Một số tin rao tìm “chân hụi” trên Facebook (ảnh minh họa)
Nhận được tin nhắn giục chuyển tiền từ chủ hụi - đồng thời là một người bạn trên mạng, chị H. (nhân viên của một công ty tại Huế) nhanh chóng mở tài khoản Internet Banking rồi chuyển 1 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền đóng từ chị H, chủ hụi nhắn tin thông báo cho cả nhóm về việc đã chuyển trả hụi cho một thành viên khác đến lượt nhận tháng này...
“Đây là hình thức chơi hụi trên mạng. Nhóm hụi chị đăng ký gồm 10 người, đều là những người quen biết nhau qua mạng xã hội Facebook. Mỗi tháng, người chơi đóng 1 triệu đồng. Ai đăng ký nhận trước thì đóng thêm chút tiền lãi để trả cho những người sau. Mọi giao dịch đều được thực hiện qua tài khoản ngân hàng nên rất nhanh và thuận tiện”, chị H. lý giải.
“Do nhu cầu tiết kiệm, nên mình đăng ký nhận sau cùng. Lãi cao hơn so với ngân hàng”- chị H. cho biết thêm.
Chơi hụi trên mạng, mức lãi suất thường do chủ nhóm đặt ra, hoặc các thành viên tự thỏa thuận. Phổ biến nhất là gấp đôi hoặc gấp ba so với lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng hiện nay, tức là từ 10 đến 12% mỗi năm.
Lý giải tại sao chọn hình thức góp hụi trên mạng, chị Thanh (một người chơi hụi trên mạng) chia sẻ: Mình làm ở cơ quan Nhà nước, rủ đồng nghiệp lập nhóm hụi cũng không dễ vì không phải ai cũng có nhu cầu, với lại chơi với đồng nghiệp thì không có lãi. Trong khi đó, lập nhóm hụi trên mạng rất dễ, lãi cao. Chỉ cần có người đứng ra lập nhóm thì sẽ có nhiều người tham gia.
Dễ chơi, dễ kiếm tiền nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bị lừa đảo, mất trắng tiền là thực trạng của chơi hụi “online”, và trên thực tế, đã có rất nhiều người phải “ngậm” quả đắng từ hình thức “kinh doanh” này.
Giữa tháng 5/2019, Công an TP. Huế liên tục nhận đơn tố giác của người dân phản ánh về việc bị người phụ nữ tên Nhung (SN 1991, trú tại TP.Huế) “giật” hụi với số tiền gần 3 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Qua công tác điều tra, được biết đường dây hụi này hoạt động hơn một năm, các con hụi là người quen, bạn làm ăn của đối tượng Nhung, tuy nhiên, cũng rất nhiều trường hợp không hề biết chủ hụi là ai, do thấy Nhung đăng tin cần thêm người góp chân hụi trên mạng Facebook, có nhiều người bình luận nên đã vội tin tưởng “trút” tiền vào dây hụi này để rồi mất trắng.
Chị A, một nạn nhân chia sẻ: Tôi với Nhung không quen biết, do cũng có mấy người quen trên Facebook góp hụi cho Nhung, lãi cao mà rút hụi nhanh, từ 3 đến 15 ngày đã được rút hụi, tiền hụi được chuyển khoản qua tài khoản. Thấy tiện lợi, lãi suất cao nên tôi góp thử, lần đầu thì tôi góp mỗi ngày 100 ngàn, sau khi rút được vài lần thấy cũng đúng hẹn, uy tín nên tôi góp hụi nhiều hơn, không ngờ lãi chưa thấy mà mất gần 100 triệu đồng.
Cũng như chị A, chị Kim D. cũng “khóc ròng” khi tham gia vào các dây hụi online của chủ hụi Trâm Anh. “Thấy Trâm Anh khá nổi trên mạng, có nhiều người theo dõi rồi đăng ký làm chân hụi nên tôi tin tưởng, rủ thêm em chồng tham gia. Thấy để lãi suất cao, đến 8% nên chúng tôi đăng ký hụi 1 triệu/ngày, 30 ngày rút hụi sẽ có tiền lãi 6 triệu đồng. Tiền đâu chưa thấy mà giờ nó ôm tiền trốn rồi”.
Thượng tá Phan Thế Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Chơi hụi là hình thức góp vốn chủ yếu được giới tiểu thương, những người buôn bán nhỏ ưa chuộng. Tuy nhiên, từ trước đến nay đã có nhiều vụ kiện cáo, tố cáo cũng bắt nguồn từ hình thức này. Thực tế cho thấy, không ít vụ lừa đảo, người thực, tiền thực, thậm chí kẻ lừa đảo còn “bán đứng” cả người thân, bạn bè rồi ôm tiền bỏ trốn nói gì đến việc chơi hụi qua mạng. Trước khi người dân quyết định “thả” tiền vào bất kỳ hình thức kinh doanh, hùn vốn làm ăn nào thì cần hết sức thận trọng, điều tra kỹ lưỡng, không nên vì ham lãi cao để rồi “tiền mất tật mang”.
Bài, ảnh: Hồng Nhung