Khách nước ngoài trên đường Võ Thị Sáu
Đó là phản ánh của người dân và du khách khi tham quan, ăn uống, nghỉ dưỡng tại phố đi bộ- một địa chỉ du lịch thu hút sau gần 9 tháng đi vào hoạt động.
Khổ vì… nhạc
Từ khi phố Tây được quy hoạch thành phố đi bộ, các hộ dân sống quanh khu vực này kêu trời vì tiếng nhạc ồn xuyên đêm từ các hàng quán. Theo phản ánh của nhiều người, tình trạng một số quán trên phố mở nhạc quá to làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh của họ.
Ông Q., chủ một nhà hàng trên đường Võ Thị Sáu trưng cho phóng viên xem các clip được ông quay lại lúc sau 22h đêm của một quán bên cạnh mở nhạc. Tiếng nhạc với công suất lớn phát ra làm thực khách đang dùng bữa ở quán ông rất khó chịu và phàn nàn. Ông Q. cho biết, sau mỗi lần phàn nàn của khách, nhân viên của ông phải đi đến từng bàn xin lỗi và mong muốn khách bỏ qua vì lý do khách quan. Tuy nhiên, không phải ai cũng thông cảm và có những đoàn họ nói sẽ không quay lại vì bị làm phiền bởi tiếng ồn.
Anh Wanlop Sutewer, hướng dẫn viên quốc tế người Thái Lan- chuyên dẫn khách đi các nước Đông Nam Á buồn bã nói, tôi và đoàn khách của mình đến Huế với mong muốn tìm một không gian yên tĩnh để dùng bữa tối sau một ngày tham quan di tích Huế. Mặc dù chọn được một quán tại phố đi bộ rất thuận tiện nhưng vẫn bị làm phiền bởi những âm thanh khó chịu vọng vào của quán cạnh bên. “Thật sự tôi và các du khách thấy rất ồn và không thể tận hưởng không khí yên bình của buổi tối chút nào. Nếu họ điều chỉnh âm thanh lại vừa đủ thì có lẽ không đến nỗi nào nhưng thực sự là rất ồn. Dù chúng ta ngồi gần nhau nhưng chúng ta không thể nghe được chúng ta đang nói gì”- anh Wanlop Sutewer nói.
Khu phố đi bộ thu hút khách hàng đêm
Một giám đốc khách sạn trên phố đi bộ cho biết: “Khách đến nghỉ dưỡng tại khách sạn chúng tôi cũng hay phàn nàn về tiếng ồn phát ra từ các nhà hàng, quầy bar trên phố đi bộ. Họ cho rằng tại sao quản lý khách sạn không thể dàn xếp với những người quản lý ở đó. Tôi phải giải thích cho khách hàng hiểu, mong họ thông cảm và sẽ báo với cơ quan chức năng xử lý”.
Sẽ kiểm tra, chấn chỉnh
Mức phạt từ 1-160 triệu đồng
Đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn, điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định như sau: Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA; phạt tiền từ 1- 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2-40 dBA. Bên cạnh đó còn có các hình thức phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
|
Được biết, cuối tháng 2/2018, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh hoạt động kinh doanh tại phố đi bộ, trong đó có việc không để tồn tại các cơ sở kinh doanh mở nhạc quá to. Theo đó, chỉ đạo ban quản lý phố đi bộ tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, giám sát, phối hợp giữa các lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Tuy nhiên, vấn đề trên vẫn chưa được chấn chỉnh rốt ráo.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao cho rằng, để có thể xử lý ô nhiễm tiếng ồn cần có sự phối hợp kiểm tra liên ngành và các thiết bị chuyên dụng để xác định vi phạm. Cái khó là khi ngành chức năng tổ chức kiểm tra, xử phạt thì không phải lúc nào cũng ngay thời điểm vi phạm. Vì vậy, nếu có phản ánh của người dân về tiếng ồn thì các cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở là chính.
Theo ông Phan Văn Đáng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, việc ô nhiễm tiếng ồn rất dễ nhận thấy nhưng để xử lý, xử phạt lại rất khó. Từ trước đến nay, các trường hợp ô nhiễm về tiếng ồn chủ yếu chỉ nhắc nhở và hiện cũng đang thiếu các thiết bị chuyên dụng để xác định được mức độ vi phạm, dẫn đến việc rất khó cho cơ quan chức năng có thể xử lý vi phạm.
Ông Hồ Trọng Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hội, Phó trưởng Ban Quản lý phố đi bộ khẳng định, sau 9 tháng đưa vào hoạt động với vai trò là trung tâm giải trí về đêm của Cố đô Huế, khu vực phố đi bộ là điểm đến của nhiều người dân cũng như du khách. Việc mở tuyến phố đi bộ những ngày cuối tuần cùng với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thương mại hấp dẫn khiến khu vực này lại càng tấp nập, sôi động hơn. Tuy nhiên, còn một số tồn tại cần được tháo gỡ. Một số vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn như phản ánh sẽ được kiểm tra.
Cũng theo ông Hưng, đối với những nhóm nhạc được mời về biểu diễn có thể khống chế được âm thanh. Tuy nhiên, tại các hàng quán rất khó quản lý nên lâu nay trên các tuyến phố đi bộ có một số cơ sở kinh doanh mở nhạc to ảnh hưởng đến xung quanh. Chính quyền địa phương đã nhiều lần xuống làm việc cùng người dân và đại diện các cơ sở kinh doanh gây tiếng ồn nhưng tình hình chưa được cải thiện do việc xác định tiếng ồn cần nhiều ngành liên quan. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát nhằm chấn chỉnh các cơ sở vi phạm. “Vấn đề là người dân cần thay đổi nhận thức và có hành vi tích cực trong văn hóa ứng xử cộng đồng, tôn trọng người khác và kiểm soát ô nhiễm âm thanh do mình gây ra”- ông Hưng cho biết.
Bà Lauren jay - perth (đến từ Úc):
Cần có quy định chặt chẽ về cường độ âm thanh
Chính quyền cần phải kiểm soát âm lượng của âm thanh và chất lượng của âm thanh thật tốt. Tôi thấy ở đây ngoài những nhóm nhạc đường phố ra có nhiều nhà hàng, pub mở âm thanh quá lớn tranh chấp nhau và thiếu phương pháp che chắn làm người khác bị căng thẳng bởi có quá nhiều tạp âm.
Thử hình dung bạn đang dùng buổi tối và nói chuyện với bạn bè bên cạnh đống âm thanh lổn nhổn đó thì thật là tệ. Và bạn cũng không thể phản ánh với chủ quán vì điều đó vượt ra khỏi phạm vi xử lý của anh ta!
Tôi đã đi nhiều nơi và người ta đã kiểm soát tốt việc này bằng cách qui hoạch riêng bar, pub và nhà hàng vào những trục đường khác nhau. Người ta có những qui định chặt chẽ về cường độ âm thanh và điều kiện để mở, trình diễn, sử dụng âm thanh.
Thái Sơn (ghi)
|
Bài, ảnh: Thái Bình