ClockThứ Năm, 03/11/2011 12:25

Hai triển lãm - một thông điệp

TTH - Như một cơ duyên, hai triển lãm cá nhân với hai phong cách khác nhau lại đồng hành trong một không gian của New Space Art Foundation. Người xem cảm nhận được sự đối lập giữa hai phong cách sáng tạo hợp thành một thông điệp trọn vẹn đầy tính nhân bản và trách nhiệm của nghệ sĩ với cuộc đời.

Tại không gian New Space Art Foundation - Trung tâm văn hóa Phương Nam (15 Lê Lợi) diễn ra sự kiện nghệ thuật thú vị: cùng lúc khai mạc hai triển lãm cá nhân đầu tiên của hai tác giả trẻ: Mang đi của Lại Thanh Dũng và Dị bản của Nguyễn Thành Trung. Điều trùng hợp là họ có nhiều điểm chung: quê ở Quảng Bình, sinh năm 1982, tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế; cùng chọn Huế là nơi khai triển đời sống và nghệ thuật của mình. Khu phía Tây là triển lãm Mang đi của Lại Thanh Dũng với 19 tác phẩm chất liệu tổng hợp và một tác phẩm sắp đặt thể hiện tình yêu sâu lắng với Huế. Khu phía Đông là triển lãm Dị bản của Nguyễn Thành Trung với 15 tác phẩm chất liệu tổng hợp và 2 tác phẩm sắp đặt ăm ắp những kiếm tìm, trăn trở.

Nặng tình với Huế
 
Sau gần 10 năm “lăn lộn” với hội họa, Mang đi thể hiện nỗ lực bứt phá của Lại Thanh Dũng. Từng tham gia nhiều triển lãm nhóm ở Huế, Pháp, Singapore… Dũng đã trang bị cho mình nền tảng hội họa vững vàng với kỹ năng, chất liệu thuần thục và mảng đề tài nhuần nhụy. Các tác phẩm được trưng bày lần này thể hiện tình yêu của anh với Huế. Mỗi tác phẩm là một mảnh ghép trong tổng thể giấc mơ tình yêu của Dũng với Huế: lăng tẩm, đền đài, phế tích, hồ sen hay những vật linh... Những ám tượng từ một tình yêu thẳm sâu với Huế, vùng đất đã dung dưỡng đời sống và nghệ thuật của Lại Thanh Dũng luôn phô bày trong tranh anh với hồn cốt dịu dàng, bảng lãng khói sương như những giấc mơ dài trong ký ức. Phảng phất chút siêu thực trong cách xử lý không gian, những hình thể nuột nà của sen, những rêu phong thành cổ... dần định hình một lối xử lý của riêng Dũng. Tác phẩm của anh bao giờ cũng có chiều toàn hoàn: quá khứ, hiện tại, tương lai.

Tác phẩm "Hoài niệm 3" của Lại Thanh Dũng
 
 
Điều làm nên sự khác lạ trong Mang đi chính là quyết định có vẻ táo bạo trong lối trưng bày: Dũng dùng các tấm nylon bọt khí bao phủ toàn bộ các tác phẩm vốn đã rất chỉn chu với chất liệu acrylic trên bố. Đó là hình thức muốn thoát khỏi cách thể hiện trên một bề mặt phẳng của toan, của vải, của màu. Đây là cách anh giữ gìn tình yêu của mình đối với Huế. “Tôi sợ dòng chảy của cuộc sống tác động làm cho tình cảm của mình đối với Huế bị xói mòn, ẩm mốc. Vì vậy, tôi muốn bao bọc để giữ gìn nó ở nơi bình yên, có thể chia sẻ tình yêu của mình với Huế cho rất nhiều người nữa”, Lại Thanh Dũng chia sẻ.

Tác phẩm "Thuyền đỏ" của Lại Thanh Dũng
 
 
Cái nhìn khắc khoải về cuộc sống
 
Từng tham gia nhiều triển lãm nhóm ở Thái Lan, Huế và các thành phố lớn khác ở Việt Nam, những trải nghiệm và quan tâm của Nguyễn Thành Trung gắn liền với đời sống thực tại đầy biến động và nhiều suy tư. Các tác phẩm được trưng bày trong Dị bản lần này bộc lộ khá rõ năng lượng nội tại dồi dào của anh trong cuộc kiếm tìm chất liệu, kỹ thuật, phương thức thể hiện…
 
Dị bản là cái nhìn cuộc sống với nhiều góc độ và trạng thái tinh thần khác nhau, hàm chứa nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống. Nguyễn Thành Trung muốn thâm nhập vào mọi ngóc ngách bí ẩn của tâm hồn để khám phá, coi đó là khởi nguồn cảm hứng và tạo nên những sáng tạo mới tinh tế. Anh có cái nhìn rộng mở trong sự ước lệ với các đường nét trau chuốt, đầy sức mạnh tạo hình đậm nét.

Tác phẩm "Âm bản, dương bản" của Nguyễn Thành Trung
 
 
Những chân dung âm bản, dương bản, những đồ vật cũ kỹ đầy hoài niệm, những hiệu ứng của chất liệu sơn mài được Trung thể nghiệm trên gương, một chất liệu làm nền với hiệu ứng thị giác khá tốt. Các hình thể của tác phẩm kết hợp với hình ảnh ngoại cảnh và của cả người xem tạo nên một đối nghiệm nhiều chiều, mang lại nhiều tầng bậc cảm nhận, chiêm nghiệm. Tác phẩm của Trung hoàn toàn sẵn sàng cho sự tương tác với người xem, với không gian trưng bày, như một ứng xử mang hơi thở đương đại. Người xem nhận thấy trong Dị bản có sự biểu lộ cái nhìn nghệ thuật mãnh liệt, cái nhìn của sự khắc khoải lặng thầm, sự nuối tiếc kín đáo và cả sự rụt rè lạ kỳ không giấu nổi. Nguyễn Thành Trung tâm sự: “Soi vào đó, Người có thể sẽ thấu nghiệm rằng, con Người đang đánh mất dần bản năng vui sống, đánh mất dần những giá trị thật, đánh mất dần linh hồn, đánh mất chính bản thể mình; để thấy thế giới tồn tại chỉ như một ảo giác vô định, phù phiếm, vô nghĩa…”.

Tác phẩm "Hiện thân"  của Nguyễn Thành Trung
  
Cảm nhận về hai triển lãm này, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh vui mừng: “Hai triển lãm của hai họa sĩ trẻ với hai phong cách đối lập đã mang lại sự khác biệt thú vị, đẩy xa khoảng cách các cung bậc cảm xúc của người xem đi từ trạng thái này đến trạng thái khác của sự lôi cuốn. Các họa sĩ trẻ đã mang lại những món ăn tinh thần muôn vẻ, đầy ý nghĩa từ sức lao động miệt mài của mình đến với công chúng yêu nghệ thuật”.
 

Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bản đúc trên cửu đỉnh được ghi danh di sản tư liệu thế giới

Lúc 13h 9 phút, ngày 8/5 (giờ địa phương), tại thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ, hồ sơ “Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam đã được thông qua và chính thức trở thành di sản tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.

Bản đúc trên cửu đỉnh được ghi danh di sản tư liệu thế giới
Đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Cửu Đỉnh triều Nguyễn trở thành Di sản Ký ức thế giới

Từ ngày 6 - 10/5, tại Mông Cổ diễn ra Hội nghị toàn thể Ủy ban Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP 2024) của UNESCO. Đợt này, toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 20 hồ sơ đệ trình, Việt Nam có 1 hồ sơ là Cửu đỉnh của Huế đại diện của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Cửu Đỉnh triều Nguyễn trở thành Di sản Ký ức thế giới
Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”

Chiều ngày 7/5, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Mar6 Studios liên quan đến dự án phim điện ảnh về hoàng hậu Nam Phương. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn làm phim “Hoàng hậu cuối cùng”
Trong nỗi hoài vọng cố hương

Nhà thơ Triệu Nguyên Phong quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên Huế. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Cuối năm 2023, nhà thơ Triệu Nguyên Phong vừa ra mắt độc giả tập thơ thứ bảy của mình “Theo bóng ta về”, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Các tập thơ trước đó gồm: “Say đắng” (2005), Nắng và mưa (2006), Ta và bóng (2009), Rơm rạ chiều quê (2011), Ngược dòng trăng (2013), Ta tìm ta giữa đời (2017).

Trong nỗi hoài vọng cố hương

TIN MỚI

Return to top