, ngành dệt may đứng trước nhiều cơ hội, nhưng để tận dụng được những ưu đãi từ hiệp định, vấn đề đáp ứng yêu cầu xuất xứ nguyên liệu (trong nước sản xuất, hoặc từ các nước tham gia hiệp định) đang là thách thức với ngành dệt may.

Nếu so sánh con số 40%  tỷ lệ nội địa hóa bình quân hiện nay của ngành dệt may với mục tiêu phấn đấu 75% (gần gấp đôi), thời gian thực hiện cũng chỉ có 5 năm thì đây là mục tiêu không hề đơn giản. Khó, nhưng đây là con đường không thể không đi và cần sự nỗ lực lớn từ nhiều phía.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, tỉnh đề ra 6 nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; triển khai Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 theo Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 19/5/2017 của UBND tỉnh; quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư; nâng cao năng lực hỗ trợ và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; phát triển chuỗi giá trị công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đây là kế hoạch khá toàn diện, nhưng theo chúng tôi có 2 vấn đề cần sớm quan tâm và đi trước một bước. 

Trước hết, dệt may là ngành tiêu thụ nhiều nước, năng lượng và hóa chất nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Trong khi đó, việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải, chất thải rắn đảm bảo an toàn môi trường có chi phí rất lớn. Vì vậy, để thu hút được các nhà đầu tư, vấn đề này cần ưu tiên đầu tư trước một bước, với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà đầu tư hạ tầng.

Thứ hai, nguồn nhân lực đủ năng lực vận hành nhà máy là khâu vô cùng quan trọng. Hiện, Huế là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực dệt may còn quá yếu, chủ yếu là sơ cấp, thiếu bậc trung cấp, cao đẳng, đại học. Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là dư địa lớn cho các trường trung cấp, cao đẳng tuyển sinh. Nếu làm tốt điều này, không chỉ góp phần tạo việc làm cho người lao động mà tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào Thừa Thiên Huế.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành tư pháp với lộ trình cụ thể trong chuyển đổi số

Sở Tư pháp đã và đang có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp đối với từng lĩnh vực, nhóm nhiệm vụ trong công tác chuyển đổi số (CĐS); qua đó, góp phần xây dựng ngành tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Ngành tư pháp với lộ trình cụ thể trong chuyển đổi số
Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri

Việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời sẽ góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền các cấp. Công tác giám sát vấn đề này đã được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm.

Xây dựng lộ trình giải quyết kiến nghị cử tri
Return to top