ClockThứ Bảy, 25/01/2020 06:30

Áo dài đi lễ đầu năm

TTH - Tết năm nay, tôi sẽ mặc áo dài đi lễ chùa, tảo mộ, thăm thú người thân!

Mãn nhãn với “Áo dài trên con đường di sản”Ngắm bộ sưu tập áo dài mang tên "Văn hiến kinh kỳ"Về Huế may áo dài

Tôi, thú thật từ thời còn là nữ sinh cấp ba chưa từng thích mặc áo dài đi học. Thế nên trong tủ quần áo, ngoài bộ áo dài và đồng phục của trường chỉ toàn quần cộc, áo ngắn. Kiểu “tomboy” nên lên đại học rồi đi làm, gu thời trang cũng không khác là mấy. Chỉ đến khi tỉnh có chủ trương vận động, khuyến khích chị em phụ nữ công sở mặc áo dài ngày thứ 2 đầu tuần, tôi mới quay trở lại với bộ áo dài truyền thống.

Ảnh: Đăng Tuyên

Từ mặc theo quy định, dần tôi trở nên yêu thích với loại trang phục truyền thống nền nã này. Tôi cũng thấy mình nữ tính, dịu dàng hơn khi kết hợp áo dài với giày cao gót. Từ một bộ, tôi may thêm một lúc 5 - 6 bộ để khi cần thiết có thể mặc nguyên tuần mà không trùng nhau.

Tôi cũng bắt đầu nhận thấy sự thay đổi kể cả với những chị em đồng nghiệp của mình. Dù tóc dài hay tóc ngắn, “tomboy” ngổ ngáo hay cá tính dịu dàng thì khi khoác lên mình bộ áo dài truyền thống, chị em cơ quan tôi cũng duyên dáng, hiền thục đúng chất gái Huế.

Không chỉ cơ quan tôi, khi đến tác nghiệp nhiều cơ quan khác hay đến các trường học, nhất là ngày đầu tuần, không khó để bắt gặp những cô nữ sinh thướt tha trong áo dài trắng tinh khôi, những chị em công sở lịch sự, văn minh với áo dài đủ màu sắc hoặc năng động với áo dài cách tân. Mà dù là loại áo dài gì thì phụ nữ Huế mặc cũng đẹp, dịu dàng và đúng chuẩn hơn bất kỳ phụ nữ vùng miền nào. Điều này đã được rất nhiều nhà chuyên môn, du khách khẳng định.

Bận rồi có anh bạn nhiếp ảnh gia ở TP. Hồ Chí Minh gọi điện nhờ vả phải tìm được cô mẫu để chụp ảnh áo dài. Anh bảo phải chọn được cô mẫu thuần Huế: tóc đen, dài, dáng thanh mảnh, nước da trắng... Tôi bảo, chuyện nhỏ, có ngay. Nhưng cũng thắc mắc sao không chụp trong đó cho tiện. Ra đây chi mất công. Anh bảo, phải gái Huế mặc áo dài mới đẹp, mới đúng chuẩn. Tôi gật gật và sau đó anh có bộ ảnh ưng ý. Rồi anh “khoe”, vừa đưa lên face một lúc mà có hàng trăm lượt like, comment, họ toàn khen gái Huế mặc áo dài quá đẹp...

Rồi thì mấy người bạn của tôi, có đứa qua nước ngoài học tập định cư cả mấy chục năm. Tụi nó nói tiếng Anh như gió. Sinh hoạt rồi học tập bên Tây một thời gian khiến cách sống ít nhiều ảnh hưởng. Thế nhưng cái gu thời trang với sở thích áo dài thì chưa bao giờ thay đổi. Hôm rồi thấy bốn chị em gái nhà bạn đi đám cưới bên Mỹ vẫn mặc áo dài, mỗi người mỗi màu, hôm sau lại thấy đồng phục một màu hồng, tôi thắc mắc thì nó bảo toàn may ở Huế rồi gửi qua. Có số đo sẵn rồi, mỗi khi cần chỉ cần gọi messenger cho chủ tiệm, nói màu áo ưa thích hoặc xem các mẫu áo của tiệm đang có, vậy là may. Có người qua là gửi liền, khi cần quá thì gửi bưu kiện. Nhanh gọn và có mặc ngay! Bạn nói.

Tất nhiên là loạt ảnh mặc áo dài đi ăn cưới, ăn tiệc của bạn, con gái bạn và hội chị em bạn dì của bạn tôi luôn ấn nút like và “thả tim”. Tôi cũng không hiểu mình trở nên sến súa từ bao giờ nhưng hễ cứ thấy hội chị em xúng xính với áo dài là lại like, thả tim rồi ngắm mãi. Rồi khi mở loạt danh sách “like”, tôi thấy avatar của rất nhiều người không quen biết là phụ nữ, cũng like và thả tim như mình.

 Khi Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ban hành chủ trương khuyến khích chị em phụ nữ mặc áo dài được miễn vé tham quan di tích, tôi không ngừng online face để ngắm những bộ sưu tập áo dài trên các nẻo đường Huế. Huế hôm đó thiệt đẹp hết sức. Áo dài đủ màu sắc, đủ lứa tuổi và ấn tượng nhất vẫn là những áo dài mải mê với công việc, niềm nở với khách hàng, với người dân, du khách của các chị em công sở, ngân hàng, khách sạn...

Huế của tôi là vậy! Cái đẹp cũng rất riêng, rất khác! Vẻ đẹp áo dài cũng không nơi nào sánh kịp. Thế nên là cũng không khó hiểu tại sao người đứng đầu tỉnh luôn thôi thúc, mong muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống, nét đẹp văn hoá riêng có đã làm nên thương hiệu Huế, bằng việc khuyến khích mặc áo dài và xây dựng thương hiệu áo dài Huế.

Tôi tin rồi các thế hệ sau này, như con gái tôi chắc hẳn sẽ không thể không yêu áo dài như bà, mẹ của cháu. Bởi khi sống trong môi trường mà các cháu được dạy dỗ luôn gìn giữ thuần phong mỹ tục, nét đẹp truyền thống văn hóa Huế từ những hành động cử chỉ nhỏ nhất như việc mặc áo dài không chỉ những ngày lễ tết mà với cả những ngày bình thường trong tuần, hẳn là các cháu cũng dần hình thành được thói quen. Từ thói quen sẽ thành tính cách. Mà khi đã khoác lên mình bộ áo dài truyền thống, các cháu cũng tự ý thức, tiết chế được lời ăn tiếng nói đến đi đứng, hành động cũng phải nhỏ nhẹ, dịu dàng nét đẹp đặc trưng của con gái Huế.

Như hôm rồi, tôi dắt cháu đến tiệm may áo dài cùng người bạn thân thời đại học từ nước ngoàivề thăm quê, sẵn tiện may thêm bộ áo dài để cưới cháu. Con gái thấy mẹ và bạn xúng xính thử hết bộ này đến bộ kia cũng đòi may cho bằng được bộ đồng phục với mẹ. Tất nhiên là tôi không từ chối. Bạn thấy thế cũng may thêm cho cô con gái cũng cỡ tuổi con tôi một bộ. Chủ tiệm may rất nhiệt tình nhưng cũng phải hẹn xa xa chút. Bà chủ đã ngoài 70 tuổi với thâm niên hơn 30 năm may áo dài giải thích, dạo này khách hàng của bà, chủ yếu ở miệt biển Thuận An, Phú Thuận, Hải Dương… may áo dài nhiều quá. Mà họ may một lúc chục bộ đặng để đem qua “bên kia” (nước ngoài-NV) cho người thân nên cần ưu tiên hơn. Rồi một ông chủ tiệm may khác cũng bảo, đợt này chuẩn bị xuất áo dài sang Thái với Lào vì khách hàng người Việt bên đó yêu cầu nhiều quá.

Tôi không biết có phải vì hiệu ứng từ phong trào mặc áo dài của phụ nữ Huế thời gian gần đây đã lan tỏa tới phụ nữ Việt ở các vùng miền, quốc gia khác hay không, nhưng có điều chắc chắn là các tiệm đo may áo dài có dịp ăn nên làm ra lắm. Dù ngày hẹn lấy còn xa nhưng chắc một điều tết năm nay, thể nào mẹ con tôi cũng có thêm bộ áo dài mới để xúng xính đi lễ đầu năm. Mới tưởng tượng thôi đã thấy háo hức lắm rồi!

Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Thiếu nữ Huế & tết

“Tết” - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Thiếu nữ Huế  tết
Bế mạc chương trình tết Huế 2024

Sáng 5/2, Ban Tổ chức (BTC) chương trình tết Huế 2024 tổ chức lễ bế mạc và trao giải cho các đơn vị, địa phương. Tham dự, có UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; lãnh đạo thành phố và các ban ngành, doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn.

Bế mạc chương trình tết Huế 2024
Return to top