|
Lương Hoàng Nhật Nam bị bắt vì hoạt động cho vay lãi nặng |
Dù cơ quan chức năng liên tục truy quét, đấu tranh bắt giữ và đưa ra xét xử nghiêm minh, nhưng hành vi cho vay tiền qua mạng vẫn có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” vừa được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm cuối tháng 8/2024 là một ví dụ điển hình.
4 bị cáo gồm: Lương Hoàng Nhật Nam (SN 1996), Trần Thị Thảo Ly (SN 1996, vợ Nam), Huỳnh Văn Trường Phát (SN 1996), Lê Quang Hạo (SN 1993, cùng trú tại các phường thuộc TP. Huế).
Từ năm 2022 - 3/2023, Lương Hoàng Nhật Nam và các đồng phạm dù không có giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực cho vay, cấp tín dụng nhưng các bị cáo đã cho 940 người vay với 963 lượt, hình thức vay trả góp, trả lãi theo ngày. Tổng số tiền mà các bị cáo đã cho vay hơn 19 tỷ đồng với lãi suất từ 109,5% trở lên, cao gấp 5,47 lần so với mức lãi suất cao nhất quy định của Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính với số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử làm rõ, trong vụ án này, Lương Hoàng Nhật Nam đóng vai trò chính, các bị cáo Trần Thị Thảo Ly, Huỳnh Văn Trường Phát và Lê Quang Hạo là những người đóng vai trò giúp sức trong hoạt động cho vay.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi của mình. Tòa tuyên phạt Huỳnh Văn Trường Phát 9 tháng tù cộng với 40 triệu đồng tiền phạt; các bị cáo Trần Thị Thảo Ly, Lê Quang Hạo phải nộp phạt tổng cộng 180 triệu đồng. Tất cả các bị cáo bị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Riêng Lương Hoàng Nhật Nam ngoài mức án 1 năm 3 tháng tù, còn buộc phải nộp lại số tiền sử dụng cho hành vi phạm tội và số tiền thu lợi bất chính hơn 25 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Trước đó, TAND tỉnh đưa ra xét xử sở thẩm vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đối với 2 vợ chồng Lê Văn Cầm và Nguyễn Thị Diệu Hiền (cùng SN 1987, cùng trú đường Đào Duy Anh, phường Thuận Lộc, TP. Huế).
Nắm bắt nhu cầu cần vay tiền nhanh để làm vốn kinh doanh hoặc mua sắm, tiêu dùng nhưng không muốn làm hồ sơ, thủ tục thế chấp tại ngân hàng của người dân trên địa bàn TP. Huế, Lê Văn Cầm bàn với vợ tổ chức cho người dân vay tiền thu lãi suất cao nhưng thủ tục đơn giản, không cần thế chấp và được Hiền đồng ý.
Khi người dân có nhu cầu vay tiền sẽ liên hệ với Cầm và Hiền qua điện thoại hoặc đến trực tiếp nhà để giao dịch. Nhận được đề nghị vay tiền của người có nhu cầu, Cầm trực tiếp gặp họ để thỏa thuận số tiền vay, thời hạn vay, phí cho vay, hình thức trả nợ tiền gốc và tiền lãi với người vay. Sau khi thỏa thuận được mức tiền vay và hình thức trả nợ, trả lãi, Cầm yêu cầu người vay viết giấy mượn tiền.
Trong khoảng hơn một năm, Lê Văn Cầm và Nguyễn Thị Diệu Hiền đã cho 13 người vay tiền với 98 lượt vay; tổng số tiền 1,085 tỷ đồng với mức lãi suất 121% - 182% năm (cao hơn 6 - 9 lần so với quy định), thu lợi bất chính hơn 216 triệu đồng.
Cả hai bị cáo đều có nhân thân xấu, đã nhiều lần bị TAND hai cấp của tỉnh áp dụng hình phạt tù. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội nên cần phải xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lê Văn Cầm 18 tháng tù, Nguyễn Thị Diệu Hiền 9 tháng tù về tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Ngoài ra, các bị cáo phải chịu thêm hình phạt tiền bổ sung 70 triệu đồng; nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền mà các bị cáo dùng để cho vay và cả số tiền thu lợi bất chính từ việc cho vay.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp triệt phát các vụ án liên quan đến hoạt động cho vay với lãi suất cao; TAND 2 cấp đã đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng. Với chiêu thức cho vay không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, đơn giản, chỉ cần giấy phép lái xe hoặc căn cước công dân đã làm cho nhiều người dân rơi vào bẫy “tín dụng đen” với mức lãi suất cao, cùng nhiều ràng buộc bất lợi, các khoản phạt cao khi nộp lãi chậm làm nhiều người dân lâm vào cảnh tan gia, bại sản.
Cơ quan chức năng khuyến cáo: Mọi người dân hết sức cẩn trọng việc vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền, công ty tài chính núp bóng hoạt động “tín dụng đen”... nhằm tránh trường hợp vay dễ, trả khó, nợ chồng nợ và bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, khủng bố về tinh thần. Vì tâm lý sợ bêu rếu xấu hổ, bị khủng bố tinh thần nên người vay phải chuyển trả tiền nợ cho chúng. Mọi người không tải các ứng dụng giới thiệu vay tiền về điện thoại, cũng như không tham gia vay tiền của đối tượng hoạt động vi phạm pháp luật của các ứng dụng không được pháp luật cho phép.