ClockThứ Tư, 30/11/2016 13:46

Bất cập tại các điểm, bãi giữ xe

TTH - Cơ sở vật chất không đảm bảo, thu tiền vượt quá quy định, lấn chiếm lòng lề đường... là thực trạng hiện nay ở nhiều điểm, bãi giữ xe đạp, xe máy trên địa bàn TP. Huế.

Điểm, bãi trông giữ xe đạp, xe máy gần chân cầu Gia Hội chỉ che những tấm bạt tạm bợ

Chiếm vỉa hè, xe phơi mưa nắng vẫn thu tiền cao

Điểm giữ xe ở Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược Huế là một trong những nơi có số lượng xe lên đến hàng ngàn chiếc mỗi ngày và đã trở nên quá tải trong nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa khắc phục. Hiện, trước cổng Bệnh viện Trung ương Huế đã “phát sinh” mới một điểm trông giữ xe, nhưng vấn đề quá tải vẫn không giảm. Tình trạng xe nằm phơi nắng, mưa gây bức xúc lâu nay đối với người nhà bệnh nhân. Ông Nguyễn Văn Huấn, quê Quảng Trị có người thân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế nói: “Người nhà tôi nằm viện 20 ngày nay, tiền thuốc men tốn không nói, riêng chuyện gửi xe không cũng tiêu tốn không ít. Mỗi lần gửi xe máy phải tốn từ 2-3 ngàn đồng. Nếu gửi qua đêm, số tiền tăng lên. Nhưng xe lắm lúc chỉ bỏ ngoài trời”.

Ở Bệnh viện Đại học Y Dược Huế cũng tương tự. Mỗi lần gửi xe giá 2 ngàn đồng. Nếu không có tiền lẻ, khách đưa 5 hoặc 10 ngàn đồng, người trông giữ xe chỉ thối lại 2 hoặc 7 ngàn đồng, nghĩa là họ cố tình lấy 3 ngàn đồng/xe máy. Bà Nguyễn Thị Năm, trú tại xã Phú Thượng (Phú Vang) có con sinh ở Bệnh viện Đại học Y Dược Huế bức xúc: “Đã gửi xe thì phải tốn tiền trông coi, nhưng họ chỉ biết lấy tiền, còn bảo đảm để xe không bị hư hỏng, thì họ không mấy quan tâm, để ngoài trời, mưa nắng mặc kệ. Tại sao họ không đầu tư xây dựng mái che, sân bãi đàng hoàng, rồi lấy tiền sao cũng được. Đối với những người lao động nghèo như tui, chiếc xe máy là tài sản lớn của gia đình”.

Không chỉ những điểm, bãi trông giữ xe ở các bệnh viện, tình trạng trông giữ xe ở các chợ Tây Lộc, An Cựu, Trường An, Vỹ Dạ, Bến Ngự... tuy có một số nhà xe, nhưng rất tạm bợ cũng chỉ che nắng mưa được một số chiếc, còn lại để ngoài trời. Vì lợi nhuận, nhiều điểm trông, giữ xe còn tận dụng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để giữ xe thu tiền.

Lợi dụng người dân đến giao dịch với cơ quan công quyền để xử lý giấy tờ liên quan, một số hộ dân chiếm vỉa hè làm nơi trông, giữ xe thu tiền. Ông Nguyễn Hòa, trú phường Xuân Phú (TP. Huế) bức xúc: “Đúng ra, cơ quan công quyền phải tạo điều kiện cho người dân khi đến đây làm việc. Giữ xe như thế này rất phản cảm, gây khó chịu trong Nhân dân. Khuôn viên cơ quan rộng, tại sao không tổ chức điểm trông giữ xe ở đó, mà lấn chiếm vỉa hè”.

Nhiều vấn đề đáng quan tâm

Ông Châu Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết: “Trên địa bàn thành phố ngoài các điểm trông giữ xe ô tô như Đông Ba, Nguyễn Hoàng, Thiên Mụ, Đội Cung, Bãi Dâu, Tòa Khâm, Lê Lợi... còn có nhiều điểm trông giữ xe đạp, xe máy. Thành phố thường xuyên chỉ đạo để chấn chỉnh nhưng việc lấn chiếm lòng lề đường để giữ xe vẫn còn xảy ra. Hiện thành phố chưa có quy hoạch các điểm, bãi trông giữ xe, chỉ tăng cường các giải pháp để quản lý trật tự đô thị...”.

Qua tìm hiểu, hầu hết các điểm, bãi trồng giữ xe đạp, xe máy ở các bệnh viện, trường học, chợ trên địa bàn TP. Huế đều thu đội giá so với quyết định của UBND tỉnh về mức thu, quản lý và sử dụng phí trông giữ xe đạp, xe máy. Đó là chưa nói đến việc trông giữ xe quá sơ sài, lỏng lẻo, dẫn đến một số vụ việc kẻ gian lợi dụng để ăn cắp.

“Cần quy định rõ, cụ thể, công khai những điểm cố định trông giữ xe, nhất là trong các dịp lễ, hội gắn với trách nhiệm quản lý của các phường. Điều này không chỉ dễ quản lý, mà còn đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ổn định kinh doanh lâu dài. Từ đó, nếu điểm nào phát sinh gây mất trật tự đô thị thì xử lý dứt điểm. Xã hội hóa các điểm trông giữ xe cũng là vấn đề cần hướng tới. Khi đã có sự cạnh tranh, chắc chắn chất lượng dịch vụ sẽ được nâng lên, mà người được hưởng lợi chính là khách hàng gửi xe”, ông Lê Văn Phiệt, Đội trưởng Đội quản lý đô thị TP. Huế đề xuất.

TP. Huế là trung tâm văn hóa, du lịch, nên cần thiết quy hoạch lại các điểm, bãi giữ xe đạt chuẩn, nhất là cơ sở hạ tầng. Việc ứng dụng hệ thống giữ xe thông minh SDT PARKING (máy giữ xe bằng thẻ từ) cần nghiên cứu ứng dụng. Với thao tác quét thẻ chi mất từ 1-2 giây so với cách ghi vé thông thường hơn 10 giây, sẽ khắc phục được tình trạng ùn tắc. Không gây phiền lòng cho người gửi xe do không dùng phấn ghi lên xe. Vé xe bằng thẻ chíp có tính an toàn cao vì được mã hóa nghiêm ngặt, hạn chế việc mất xe. Tất cả thông tin về xe, loại xe, số xe, ngày giờ gửi xe, giá tiền gửi đều được lưu vào dữ liệu trong máy; đảm bảo tính an toàn cho khách hàng.

Theo Quyết định 04 ngày 28/1/2011 của UBND tỉnh, các điểm, bãi trông giữ xe đạp, xe máy ở các bệnh viện, trường học, chợ là địa điểm loại 1. Các điểm loại 2 là các bãi trông giữ xe đạp, xe máy còn lại (trừ địa điểm loại 3). Địa điểm loại 3: Các bãi, điểm đỗ xe tại các địa điểm danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bãi tắm biển du lịch; các bãi, điểm đỗ xe công cộng tạm thời phục vụ lễ hội… Giá phí đối với xe máy: Địa điểm loại 1: 1 nghìn đồng/lượt (ban ngày), 2 nghìn đồng/lượt (ban đêm), 3 nghìn đồng/lượt (cả ngày và đêm). Địa điểm loại 2: 2 nghìn đồng/lượt (ban ngày), 3 nghìn đồng/lượt (ban đêm), 4 nghìn đồng/lượt (cả ngày và đêm). Địa điểm loại 3: 4 nghìn đồng/lượt (ban ngày), 5 nghìn đồng lượt (ban đêm), 6 nghìn đồng/lượt (cả ngày và đêm)…

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bất cập hạ tầng lưới điện:
Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 3: Hoàn thiện hạ tầng, chuyển “mạng nhện” xuống lòng đất

Xử lý rốt ráo các hành vi làm mất an toàn lưới điện; có cơ chế di dời trụ điện, đường dây điện bất hợp lý ra khỏi khu dân cư… chỉ là những lát cắt nhỏ trong tổng thể giải pháp giải quyết bất cập hạ tầng lưới điện hiện nay. Ngoài việc đầu tư hạ tầng lưới điện, trước thực tế dây điện như mê cung trên không đang tồn tại phổ biến thì các cơ quan chức năng cần có giải pháp dài hơi, đặc biệt trong thời điểm đô thị Huế đang tiến lên Trung ương.

Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 3 Hoàn thiện hạ tầng, chuyển “mạng nhện” xuống lòng đất
BẤT CẬP HẠ TẦNG LƯỚI ĐIỆN:
Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 2: Những nỗ lực để cấp điện an toàn, bền vững

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (TTHPC) đã nỗ lực trong cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện; đồng thời giải quyết những bất cập về hạ tầng lưới điện, hướng tới mục tiêu cấp điện an toàn, bền vững.

Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 2 Những nỗ lực để cấp điện an toàn, bền vững
Bất cập hạ tầng lưới điện:
Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 1: Chưa theo kịp sự phát triển

Hiện nay, cột điện nằm trong khuôn viên nhà dân, đi qua khu dân cư; hệ thống dây điện tựa mạng nhện trên không gian là vấn đề lớn từ đô thị đến nông thôn. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân, thậm chí là mối nguy gây chết người. Giải quyết rốt ráo vấn đề trên, hướng tới cấp điện an toàn, bền vững cần phải có lộ trình cụ thể và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành điện và địa phương, cũng như các hộ dân có liên quan.

Cần có lộ trình để giải quyết dứt điểm - Bài 1 Chưa theo kịp sự phát triển
Cao tốc Cam Lộ- La Sơn: Trình Chính phủ nâng cấp hoàn chỉnh 4 làn xe

Đó là thông tin chúng tôi nhận được từ lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) sau vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày 18/2 vừa qua trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn qua địa bàn huyện Phong Điền (Thừa thiên Huế). Đây cũng là đề xuất của đơn vị trên sau khi đưa vào hoạt động thời gian ngắn, cao tốc này đã bộc lộ nhiều bất cập.

Cao tốc Cam Lộ- La Sơn Trình Chính phủ nâng cấp hoàn chỉnh 4 làn xe

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top