ClockThứ Sáu, 05/12/2014 16:06

Thực hiện theo quy định

TTH - Một số người dân quê ở thôn Thanh Dương, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, sống tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thư gửi đến Báo Thừa Thiên Huế phản ánh: UBND xã Phú Diên bán ruộng lấy tiền hưởng thụ là việc làm trái pháp luật…

Phản ánh

Theo nội dung đơn thư, UBND xã Phú Diên đã thu hồi đất ruộng loại tốt nhất (mỗi năm 2 vụ lúa cho năng suất cao) để xây dựng 3 công trình là trạm y tế, trường tiểu học và chợ. Trước đó, người dân tha thiết đề nghị xã nên sử dụng đất phi nông nghiệp xây dựng, còn ruộng để lại cho dân sản xuất, nhưng xã bất chấp ý kiến của dân.

Diện tích đất ruộng trước làng Phú Diên hiện đã chuyển đổi mục đích sử dụng, phân lô, chuẩn bị bán đấu giá.

Điều đáng nói, chợ Phú Diên được xã xây dựng trên thửa ruộng màu mỡ (khoảng 2 mẫu) trước mặt đình làng. Thửa ruộng này thuộc loại “nhất đẳng điền”, là mặt tiền của đình, của làng. Hàng năm, các đời nối tiếp nhau tổ chức lễ cúng từ trong đình đến ngoài ruộng vào dịp lễ Đông chí. Thửa ruộng này không chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp mà còn là một “mắt xích” trong hệ thống liên hoàn thờ cúng tín ngưỡng của dân làng Thanh Dương.

14 năm qua, chợ Phú Diên không có người họp, gây nên sự lãng phí rất lớn. Thất bại trong việc xây dựng chợ, chính quyền địa phương tự cho mình quyền chuyển đổi mục đích sang làm công viên. “Đây là chiêu bài lừa bịp nhân dân để chia lô bán thửa ruộng lấy tiền hưởng thụ”- thư viết.

Cũng theo nội dung thư phản ánh, sau nhiều lần các ông có đơn trình bày, cuối năm 2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Vang đã cử đoàn cán bộ do ông Lê Văn Vũ, Trưởng Công an huyện làm trưởng đoàn, tiếp xúc và nghe ý kiến của nhân dân. Cuộc họp này Bí thư Đảng ủy xã Phú Diên cũng tham dự. “Sau khi nghe nguyện vọng của dân làng, ông Vũ thay mặt Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Vang quyết định để thửa ruộng 2 mẫu trước đình và trước làng Thanh Dương cho người dân tiếp tục sử dụng sản xuất nông nghiệp, phục hồi lại việc thờ cúng theo phong tục địa phương. Đảng ủy và UBND xã Phú Diên không thực hiện quyết định đó mà tiến hành đổ đất làm đường qua thửa ruộng này, phân lô bán. Như vậy, không những không chấp hành quyết định của cấp trên mà còn vi phạm những quy định về đất đai của hiến pháp, pháp luật”.

“Xã không bán ruộng trái pháp luật”

Theo ông Phạm Tăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên, chợ Phú Diên xây dựng xong, 14 năm qua bị bỏ hoang vì người dân không đến họp chợ. Hiện, xã giao chợ cho Ban điều hành thôn Thanh Dương quản lý. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương sẽ sửa sang lại làm công viên, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Quá trình thực hiện bài viết, phóng viên tiếp xúc với ông Diêu, một người nhiều tuổi ở làng Thanh Dương cũng phản ánh như nội dung thư. Ông Diêu cho rằng, biên bản đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán đấu giá của dân là “trá hình”. Có người đồng ý do bị “đe dọa”, có người do “thông đồng” với xã vì có chung quyền lợi. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu thì ông Diêu không đưa ra được chứng cứ để chứng minh điều đó. Ông Hoàng Trọng Thiện (nguyên là trưởng thôn, trưởng ban điều hành thôn Thanh Dương) cho biết, tại nhiều cuộc họp dân và cuộc họp ngày 12-12-2012, hầu hết người dân đều thống nhất chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán đấu giá đối với thửa đất nói trên.

Riêng khu đất 2 ha (không nằm trước đình làng, nối liền với vị trí đất đã sử dụng xây chợ Phú Diên) trước đây là đất sản xuất nông nghiệp 2 vụ (một vụ màu, một vụ lúa, nguồn gốc đất do xã quản lý) người dân thống nhất đề nghị quy hoạch để cấp đất làm nhà ở theo chủ trương của Nhà nước. UBND xã có văn bản, kèm theo đề nghị của dân và Ban điều hành thôn Thanh Dương, đề nghị huyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô cấp cho dân làm nhà ở. Tuy nhiên, chủ trương Nhà nước là chỉ cho đấu giá. Đối tượng gia đình chính sách và tái định cư do sạt lở mới được cấp đất. Huyện đã thống nhất quy hoạch, cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất màu sang đất ở, phân lô bán đấu giá. Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng xong, đã phân lô, dự kiến đầu năm 2015 sẽ tiến hành đấu giá.

“Riêng việc ông Lê Văn Vũ thay mặt Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Vang có kết luận như phản ánh, là không đúng. Ông Vũ chỉ về tiếp dân, nghe tâm tư nguyện vọng của dân ”- ông Phạm Tăng Đoàn khẳng định. Ông Huỳnh Cư, Bí thư Huyện ủy Phú Vang cho biết, ông Lê Văn Vũ, thực hiện theo quy định của ngành công an, tiếp xúc lắng nghe ý kiến người dân chứ không phải thay mặt Huyện ủy. Đồng thời ông Vũ cung cấp văn bản số 13 ngày 4-12-2013 của Công an huyện Phú Vang về việc “phản ánh qua công tác tiếp dân” gửi Bí thư Đảng ủy xã Phú Diên, Chủ tịch UBND xã Phú Diên trong đó có nội dung “Công an huyện Phú Vang đề nghị đồng chí Bí thư Đảng ủy, đồng chí Chủ tịch UBND xã Phú Diên quan tâm chỉ đạo, đối với vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất màu sang đất ở và quy hoạch bán đấu giá quyền sử dụng khu đất trước đình làng thôn Thanh Dương-Phú Diên (khoảng 2 mẫu): trước mắt giữ nguyên hiện trạng, chờ chỉ đạo của cơ quan chức năng cấp trên”.

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, ông Phạm Tăng Đoàn cung cấp những văn bản của UBND huyện Phú Vang như Quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất, Quyết định phê duyệt phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về tài sản…, Quyết định phê duyệt phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất… Chứng tỏ, quá trình quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, phân lô bán đấu giá đối với thửa đất nêu trên là đúng thẩm quyền, theo quy định, chứ không phải xã bán ruộng trái pháp luật. Song, việc xây dựng chợ Phú Diên rồi bỏ hoang 14 năm qua thực sự gây lãng phí tiền của Nhà nước, lãng phí đất ruộng là đúng như phản ánh.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiếm dụng đất công nhiều năm vẫn chưa bị cưỡng chế

Dù đã nhận tiền đền bù, bố trí lô đất tái định cư, nhưng ông, bà Nguyễn Thế Cường và Trần Thị Thu Hương vẫn không chịu bàn giao mặt bằng cho Nhà nước và chiếm dụng đất công trong nhiều năm tại số 24 An Dương Vương (phường An Cựu, TP. Huế).

Chiếm dụng đất công nhiều năm vẫn chưa bị cưỡng chế
Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trùng với đợt cao điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nên lực lượng chức năng huyện Quảng Điền phải cắt cử lực lượng tăng cường thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng; phơi lúa trên các tuyến đường giao thông gây ảnh hưởng đến môi trường và gây mất an toàn giao thông.

Tăng cường các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ và phơi lúa trên đường
Quảng bá hình ảnh ẩm thực Huế phải tinh tế hơn

Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 được khai mạc tối 27/4 và kéo dài đến 1/5 tại công viên Thương Bạc, TP. Huế. Hoạt động này nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực Huế, do UBND TP. Huế phối hợp Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam và các đơn vị khác tổ chức.

Quảng bá hình ảnh ẩm thực Huế phải tinh tế hơn
Cửa Thượng Tứ hay cầu Thượng Tứ

Về nguyên tắc, biển tên công trình nào thì phải đặt ngay công trình đó. Không thể lắp đặt biển tên ở một công trình đứng trước để chỉ tên một công trình đứng sau. Logic thông thường một cách trực quan, người đọc sẽ hiểu biển tên đó dành cho công trình phía trước, chứ ai hiểu là dành cho công trình phía sau.

Cửa Thượng Tứ hay cầu Thượng Tứ
Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Return to top