ClockThứ Tư, 21/06/2017 05:16

Báo Thừa Thiên Huế đến Trường Sa

TTH - Trong chuyến hải trình đến với Trường Sa cách đây 4 năm, hành trang nặng nhất trong ba lô của tôi là một tập ấn phẩm Báo Thừa Thiên Huế. Và kỷ niệm để lại trong tôi nhiều cảm xúc là hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ ở các đảo đã đón nhận các ấn phẩm đó bằng tình cảm đặc biệt, làm cho món quà tinh thần từ đất liền gửi quân, dân trên các đảo càng thêm ý nghĩa.

Là một trong số sĩ quan hiếm hoi quê ở Thừa Thiên Huế công tác tại đảo Trường Sa Đông, Thiếu úy Nguyễn Đức Thắng không nén được xúc động khi đón nhận tờ báo đến từ quê hương mình.

Báo Thừa Thiên Huế đến với cán bộ, chiến sĩ Đảo Trường Sa Đông

Thắng cầm tờ báo đọc từ đầu đến cuối, mục nào cũng đọc. Đọc xong, những tờ báo được anh dán lên tường, ngay góc sinh hoạt của mình. Thắng thật thà chia sẻ: “Đây là hình ảnh của quê hương nên dán lên để thỉnh thoảng đọc lại sẽ cảm nhận hậu phương như thể bên mình”.

Quê ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, sau khi nhập ngũ, Thắng theo học Trường Kỹ thuật quân sự. Năm 2012, Thắng tốt nghiệp và nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn Hải quân 101. Đến tháng 4/2013, anh ra đảo Trường Sa Đông công tác. “Ở nhà em ít khi đọc báo, có chăng thỉnh thoảng mở điện thoại đọc tin vắn trên các báo mạng. Ra công tác ở đảo, đọc sách báo hằng ngày đã trở thành thói quen, không chỉ giúp mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn mà còn giúp vơi đi nỗi nhớ nhà. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên ở đảo em được cầm tờ Báo Thừa Thiên Huế trên tay. Càng đọc càng thấy quê nhà như đang ở trước mắt mình vậy…” - Thắng tâm sự.

Tiếng kẻng báo hiệu giải lao sau giờ huấn luyện vang lên, dưới tán cây bàng vuông, cây phong ba, từng nhóm cán bộ, chiến sĩ chuyền tay nhau món quà đặc biệt từ đất liền, chồng Báo Thừa Thiên Huế được chuyền tay nhau để đọc.

Thượng úy Ngô Công Tuấn ở đảo Trường Sa Đông bộc bạch: “Xa nhà, xa gia đình, phương tiện liên lạc cũng hạn chế nên nhớ nhà, nhớ người thân lắm. Xung quanh chỉ toàn là sóng nước nên lúc nào buồn thì lại ra ngồi ngắm biển cho đỡ buồn. Những lúc như vậy, báo chí, sách, truyện thành những người bạn tri kỷ. Cũng may bây giờ chúng tôi thỉnh thoảng vẫn được gọi điện thoại về nhà nên đỡ phải viết thư từ. Có các đoàn ra thăm mới được tặng sách, báo. Mặc dù thông tin không còn mang tính thời sự, nhưng với anh em trên đảo, báo chí quý như vàng vậy”.

Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Kiệm, Thiếu tướng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân (ngoài cùng, bên trái) đọc Báo Thừa Thiên Huế trên hải trình đến Trường Sa

Khi đoàn công tác ghé thăm các đảo, bất ngờ là đơn vị nào cũng có một thư viện với hàng trăm cuốn sách, báo, tạp chí. Những đảo chìm cũng có tủ sách, báo hẳn hoi. Ở đảo Đá Tây A, tủ sách, báo của đơn vị khá phong phú với nhiều ấn phẩm nên cán bộ, chiến sĩ trên đảo có nhiều sự lựa chọn để đọc theo nội dung mình quan tâm. Trung úy Mai Văn Liên, Đài trưởng Đảo Đá Tây A cho hay: “Qua các ấn phẩm báo chí được chuyển ra đảo, chúng tôi được cập nhật nhiều thông tin, nội dung trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của nhiều địa phương trên cả nước. Bản thân tôi mỗi lúc rảnh đều qua thư viện tìm báo, sách để đọc, đây như một món ăn tinh thần của anh em ở đảo vậy”.

Còn với Thiếu tá Lê Quang Phú, Chính trị viên Đảo Đá Tây A, những ấn phẩm Báo Thừa Thiên Huế nhận được giúp anh phần nào có thêm không khí ở đất liền. Anh tâm sự: “Chỉ huy đảo và chỉ huy các đơn vị đều tạo điều kiện hết sức cho anh em trong việc đọc sách, báo để tiếp cận thông tin. Theo thời gian, số lượng báo, sách trong thư viện cứ tăng lên về số lượng và chủng loại. Bây giờ lại có thêm Báo Thừa Thiên Huế trong ngăn tủ. Những món quà tinh thần này sẽ giúp mọi người có thêm động lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Trao đổi với một số chiến sĩ và người dân trong chuyến hải trình đến với Trường Sa, những thông tin về các điển hình, nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển đảo; ứng dụng, chuyển giao những thành tựu khoa học tiên tiến trong nuôi trồng, đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy, hải sản trên báo chí luôn được đón nhận. Thượng tá Phạm Quang Trung, Chính trị viên Đảo Trường Sa Lớn cho hay: "Từ chỗ có thông tin và chủ động về mặt kiến thức, quân và dân huyện đảo đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao hiệu quả khai thác đánh bắt, nuôi trồng hải sản, góp phần nâng cao đời sống kinh tế".

Hình ảnh trên ghế đá, dưới tán bàng vuông rợp bóng mát, giữa bốn bề sóng nước, những cán bộ, chiến sĩ chăm chú đọc từng trang báo, tạo nên khung cảnh thanh bình nơi biển cả thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình đến với Trường Sa

Trong những ngày đầu tháng tư lịch sử, tôi vinh dự được cùng Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 25 thành viên do ông Nguyễn Nam Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn tham gia Đoàn công tác số 5 đi thăm quần đảo Trường Sa theo Kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam từ ngày 3/4 đến 11/4/2024.

Hành trình đến với Trường Sa
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8: Trái tim của huyện đảo Trường Sa

Rất nhiều người Việt Nam yêu và thuộc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long. Bài hát có những câu khi hát lên thật bồi hồi, xúc động “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Là người Việt Nam, ai cũng có ao ước được một lần đặt chân lên đảo Trường Sa, chúng tôi thật may mắn cùng Đoàn công tác số 5 đặt chân lên đảo.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8 Trái tim của huyện đảo Trường Sa
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7: Điểm hẹn đảo đá Tây A

Đảo Đá Tây A nhìn từ xa như một chiếc bè lớn giữa biển khơi, nhưng khi đến gần, nhận ra ngay sự sống sôi động, sung túc từ những vườn cây, cho đến ánh mắt người và nụ cười của trẻ thơ. Điều bất ngờ là khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo, tiếng gà gáy sáng chợt vang lên kiêu hãnh. Từ lâu, đảo Đá Tây A được xem là điểm hẹn của ngư dân Việt Nam trên biển.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7 Điểm hẹn đảo đá Tây A
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Return to top