Cũng đã một thời theo phong tục này nên tôi có thể nhẩm tính được, từ ông bà, tổ tiên đã khuất, rồi thì các quan giữ đất, táo ông táo bà, bà bổn mạng… mỗi vị một bộ quần áo giấy, vị chi bình quân mỗi gia đình phải mua trên dưới chục bộ, kèm theo là giấy tiền, vàng bạc, áo binh…
Được biết, giá mỗi bộ vàng mã như vậy hiện dao động từ 60 đến 100 nghìn đồng; tùy theo chất lượng và số lượng bên trong; như vậy, con số mà các chị nói trên có lẽ vẫn còn khiêm tốn. Song, đó lại là con số không nhỏ với nhiều gia đình.
Nhiều người đốt vàng mã để cầu tài cầu lộc, có lòng với bề trên, người âm… để được phù hộ; cũng có người đốt vàng mã với niềm tin người thân đã khuất của mình ở thế giới bên kia sẽ ấm lòng khi nhận được quà của con cháu...
Xét từ tâm lý của bản thân, khi đốt vàng mã, ngoài những niềm tin mơ hồ, tôi cũng hơi chạnh lòng trước những nhận xét của họ hàng, nhất là những lần đi chạp mộ, hầu hết mọi người sẽ tỏ ra hài lòng khi thấy tôi đốt nhiều đồ giấy...
Một khía cạnh nào đó, tôi cũng cảm thấy được động viên, nhưng khi nhìn những vật dụng để làm việc tôn nghiêm lại được làm một cách cẩu thả về hình thức, chất liệu như giấy, tre thì luôn thuộc loại tệ nhất; rồi thì tro bụi bay tứ tung... khiến tôi suy nghĩ lại.
Cũng may nhiều năm trở lại đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu quan điểm rõ ràng, việc hóa vàng mã trong kinh điển của Đức Phật là một thủ tục mê tín dị đoan không nên làm và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có công văn đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, thế là tôi có thêm động lực để quyết tâm bỏ tục lệ đốt vàng mã.
Xã Phú Diên, huyện Phú Vang là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện việc cấm đốt vàng mã khi đưa tang, sau hơn một năm rưỡi, ông Nguyễn Bá Tán, Bí thư Đảng ủy xã Phú Diên đã vui mừng cho biết: “Công tác vận động không khó như dự định ban đầu, chỉ vài gia đình gương mẫu đi đầu đã giúp người dân yên tâm làm theo và nhận thức được những mặt tích cực để thực hiện một cách tự giác”.
Ông Nguyễn Văn Nghinh, 50 tuổi, ở thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, trải lòng: “Bà con đồng lòng thì không còn ai dao động, không những nhận thức được đốt vàng mã là mê tín dị đoan mà còn thấy việc làm của mình đã góp phần bảo vệ môi trường và chống lãng phí cho gia đình”.
ĐĂNG VIỆT