Sông An Cựu
Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên tôi bắt gặp cảnh này mà đã là lần của thứ không biết bao nhiêu nữa. Cũng tin chắc, không phải chỉ có mình tôi mà nhiều người khác hẳn cũng đã từng phải mục kích cái cảnh tượng đáng muộn phiền ấy.
Đem chuyện kể với mấy người quen thì anh em đều bảo, đâu chỉ riêng Bến Ngự, mà hầu như chợ nào gần sông thì con sông ấy đều phải hứng chịu “kiếp nạn” như vậy. Mà điều rất khó hiểu là đâu phải chợ không tổ chức thu gom rác. Chợ nào cũng vậy, cứ cuối ngày là có người đi quét dọn, và ở chung quanh chợ ít nhất đều có một vài điểm tập kết rác để đến giờ quy định xe của đơn vị môi trường tới chuyển đi. Như chợ Bến Ngự, cuối ngày có bãi tập kết rác tại đầu cầu, một bãi nữa dạng trung chuyển ở khu vực nhà giữ xe. Chỗ mà người phụ nữ kia hành sự ném rác xuống sông chỉ cách bãi rác đâu chưa được nửa phút đi bộ, vậy mà… Thật không thể hiểu nổi!
Chiếc thuyền và những người công nhân này hàng ngày phải "vật lộn" với rác để cố giữ sạch dòng sông An Cựu
Ai đã từng sống ở Huế lâu năm thì biết, những con sông trên vùng đất Hương Ngự mấy chục năm về trước đều trong xanh và là nguồn nước sinh hoạt chính yếu cho nhiều khu dân cư. Nhà tôi từng ở ngay bờ sông An Cựu. Nước trong veo có khi trông rõ từng đàn cá bơi lội dưới mặt nước. Và cứ chiều chiều, cả xóm lại í ới gọi nhau ra sông bơi, tắm. Các chị, các mẹ thì thường mang áo quần ra các bến sông để giặt; nhiều gia đình ở phía hơi xa con sông một chút thì luôn có cặp thùng và đôi triêng gióng để gánh nước sông về dùng. Nhưng đó là chuyện “đời xưa”, chính sự thiếu ý thức, thiếu tôn trọng của con người nên các dòng nước dần dần bị ô nhiễm, đến mức không ai còn dám dùng cho sinh hoạt. Cảnh bơi, tắm trên dòng An Cựu thì gần như… “tuyệt chủng”. Đó là điều rất đáng buồn!
Thật may mắn, với sự đầu tư xây dựng hệ thống thoát và xử lý nước thải, sự vào cuộc tích cực của chính quyền vận động ý thức bảo vệ môi trường, sự hưởng ứng nhiệt thành của cộng đồng dân cư cũng như sự hoạt động ráo riết của ngành môi trường đô thị, “sức khỏe” của các dòng sông Huế đã dần dần được cải thiện. Các chi lưu thì chưa thể, nhưng trên sông Hương, cảnh bơi tắm đã dần trở lại, và đó là một tín hiệu rất đáng vui mừng, phấn khích về môi trường của Huế. Và với sự tiến triển tích cực như vậy, sự chung tay bảo vệ môi trường của cả tập thể cộng đồng càng cần phải được khích lệ; đồng thời, các hành vi vô ý thức, cố tình xâm hại môi trường, xâm hại lợi ích chung như của người phụ nữ nói trên rất cần phải được lên án và xử lý nghiêm.
Vớt rác để giữ sạch sông Hương
Trước mắt, ban quản lý các chợ cần tích cực quán triệt, tuyên truyền đến bà con tiểu thương. Đặc biệt là thời điểm cuối giờ hàng ngày, cần cắt cử lực lượng để mắt nhắc nhở, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Tình hình nếu cải thiện thì rất quý, bằng không, cần có giải pháp tìm nguồn kinh phí để gắn camera theo dõi. Trường hợp nào vi phạm phải được trích xuất và cảnh cáo, xử phạt ráo riết theo quy định của pháp luật. Nếu tái phạm nhiều lần, với các trường hợp hàng rong thì mời ra khỏi khu vực của chợ/hoặc địa bàn dân phố quản lý; với những trường hợp có thuê lô thì xem xét chấm dứt hợp đồng sớm hoặc không cho gia hạn hợp đồng nữa. Cái này không phải là nghiệt ngã mà là “có qua có lại”. Đã tuyên truyền rồi, vận động rồi mà anh/chị cứ vẫn mũ ni che tai, vẫn cứ “nghiệt ngã” với môi trường, với lợi ích của cộng đồng thì xứng đáng phải được đối xử như vậy. Và chắc hẳn, sẽ không ai phản đối với cái việc rất đáng phải làm này.
Bài, ảnh: Thượng Bích