|
Hai chiến sĩ tàu KN 390 thực hiện nghi lễ chào Nhà giàn DK1/2 |
Trời vừa hửng sáng, Nhà giàn DKI/2 đã hiện ra giữa muôn trùng sóng nước với hai ngôi nhà kiến trúc kiểu Việt Nam nối với nhau bằng một nhịp cầu. Hình ảnh này làm chúng tôi nhớ lại những tòa nhà ở đảo Đá Thị hay Cô Lin, cũng hai toà nhà nối nhau bằng một cây cầu nhỏ. Tất cả các nhà giàn của Việt Nam ở Biển Đông đều có kiến trúc hiền hòa, mộc mạc như thế… Điều đó gợi cho chúng tôi nghĩ về sự thống nhất của dân tộc trong tiến trình lịch sử ứng xử hài hòa trước thiên nhiên và kiên định trước kẻ thù.
Lịch sử hào hùng trên sóng nước
Trước hết, cần định vị ngay Nhà giàn DKI/2 nằm trong khu vực của bãi ngầm Phúc Tần thuộc thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Điểm nhô cao nhất của bãi Phúc Tần chìm dưới mặt nước 5,5m, cách Vũng Tàu 243 hải lý về phía Đông Nam.
Từ ngày 10 đến 15/6/1989, thực hiện chủ trương xây dựng Cụm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật (DKI), Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành dựng lắp xong nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Phúc Tần.
Đêm mồng 4/12/1990, cơn bão cực lớn dâng sóng cao đến 15m đánh nhà giàn nghiêng 15 độ, phá vỡ các sàn ghi tầng dưới. Đến 2 giờ sáng 5/12/1990, toàn bộ khối nhà bị đổ xuống biển.
Trạm trưởng Nhà giàn là đồng chí Bùi Xuân Bổng cùng Trạm phó Trần Hữu Quảng, bình tĩnh chỉ huy sử dụng các phao xuồng cứu sinh rời nhà và thường xuyên báo cáo về Sở Chỉ huy, đến phút cuối cùng mới rời vị trí. Sau khi nhận được điện báo nhà giàn đổ, Quân chủng Hải quân đã lệnh cho các tàu khẩn trương đến cấp cứu bộ đội.
Tìm kiếm suốt ngày, tàu HQ711 phát hiện và cấp cứu được 5 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có đồng chí trạm trưởng. Cuộc tìm kiếm tiếp tục kéo dài đến nhiều ngày sau để tìm 3 đồng chí bị sóng đánh trôi dạt. Do sóng to, gió lớn, việc tìm kiếm bất thành, 3 đồng chí Trần Hữu Quảng – Trạm phó, y sĩ Trần Văn Là, hạ sĩ Hồ Văn Hiền – nhân viên cơ điện mãi mãi với biển cả. Các anh đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ thềm lục địa phía Đông Nam Tổ quốc.
|
Hát qua bộ đàm, “em hát các anh có nghe được không?” |
Tháng 8/1993, Nhà nước tiếp tục xây Trạm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật (DKI/2), cách trạm cũ 3,5 hải lý. Đến nay trên bãi ngầm Phúc Tần đã có 4 nhà giàn: DKI/2, DK16, DK17, DK18. Kết cấu của các nhà giàn vững chắc, có thể chịu được sóng trên cấp 12.
Đặc điểm nổi bật của khu vực biển Phúc Tần nói riêng, là khu vực biển hoạt động nhạy cảm và hết sức phức tạp. Nước ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến, tàu cá vào thăm dò địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm chủ quyền. Ngoài ra, có nhiều tàu cá của Philippin, Hồng Kông vào đánh bắt cá trái phép ở khu vực này. Công tác bảo vệ các nhà giàn ở bãi ngầm Phúc Tần luôn căng thẳng, đặt ra yêu cầu rất cao.
Các anh Trương Chiến và Phạm Văn Đức, các chuyên gia của Công ty 899 nói: Năm 1989, chúng ta vừa ra khỏi cơn đói, vậy mà lãnh đạo Nhà nước đã nhìn thấy vấn đề phải đầu tư xây dựng ngay các nhà giàn, đó là một cái nhìn chiến lược hết sức sáng suốt.
Nhà giàn DKI/2 đã từng được Chính phủ tặng bằng khen năm 2006; Bộ Quốc phòng tặng bằng khen các năm 2007, 2009, 2012; Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” liên tục nhiều năm liền…
Truyền cho nhau thông điệp về tình yêu Tổ quốc
Buổi sáng tàu neo lại gần Nhà giàn DKI/2 để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước ngọt…, trời gió to sóng lớn, không thể đưa Đoàn công tác số 5 lên thăm Nhà giàn DKI/2 như dự kiến. Mọi người đổ xô ra boong tàu chào các cán bộ, chiến sĩ bên kia Nhà giàn DKI/2, lúc ấy cũng dàn hàng ngang chào tàu KN 390.
|
Xuồng cứu nạn, cầu nối giữa tàu và nhà giàn |
Việc này làm chúng tôi nhớ câu chuyện hôm trước với Trung tá Trần Văn Tú, rằng có những tình huống tàu đã tiếp cận Nhà giàn nhưng không thể lên thăm động viên cán bộ chiến sĩ ở trên đó được. Không ngờ hôm nay, đoàn của chúng tôi lại rơi vào hoàn cảnh không may như vậy. Việc tiếp tế được các chiến sĩ tàu KN 390 sử dụng xuồng cứu nạn để đưa hàng hóa sang. Nhìn xuồng bị sóng đưa lên xuống, mới cảm nhận sóng biển đang lớn thế nào.
Thay mặt Đoàn công tác số 5, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng phát biểu động viên cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DKI/2 và nói trong nghẹn ngào: “Chúng tôi đã chuẩn bị suốt mấy tháng trời để mong gặp, nắm tay động viên các đồng chí một chút mà cũng không được. Nhưng các đồng chí hãy tin, cả nước và đồng bào nước ngoài luôn ở cùng bên các đồng chí. Kính chúc các đồng chí sức khoẻ, để giữ được vị trí tiền tiêu đầu sóng ngọn gió, bảo vệ biển trời cho Tổ quốc”.
Các ca sĩ trong Đoàn công tác số 5 tập trung lên phòng chỉ huy để dùng bộ đàm hát tặng cho cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DKI/2. Một số cán bộ, chiến sĩ công tác trên Nhà giàn DKI/2 quê miền Trung, gọi sang yêu cầu hát bài “Huế và em” của nhạc sĩ Nhật Ngân. NSUT Kiều Oanh đã cố ngăn cảm xúc dâng trào để hát. Giữa các bài hát, các ca sĩ lại hỏi sang: “Các anh có nghe thấy chúng em hát không?”, - “Có. Có các em ạ. Các em hát rất hay. Cảm ơn các em, cảm ơn đất liền”. Và các cán bộ, chiến sĩ ở Nhà giàn DKI/2 cũng hát đáp lại. Tất cả những ai có mặt trong phòng chỉ huy, đều nghẹn ngào vì quá xúc động, để cho nước mắt tự nhiên theo dòng ứa ra trong mênh mông biển trời…
Tiếng hát như truyền cho nhau thông điệp về tình yêu Tổ quốc, động viên nhau dũng cảm hy sinh vì mục tiêu đất nước mạnh giàu. Phải mạnh giàu để có tiềm lực tiếp tục đầu tư cho công cuộc bảo vệ trời biển Việt Nam. Biển của chúng ta có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt.
Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trong đó trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn, đặc biệt khí thiên nhiên có tiềm năng rất lớn. Ngoài ra, biển Việt Nam còn có các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn như than, sắt, titan, băng cháy… Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Tất cả những tài nguyên quý giá ấy của cha ông để lại, thế hệ sau phải quyết gìn giữ, khai thác để dựng xây đất nước mạnh giàu.
Tàu KN 390 nổi ba hồi còi chào Nhà giàn DKI/2, quay trở về đất liền. Chúng tôi rời đi trong tiếc nuối. Càng về cuối chuyến công tác, việc tạm biệt nơi mình vừa đến càng khó khăn hơn với mỗi chúng tôi, bởi không ai muốn rời đi nhanh như thế, và cũng bởi việc có cơ hội để quay trở lại Quần đảo Trường Sa là rất khó. Như hôm nhìn thấy các chiến sĩ tàu KN 390 tháo cất thang cầu nối tàu vào đảo, chúng tôi đã cảm nhận ngay lúc đó, mình đã tạm biệt Trường Sa thật rồi.
Chúng tôi quay lại nhìn Nhà giàn DKI/2 mờ dần giữa biển khơi, lòng dâng lên niềm tin, rằng các anh ở đó, vẫn sẽ luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi giơ tay vẫy chào, bất giác, một cơn cảm xúc dâng trào, và nhận ra cũng có nhiều người đang không cần che giấu cảm xúc, cứ để cho mắt nhoè đi…
Trung tá Trần Văn Tú hỏi chúng tôi: “Các anh nghĩ thế nào về chuyến đi?”, - “Chúng tôi đang hiểu và yêu đất nước Việt Nam của mình nhiều hơn anh ạ!”.