Ông Hoàng Văn Phụng, trú tại thôn Dưỡng Mong cho biết, chợ Dưỡng Mong tồn tại đã khá lâu. Sau này, chợ được UBND xã xây dựng lại, lợp mái và phân lô. Tuy nhiên, UBND xã không đấu giá công khai mà lại giao cho làng quản lý. Theo đó, làng cho bà Thôi trực tiếp thu tiền chợ của chị em tiểu thương hàng ngày. Số tiền thu được, bà Thôi nộp lại cho làng, nhưng thu bao nhiêu, làng không công khai với người dân. Người dân ở đây mong muốn chợ được đưa ra đấu giá công khai để vừa có nguồn thu cho làng, vừa tạo môi trường sạch đẹp.
Cảnh buôn bán tấp nập ở chợ Dưỡng Mong
Theo người dân, việc quản lý ở chợ vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay chợ không có ban quản lý. Việc thu tiền chợ, trông giữ xe, làm vệ sinh sau mỗi buổi chợ…đều do một mình bà Thôi phụ trách. Xe của khách, của người đi chợ dựng tràn lan quanh chợ, chiếm cả lối đi của các hộ phía trong chợ khi ra đường chính. Việc thu gom rác tại chợ không triệt để, gây ô nhiễm trong khi trong khu vực chợ có 14 hộ gia đình đang sinh sống.
Hiện, mỗi hộ buôn bán trong lô chợ đều phải nộp tiền chợ hàng ngày với mức 3 đến 5 ngàn đồng. Có hộ đóng tháng như bà Vân, bà Năm, bà Trà...với mức 300 ngàn/tháng/lô. Những hộ buôn bán ngoài lô đều phải đóng mức phí từ 1 đến 2 ngàn đồng/ngày. Đây là mức phí do làng quy định. Bà Vân, một tiểu thương buôn bán cá ở chợ này cho biết, ngoài nộp phí buôn bán 300 ngàn đồng/tháng/lô, bà còn phải đóng phí vệ sinh môi trường với mức 90 ngàn đồng/tháng. Theo bà Vân, mức phí như thế này là phù hợp, nhưng bà mong muốn việc vệ sinh, trông giữ xe cần được chú trọng hơn, tránh tình trạng lộn xộn, nhếch nhác như hiện nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, chợ Dưỡng Mong tự phát trên đất của đình làng. Quá trình hoạt động, chợ rất nhếch nhác, thấp trũng, lầy lội. Năm 2014, chợ Dưỡng Mong được UBND xã Phú Mỹ cho xây dựng, lợp mái với kinh phí khoảng 300 triệu đồng nhưng chua hoàn thiện. Chợ thấp hơn mặt đường và không có hệ thống thoát nước nên lầy lội, ô nhiễm. Năm 2015, làng Dưỡng Mong xin UBND xã Phú Mỹ cho đầu tư thêm mái, nâng nền và hệ thống thoát nước của chợ và xin được thu tiền (trong vòng 3 năm) để có kinh phí sửa chữa.
Ông Tạ Quang Tùng, Trưởng thôn Dưỡng Mong cho biết, chợ Dưỡng Mong có diện tích khoảng 400m2. Năm 2015, được sự đồng ý của UBND xã Phú Mỹ, làng đã bỏ ra số tiền là 52.700.000 đồng để đầu tư, nâng cấp chợ. Trong đó, 19.700.000 đồng nâng nền, làm ống cống thoát nước qua đường ra sông và 33 triệu đồng (chia làm 2 đợt) lợp mái tôn xung quanh chợ. Sau khi nâng cấp, làng vận động, tìm người quản lý để thu tiền, nhưng không có ai làm. Sau đó, làng giao trách nhiệm này cho bà Hoàng Thị Thôi là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn nhận khoán đảm trách công việc vừa thu phí, trông giữ xe, vệ sinh môi trường.
Bà Hoàng Thị Thôi cho biết, hiện nay chợ có 8 lô chính và 4 lô rau bạ cố định. Ngoài ra, hàng ngày chợ thu hút khoảng từ 20 đến 25 lô bạ khác. Số lượng người bán buôn thay đổi hàng ngày. Bất kể người dân có rau, con gà, con vịt ... đều có thể về đây buôn bán. Những hộ này, bà thu 1.000 đến 2.000 đồng/hộ/ngày. Bình quân mỗi ngày bà thu tiền chợ từ 130.000 đến 150.000 đồng.
Năm 2015, do mới đi vào hoạt động vào thời điểm cuối năm nên bà Thôi chỉ nộp cho làng được 7,4 triệu đồng; năm 2016 và 2017, mỗi năm bà Thôi đóng cho làng 20 triệu đồng/năm theo định khoán. Tất cả các khoản thu, chi đều được làng công khai hàng năm vào dịp cuối năm. Hiện nay, làng đang tiếp tục xin UBND xã Phú Mỹ cho phép tiếp tục thu phí ở chợ để đầu tư nâng cấp cổng chào ở chợ, thành chợ…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Phú, Quyền Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho biết, chợ Dưỡng Mong nhếch nhác do tồn tại các lô bạ, không theo đúng mặt hàng như bà con phản ánh là đúng. Hiện nay, UBND xã đang đấu đất để có nguồn kinh phí nhằm nâng cấp, sửa chữa lại chợ. Hướng tới, sẽ phân lô, quầy hợp lý có mái che theo đúng các mặt hàng và đưa ra đấu giá công khai theo đúng quy trình. Giá thu ở chợ sẽ thấp hơn hoặc bằng với mức giá do UBND tỉnh quy định. Dự kiến sẽ triển khai trong năm 2018 khi có kinh phí và được HĐND xã thông qua vừa tạo bộ mặt khang trang vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bài, ảnh: Hải Huế