Gần cuối năm 2019, người nhà tôi làm hồ sơ thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là sổ đỏ) cho thửa đất đang ở. Mọi giấy tờ thủ tục xong xuôi, đã có thông báo thuế. Chỉ cần nộp đủ thuế là sẽ đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ.
Ấy thế mà do số tiền thuế lúc đó được thông báo là 65 triệu đồng nó quá lớn với dì tôi, nên cứ lần lữa mãi cho đến khi vợ chồng dì quyết định bán nhà để đi nơi khác, vì chỗ ở hiện tại chật hẹp, hễ mưa là ngập úng. Không biết môi giới trao đổi thế nào lại đồng ý với người mua là bán ngang công chứng nhưng chịu trách nhiệm làm sổ đỏ.
Thời hạn ra công chứng cận kề, dì gọi điện cho người môi giới (người này giới thiệu cho dì người làm dịch vụ lo thủ tục giấy tờ để cấp sổ đỏ) để hỏi thăm sổ đỏ làm đến đâu, thì nhận được thông báo là người làm dịch vụ kia bị dính F phải đi cách ly y tế, rồi hướng dẫn dì ra "Một cửa thành phố" (Trung tâm Hành chính công TP. Huế) để hỏi các thủ tục giấy tờ liên quan.
Tôi chở người nhà đến gặp nhân viên ở đó thì được hướng dẫn cuối tuần gọi cho cô T. - người phụ trách hồ sơ kèm theo số điện thoại. Bây giờ mới thứ 2 không lý gì phải đợi đến cuối tuần mới gọi điện nên tôi gọi luôn cho cô T. thì được biết đang nhận hồ sơ và sẽ chuyển cho các cơ quan liên quan. Có gì cô ấy sẽ gọi cho chúng tôi để thông báo tình hình giải quyết hồ sơ.
Một tuần, rồi hai tuần, ba tuần trôi qua không nhận được bất kỳ cuộc gọi nào từ cô nhân viên nọ, người nhà tôi lại đến gặp và được thông tin đã chuyển lên lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố, nhưng do lãnh đạo đang cách ly y tế tại nhà nên chưa ai ký. Tôi tiếp tục gọi cho lãnh đạo nọ để xác minh thông tin thì mới hay, dù cách ly y tế ở nhà nhưng vẫn ký công văn ngày hai lần do nhân viên chuyển tới.
Sau khi nhận phản ánh thì nhân viên nọ mới chuyển hồ sơ đến cho lãnh đạo ký để chuyển đến cơ quan thuế. Nhận được hồ sơ, chỉ trong vòng một ngày cơ quan thuế đã hoàn tất các thủ tục để người nhà tôi có thể nộp thuế sớm nhất.
Nộp đủ tiền thuế, dì tôi cầm tờ giấy đã nộp tiền đến ô nhận thủ tục liên quan để nộp theo hướng dẫn. Chờ đợi khá lâu để lấy giấy biên nhận nhưng không có, dì hỏi nhân viên ở đó thì được giải thích không có giấy biên nhận, giấy hẹn nào cả. Năn nỉ một hồi không được, dì nhờ viết cho vài dòng xác nhận đã nhận giấy nộp thuế thì anh nhân viên gắt gỏng rồi quát: Không có giấy tờ gì hết, thích thì nộp mà không thì đi chỗ khác. Lúc này dì chỉ biết ngậm ngùi rời đi.
Những tưởng nộp thuế xong vài ngày là có thể cầm được sổ đỏ. Thế nhưng, điệp khúc "hẹn, đợi" tiếp tục lặp lại gần cả tháng. Người nhà tôi cũng không ít lần phải lui tới "bộ phận một cửa" để hỏi thông tin, bởi quá hạn quá lâu với người mua và họ liên tục réo rắt đòi đền cọc gấp ba.
Lúc đó, tết đã cận kề, chỉ còn ngày làm việc cuối nữa thôi là kết thúc năm cũ, người mua bằng mọi giá muốn công chứng trước tết, tôi đánh liều gọi cho lãnh đạo thành phố. Nhờ sự nhiệt tình của các anh nên trong ngày sổ đỏ đã được ký, chỉ cần đến nhận là xong. Vậy mà người nhà tôi chờ từ đầu buổi chiều đến gần hết giờ làm việc nhân viên ở "một cửa" không cho nhận và hẹn ra năm với lý do cuối năm nhiều việc. Bức xúc, tôi lại gọi cho lãnh đạo thành phố để phản ánh, lúc đó người nhà tôi mới nhận được sổ đỏ.
Cầm cuốn sổ đỏ trên tay dì tôi òa khóc nức nở nơi ghế chờ phía trước. Khóc vì mừng, vì tủi, và vì cả những "đoạn trường" đã trải qua vì cái sổ đỏ này.
Có đi làm thủ tục cấp sổ đỏ mới thấy, nó nhiêu khê chừng nào. Vậy nên, công tác cải cách thủ tục chính cần phải quyết liệt từ lãnh đạo đến nhân viên. Nếu không sẽ khó tránh khỏi trường hợp “trên trải thảm, dưới rải đinh”.
Như trường hợp dì tôi, may mắn là có đầy đủ bằng chứng, phản ánh kịp thời với sự vào cuộc rất sốt sắng của lãnh đạo thành phố, nếu không chưa biết đến bao giờ mới có sổ đỏ.
Song, vấn đề đáng nói ở đây là trong khi lãnh đạo rất sẵn sàng và nhiệt tình giải quyết các vấn đề/sự việc, thì một bộ phận cán bộ cấp dưới, chuyên viên... lại quan liêu, thờ ơ thậm chí là vô cảm trước khó khăn của người dân. Đó là chưa kể, họ có thể chưa làm hết khả năng, trách nhiệm của mình. Tôi cũng nhiều lần tự hỏi, nếu những người dân thường, không có "mối quan hệ" liệu họ có thể tự mình đi làm được sổ đỏ mà không bị "hành" như dì tôi? Và liệu việc đánh giá năng lực, chỉ tiêu thi đua... của những cán bộ, chuyên viên làm việc ở các "bộ phận một cửa" nói chung có dựa trên kết quả/hiệu quả công việc/lượng hồ sơ tồn đọng, kéo dài? Có lẽ đây là vấn đề cần được nhìn nhận và giải quyết một cách thấu đáo.
Hồng Tâm