Đường thôn xã Phú Diên sạch đẹp
“Trước đây, trong quá trình vận động, nhiều bà con vẫn biết làm như vậy là bẩn khu dân cư. Nhưng rải vàng mã là việc diễn ra trên nhiều địa phương, từ đời này qua đời khác, với quan niệm để “lo” cho người thân đã khuất được đầy đủ, nên ai nấy vẫn “nhắm mắt” làm”, ông Hồ Đông, Trưởng thôn, Trưởng ban điều hành thôn Diên Lộc kể.
Không chỉ ông Bình, ông Đông, mà những cán bộ các đoàn thể như ông Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn; bà Nguyễn Thị Hết, Chi hội trưởng phụ nữ thôn… đều rất trăn trở, chưa biết làm cách nào để bà con thông suốt.
Muốn mọi người nghe mình nói, trước tiên mình phải tiên phong gương mẫu, nói được làm được. Ông Bình, ông Hòa, ông Đông và những cán bộ thôn Diên Lộc cùng “gặp” nhau trong suy nghĩ, hành động. Vậy là, vào những dịp rằm, mùng một âm lịch, cúng giỗ, gia đình họ không còn đốt vàng mã. “Chúng tôi vừa làm, vừa tỉ tê vận động bà con. Riết rồi bà con lối xóm cũng dần thay đổi, giảm dần việc đốt vàng mã hoặc sử dụng thùng khi đốt để giữ gìn vệ sinh môi trường”, bà Hết nói.
Năm 2017, cụ M. (thôn Diên Lộc) gần 90 tuổi qua đời. Con cháu cụ có nhiều người định cư, làm ăn ở nước ngoài, ở thành phố Hồ Chí Minh trở về lo hậu sự cho cha. Biết những người con của cụ M. đã tiếp thu nền văn hóa hiện đại, văn minh, dễ dàng tiếp nhận và làm theo cái mới, sự tiến bộ, nên ông Lê Văn Bình cùng Ban điều hành thôn Diên Lộc bàn bạc, nhất định phải vận động gia đình cụ M. không rải vàng mã trên đường tiễn đưa cụ, để làm tấm gương cho bà con trong thôn, trong xã. “Ở quê chúng tôi, khi một người qua đời, gia đình sẽ nhận được sự giúp đỡ rất lớn của bà con lối xóm trong việc lo hậu sự, từ lúc người mất mới nằm xuống cho đến khi mồ yên mả đẹp. Trong đó, vai trò của Ban điều hành thôn rất quan trọng. Lời nói của những người trong Ban điều hành thường có “sức nặng”. Trước ngày đưa tiễn cụ M., lựa lúc đêm vắng, khách viếng đã vãn, chúng tôi cùng quây quần với con cháu cụ bàn bạc mọi chi tiết cho lễ tiễn người quá cố, đồng thời vận động gia chủ không nên rải vàng mã trên đường. Khi thấy những cái gật đầu hưởng ứng của con cháu cụ M., lòng chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, vui mừng”, ông Bình nhớ lại.
Buổi sáng hôm ấy, gia đình, bà con trong thôn kính cẩn đưa cụ M. ra nơi an nghỉ cuối cùng. Khác với “thông lệ” trước đây, đường vẫn tinh tươm sạch sẽ, không có tờ vàng mã nào. Không bỏ lỡ cơ hội, cán bộ xã, thôn tiếp tục “rỉ rả” với bà con về điều mà gia đình cụ M. đã làm, để bà con hiểu hành động đó chính là thể hiện nếp sống văn minh, chung tay xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường sạch đẹp, thể hiện tình yêu của mình đối với quê hương.
Ở thôn Diên Đại, 7 đám tang sau đó, ruột thịt người mất đều noi theo gia đình cụ M. Và cho đến nay, người dân toàn xã Phú Diên hoàn toàn nói không với việc rải vàng mã trên đường khi đưa tiễn người quá cố. Ông Bình chia sẻ, hiện việc đốt vàng mã các dịp rằm, mùng một âm lịch hàng tháng hiện đã giảm. Cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp tại địa phương đang tiếp tục vận động người dân nói không hoàn toàn.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh