Thế giới

Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh toàn cầu

ClockChủ Nhật, 18/10/2015 07:41
TTH.VN - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày hôm qua (17/10) lên tiếng thúc giục các nhà lãnh đạo toàn cầu cần nhất trí với một thỏa thuận "tham vọng" trong hội nghị khí hậu được tổ chức tại Paris vào tháng 12 tới khi cho rằng sự nóng lên toàn cầu là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh lương thực thế giới, theo tin từ Usanews.

"Chúng tôi cần tất cả các nước có tiếng nói chung, thúc đẩy một thỏa thuận đầy tham vọng, bền vững và toàn diện mà cuối cùng sẽ đưa chúng ta đến con đường hướng tới một tương lai năng lượng sạch toàn cầu", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Hội chợ triển lãm Milan, nơi tập trung được vào việc "nuôi dưỡng hành tinh" và các phương pháp tiếp cận mới hướng tới thực phẩm bền vững. Ông Kerry cho biết, thời tiết khắc nghiệt - với 19 trong số 20 năm nóng nhất được ghi nhận chỉ trong 2 thập kỷ qua – đồng nghĩa với việc thế giới phải hành động ngay, một cách phối hợp.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại Hội chợ Milan ngày 17/10/2015. Ảnh: Reuters

Theo lời Ngoại trưởng Kerry, những bất ổn liên quan đến biến đổi khí hậu làm giảm sút sản lượng nông nghiệp là một mối đe dọa quốc tế. Hội chợ Milan lần này chú trọng đến an ninh lương thực, và Ngoại trưởng Kerry thúc đẩy những công ty, tổ chức tham dự cần có hành động nhanh chóng để chống lại biến đổi khí hậu.

Ông cho biết: “Chắc chắn những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ cao hơn nhiều so với nạn đói. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, mà còn tác động đến an ninh trên toàn thế giới.”

“Không phải trùng hợp mà ngay trước cuộc nội chiến tại Syria, nước này đã trải qua một vụ hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử”, gây ra cuộc di cư của khoảng 1,5 triệu người, khiến “những bất ổn chính trị bắt đầu âm ỉ”, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, đồng thời cũng nói thêm rằng, “Tôi không cho rằng cuộc khủng hoảng tại Syria là do biến đổi khí hậu gây nên, rõ ràng không phải như vậy. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán thảm khốc rõ ràng khiến cho tình hình đang xấu càng trở nên tồi tệ hơn”.

Ông mô tả biến đổi khí hậu là “mối đe dọa theo cấp số nhân” và “ngay cả khi biến đổi khí hậu không gây nên xung đột nhưng có khả năng thổi bùng ngọn lửa và làm cho tình hình mà các nhà lãnh đạo chính trị phải đối mặt càng thêm phức tạp”.

Ngoại trưởng Kerry đề cập đến cuộc di cư hàng loạt tại châu Âu như một ví dụ về một cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây ra. Ông cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu phần lớn đất đai trên thế giới biến thành nơi không cư trú được do tình trạng ấm dần lên của thế giới.

Ngoại trưởng Kerry thúc đẩy các chính phủ trên thế giới cần hành động nhanh chóng để chống lại sự biến đổi khí hậu vì cho rằng, nếu không làm như vậy “tình trạng khủng khiếp của người tị nạn mà chúng ta đang đối mặt hiện nay sẽ không là gì so với làn sóng di cư khổng lồ do hạn hán xảy ra liên tục, mực nước biển dâng cao và những tác động khác của biến đổi khí hậu”.

Lời kêu gọi của Ngoại trưởng Kerry được đưa ra trước hội nghị về khí hậu của LHQ vào tháng 12 năm nay, nhằm đạt được một hiệp ước về khí thải nhà kính, giới hạn Trái đất chỉ ấm dần thêm ở mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoại trưởng Kerry đang có mặt tại Ý trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du 3 nước châu Âu, trong đó có Pháp và Tây Ban Nha.

 

Tố Quyên (lược dịch từ Usanews)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia thời tiết Nam Mỹ dự báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng

Hiện tượng khí hậu được gọi là El Nino và La Nina, mang theo những đợt nắng nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán, sẽ xảy ra thường xuyên hơn và cực đoan hơn trong những năm tới, sau khi Nam Mỹ hứng chịu đợt El Nino dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia thời tiết cho biết.

Chuyên gia thời tiết Nam Mỹ dự báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top