|
Số điện thoại đường dây nóng của Giám đốc Công an tỉnh |
Khoảng 22 giờ ngày 4/4, ông Tùng gọi điện thoại đến đường dây nóng của Công an tỉnh trình báo về việc nhà ông bị nhỏ keo, dán sắt vào ổ khóa cổng. Tuy nhiên, khi các lực lượng chức năng đến làm việc thì mẹ ông Tùng cho biết không hề có sự việc bị nhỏ keo, dán sắt vào khóa cổng, không ai gây rối mất an ninh trật tự. Mẹ ông Tùng cho biết thêm trước đó, ông Tùng đã sử dụng bia rượu và hiện đã đi ngủ. Sau đó, tại buổi làm việc với công an, ông Tùng thừa nhận trình báo thông tin không đúng sự thật.
Số điện thoại 091.969.75.75 của Giám đốc Công an tỉnh được thành lập và công khai vào đầu năm 2024 nhằm trực tiếp chỉ đạo đến các đơn vị liên quan xử lý một cách nhanh chóng nhất khi tiếp nhận thông tin của người dân với phương châm "về với dân, gần dân, trọng dân để phục vụ Nhân dân nhiều hơn".
Tại buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 vào đầu năm, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn cho hay ông luôn mang theo bên mình máy điện thoại của đường dây nóng 091.969.75.75. Ngoài ra, số điện thoại này còn được kết nối với một lãnh đạo Phòng Tham mưu Công an tỉnh, kết nối với 3 nền tảng mạng xã hội là Zalo, Viber, WhatsApp trên cả điện thoại di động để đảm bảo khi nào cũng tiếp nhận được thông tin từ người dân, sau đó chuyển đến đại tá Nguyễn Thanh Tuấn để chỉ đạo, xử lý.
Như vậy cho thấy số điện thoại đường dây nóng của Giám đốc Công an tỉnh luôn “nóng”; nỗ lực phục vụ Nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội mọi lúc, mọi nơi. Nhiều sự việc, sự vụ người dân trình báo đã được công an xử lý nhanh chóng, hiệu quả trong thời gian qua.
Không riêng gì ngành công an, nhiều ngành khác như du lịch, y tế… từ cấp bộ đến địa phương đều công khai số điện thoại đường dây nóng, túc trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý nhanh chóng các thông tin mà người dân trình báo. Ngay cả lãnh đạo của một số địa phương dù bận “trăm công ngàn việc” nhưng không ngại công bố số điện thoại nóng của mình để người dân điện tới.
Đối với ngành công an, đường dây nóng hết sức “nóng” bởi lực lượng này luôn tiếp nhận các thông tin liên quan đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Có thể một cuộc gọi đến hết sức cấp thiết, nếu chậm trễ, nếu gọi mà đường dây nóng luôn bận thì có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, tính mạng của một người nào đó, của xã hội.
Vì vậy, chỉ vì đùa giỡn, thách đố, sự thiếu hiểu biết, không làm chủ được bản thân vì say xỉn mà gọi điện đến đường dây nóng trình báo một sự việc không có thật thì hậu quả khó lường. Điều này sẽ gây ra rất nhiều tác hại, không chỉ làm mất thời gian, công sức của cơ quan chức năng mà còn tạo ra hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
Câu chuyện “Cậu bé chăn cừu” mà chúng ta được học, được nghe kể từ nhỏ muốn nhắc nhở mọi người phải biết vui đùa đúng lúc, hiểu được hậu quả của việc nói dối là như thế nào. Vậy nên, những câu chuyện gọi điện đến đường dây nóng để đùa giỡn, báo tin giả là hành vi đáng chê trách, càng phải lên án hơn khi họ là người lớn, có đầy đủ nhận thức.
|
Khoản 3, điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình từ 2- 3 triệu đồng đối với các hành vi sau: Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm.
|