ClockThứ Sáu, 23/10/2015 11:28

Bí thư chi bộ tuổi 27

TTH - Tôi bắt đầu câu chuyện với Võ Văn Thương (27 tuổi, thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) bằng một câu hỏi về quá khứ: “Cảm giác là người đầu tiên của xóm vạn đò đỗ đại học như thế nào?”. Thương cởi mở: “Rất vui, nhưng chuyện đó đã cách đây gần 10 năm rồi. Bây giờ, em chỉ mong những kiến thức học được sẽ giúp ích cho xã hội”.

Anh Nguyễn Văn Thương luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao

Thầy giáo của trẻ vạn đò

Võ Văn Thương sinh ra tại xóm vạn đò sông Hương của phường Vỹ Dạ (TP Huế). Từ bé, Thương lênh đênh theo con nước, chiếc đò nhỏ vừa là nhà vừa là phương tiện kiếm sống của gia đình. Cuộc sống khó khăn nhưng Thương ham học, gắn bó với con chữ như là con nước. Bởi thế mà những năm học phổ thông Thương đều là học sinh khá giỏi của trường. “Lớn lên trong môi trường khó khăn, thiếu thốn khiến em càng quyết tâm học tập. Những người ở vạn đò nghèo khó một phần do không có cái chữ. Trẻ em ở đây ít có điều kiện đến trường nên em nghĩ rằng bằng mọi giá phải học vì chỉ có con đường học hành sau này mới có cơ hội thoát nghèo”, Thương tâm sự.

Bằng ý chí và quyết tâm của mình, năm 2006, Võ Văn Thương cùng lúc đỗ vào hai ngành của Trường đại học Nông lâm Huế và là người đầu tiên của xóm vạn đò gõ cửa giảng đường đại học. Biết hoàn cảnh khó khăn, những năm là sinh viên, Thương vừa học vừa làm thêm để kiếm thu nhập trang trải chi phí học tập. Và cũng chính từ đây, Thương thực hiện ước mơ san sẻ con chữ cho những đứa trẻ vạn đò. Bây giờ, về thôn tái định cư Lại Tân, nhiều học sinh gọi Thương là thầy giáo. Trong ngôi nhà của Thương có hẳn một phòng dành riêng để dạy chữ cho những đứa trẻ vạn đò. Cứ vào tối thứ 7, chủ nhật, lớp học miễn phí đó lại sáng đèn. Thầy giáo Thương đứng trên bục giảng, phía dưới những đứa trẻ nắn nót từng con chữ. Và đến hôm nay đã gần 10 năm Thương được gọi bằng thầy giáo. Dù đã được tái định cư nhưng điều kiện học tập của các học sinh nơi đây còn thua thiệt rất nhiều so với chỗ khác. Đời sống khó khăn, cha mẹ đa số đều không biết chữ nên việc học của con họ dường như không để ý. Cứ mỗi lần ký giấy tờ gì thì chỉ biết điểm chỉ thay chữ kỹ. Là dân vạn đò nên Thương rất thấu hiểu. Vì thế từ lúc là sinh viên, hàng tuần Thương đã đều đặn dành buổi tối thứ 7, chủ nhật để kèm cặp các em học sinh nơi đây. Riêng 3 tháng nghỉ hè thì dạy nguyên cả tuần.

Không chỉ kèm cặp các học sinh tiểu học, THCS, mỗi năm cứ đến mùa thi, Thương lại tự nguyện kèm cặp các học sinh ở trong thôn ôn luyện thi đại học. Thương bày tỏ: “Em may mắn là người đầu tiên đỗ đại học của địa phương và hy vọng rằng quê hương sẽ có thật nhiều người như em bước vào giảng đường đại học. Năm 2013, em tình nguyện dạy kèm cho 2 em học sinh trong thôn và may mắn cả 2 em đều thi đỗ đại học”.

Bí thư Chi bộ năng động

Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết: “Võ Văn Thương là học sinh đầu tiên của xóm vạn đò thi đỗ đại học. Từ khi được nhận vào làm cán bộ phụ trách bộ phận văn thư và vi tính, anh Thương luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, được Đảng ủy, UBND xã đánh giá cao. Đồng thời, Thương còn là đảng viên trẻ, bí thư chi bộ năng động, tiêu biểu của xã. Anh góp phần vào việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con xóm vạn đò ổn định cuộc sống.

Tốt nghiệp đại học, Thương chọn ngay chính quê hương để công tác. Năm 2011, Thương vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chỉ hai năm sau đó, Thương được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Lại Tân khi mới 25 tuổi. Thương cho biết: “Sau khi tốt nghiệp đại học, em có ý định đi xa để lập nghiệp nhưng nhận thấy rằng quê hương còn khó khăn nên muốn góp một phần nhỏ bé công sức của mình để xây dựng. Là bí thư chi bộ khi tuổi đời còn trẻ, em phải học hỏi rất nhiều từ các đảng viên đi trước để hoàn thiện bản thân”.

Thôn Lại Tân có gần 500 hộ đều là dân vạn đò. Năm 2009, họ từ TP Huế về đây tái định cư. Dù được lên bờ nhưng cuộc sống vẫn quanh quẩn bên mép đò. Ngoài việc thả lưới trên sông để kiếm con tôm, con cá thì họ chẳng có nhiều kế sinh nhai. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau 2 năm làm bí thư chi bộ, Võ Văn Thương thổi một làn gió mới cho các phong trào ở địa phương. Thương tâm sự: “Bà con nơi đây trình độ dân trí còn thấp. Trước đây, họ chẳng có nghề gì mưu sinh ngoài đánh bắt cá trên sông. Bằng những kiến thức nông nghiệp được học trên giảng đường, em mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi ngành nghề để tăng thêm thu nhập. Thay vì chỉ đánh bắt cá, bà con đã biết áp dụng những kỹ thuật để nuôi cá lồng. Đồng thời, mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất các ngành nghề khác. Thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ, những chủ trương phát triển kinh tế được truyền đạt đến bà con, dần dà bà con thay đổi phương thức sản xuất hiệu quả hơn. Các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng được chú trọng để nâng cao đời sống tinh thần”.

Trình độ dân trí của người dân thôn Lại Tân còn thấp hơn những nơi khác. Khi nghe có học sinh nghỉ học, Võ Văn Thương đến tận nhà vận động các em quay trở lại lớp học; phối hợp với các ban ngành hỗ trợ kinh phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường. “Trước đây, học sinh ở địa phương thường bỏ học vì nhiều lý do. Nhưng kể từ khi chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, số học sinh nghỉ học được giảm dần. Hiện nay, thôn Lại Tân mỗi năm có 2-3 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng”, Thương phấn khởi.

Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Ngày 10/5, Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Dự thảo Luật Tư pháp NCTN niên gồm 11 chương, 166 điều, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 7 tới.

Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế phối hợp với chiến trường Điện Biên (1953 - 1954)

Giữa năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng thuận lợi cho ta hơn. Quân ta liên tiếp giành chiến thắng ở Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… dồn địch vào thế bị động. Phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh ở khắp các vùng miền, vùng giải phóng được mở rộng thêm.

Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế phối hợp với chiến trường Điện Biên 1953 - 1954
Return to top