Hiện trạng nạo vét cát khơi thông dòng chảy ở Vinh Mỹ để lại các hố sâu khiến người dân lo ngại gây sạt lở về lâu dài
Để khơi thông dòng chảy, tránh nước tràn về gây ngập úng trong mùa mưa bão, trên cơ sở đề xuất của các thôn, UBND xã Vinh Mỹ thỏa thuận với chủ phương tiện xe múc, xe tải tiến hành múc cát ven Tỉnh lộ 21 đi qua địa bàn. Đây là cát mịn bồi lấp qua các mùa lũ hàng năm.
Quá trình khơi thông, nhiều hộ dân cho rằng, việc múc cát khá sâu sẽ gây tình trạng sạt lở tuyến tỉnh lộ vào mùa mưa lũ và lo ngại tình trạng đơn vị được giao nhiệm vụ khơi thông dòng chảy lợi dụng việc múc cát để tuồn ra ngoài, bán nhằm thu lợi.
Có mặt tại tuyến Tỉnh lộ 21, theo ghi nhận của PV, có 3 điểm khơi thông được các xe múc, xe tải múc cát lên bờ tập kết rồi vận chuyển cát đi. Cụ thể, tại thôn 2 khu vực cầu Mệ Hẻm và đoạn đường rẽ vào xóm Mỹ Hiệp từ gần 1 tuần nay, các phương tiện xe múc đã múc cát, nạo vào khu vực sát chân cầu, với độ sâu bằng độ sâu của lòng khe cũ. Vị trí nạo vét còn một số lượng cát dôi dư được tấp vào hai bên lề lươn. Dọc tuyến Tỉnh lộ 21, có nhiều độn cát trắng được tập kết cho thấy khối lượng cát được nạo vét khá lớn và diễn ra trong thời gian dài.
Anh L.C.C, một hộ dân ở ven Tỉnh lộ 21 lo lắng: “Nhiều ngày qua, thấy xe nạo vét cát liên tục rồi chở đi nhưng không rõ đi bán ở đâu. Nhiều chỗ xe múc rất sâu. Tỉnh lộ 21 nối Vinh Hưng về Vinh Hiền là tuyến đường bê tông, huyết mạch lưu thông các xã ven biển. Nếu nạo vét khối lượng lớn như hiện nay, sẽ gây nguy cơ “hỏng chân” nhiều đoạn đường và các mố cầu. Chỉ cần mưa lũ một trận thì rất nguy hiểm”.
Theo nhiều hộ dân, quá trình nạo vét cát ở Tỉnh lộ 21 không thấy cán bộ giám sát hoạt động của các xe múc và xác định vị trí khơi thông ở khu vực này. Người dân cho rằng, đơn vị nạo vét chỉ “chăm chăm” lấy cát bán còn hiệu quả nạo vét khơi thông dòng chảy thì chưa quan tâm. Đơn vị múc cát chỉ lấy cát, còn cỏ rác và đất thì bị tấp lên hai bên bờ kênh dọc tuyến đường làm cho việc khơi thông không hiệu quả. Theo tìm hiểu, mỗi xe cát (khoảng 6m3), đơn vị nạo vét ở đây bán với giá 400 nghìn đồng cho các hộ dân có nhu cầu san lấp trên địa bàn.
Ông Phan Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ thông tin, từ trận lũ lớn cuối năm 2017, nhiều điểm đường và cầu dọc Tỉnh lộ 21 bị bồi lấp dẫn đến tuyến kênh mương ứ nước, gây ngập úng trong khu dân cư. Sau khi các thôn xóm họp, khảo sát các vị trí bồi lấp, sạt lở trên địa bàn và đi đến thống nhất chọn vị trí để khơi thông dòng chảy, UBND xã đã thuê một đơn vị cá thể trên địa bàn để nạo vét diện tích cát bồi lấp. Đây là cát mịn trộn lẫn đất, cỏ nên chỉ có giá trị san lấp nền, lấp ao, vườn tược chứ không có giá trị làm vật liệu xây dựng nên giá thấp.
Ông Nam cho rằng, trong quá trình triển khai, phía xã luôn cử cán bộ trực và giám sát việc nạo vét đảm bảo đúng vị trí, hiệu quả và diện tích cát được lấy lên tập kết, không được chở ra khỏi địa bàn. Xã thỏa thuận cho đơn vị khơi thông bán cát cho các hộ dân trên địa bàn có nhu cầu san lấp để đơn vị này bù lại chi phí xăng dầu, vận chuyển nên thông tin người dân phản ánh bán cát ra khỏi địa bàn là không đúng.
Cũng theo ông Nam, việc nạo vét nhằm mục đích khơi thông dòng chảy, phục vụ công tác phòng chống lụt bão sắp đến. Cốt nền bằng lòng khe suối cũ và tại các mống cầu hiện nay rất sâu, bị bồi lấp một lượng cát lớn nên khi nạo vét sẽ không ảnh hưởng đến các mống cầu cũng như gây sạt lở ven tỉnh lộ. Xã triển khai trên cơ sở đề xuất của các thôn trên địa bàn và không làm tờ trình, phương án nạo vét cụ thể để xin ý kiến phê duyệt từ UBND huyện Phú Lộc.
Ông Phan Văn Trọng, Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Lộc cho biết, việc nạo vét khơi thông dòng chảy tránh ngập úng trong mùa mưa lũ tại các tuyến kênh mương do địa phương quản lý về quy trình xã Vinh Mỹ làm như thế là đảm bảo. Còn việc khơi thông có ảnh hưởng đến tuyến tỉnh lộ, cầu cống hay không thì chưa xác định được bởi trong quá trình triển khai, trên cơ sở đề xuất của các thôn, địa phương sẽ thực hiện công tác quản lý, giám sát.
Bài, ảnh: Hà Nguyên