ClockThứ Tư, 23/03/2016 21:06
Xử lý bèo lục bình trên các sông, hồ:

Các địa phương giữ vai trò chủ lực

TTH.VN - Bèo lục bình tràn về các con sông trên địa bàn thành phố khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến du lịch và đời sống của người dân. Trước thực trạng đó, chiều 23/3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp bàn giải pháp xử lý bèo lục bình.

Huy động lực lượng vớt bèo lục bình trên các dòng sông

Phối hợp chưa đủ

Hiện nay, bèo lục bình phủ xanh các sông, suối, ao hồ trên địa bàn tỉnh với diện tích 1.625.000m². Nguyên nhân được ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT lý giải là do những năm qua không có lũ lớn và việc thiếu chủ động trục vớt ở các địa phương khiến bèo xuất hiện ngày càng dày đặc, ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất nông nghiệp; làm ngưng trệ, bồi lấp dòng chảy, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chống hạn trong vụ hè thu năm 2016; bèo lục bình phát sinh phủ lấp hơn 100 ha ruộng lúa ở Quảng Điền, (để gieo cấy lúa, huyện Quảng Điền phải chi 200 triệu đồng hỗ trợ người dân xử lý bèo)

Bèo lục bình khiến nước sông Đông Ba chuyển màu. Ảnh: Lê Thọ

Tại cuộc họp bàn, lãnh đạo các huyện, thị xã và TP Huế bày tỏ bức xúc vì lượng bèo quá nhiều trên địa bàn mình, trong khi đó chưa có sự phối hợp tích cực giữa các địa phương khiến vấn đề xử lý bèo hết sức nan giải. Ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho rằng, Phú Vang nằm ở hạ lưu của các dòng sông nên lượng bèo từ các nơi đều tập trung trôi dạt về Phú Vang chiếm diện tích gần 700.000m². Mặc dù UBND huyện chỉ đạo các xã vớt bèo đợt 1, nhưng thiếu sự phối hợp giữa các địa phương nên không thể xử lý triệt để.

Ông Đoàn Sĩ Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế than: "Bèo từ các huyện theo luồng gió trôi lên thành phố, dù làm rào chắn nhưng bèo vẫn tràn qua các sông nhánh, xâm nhập sông Hương. Công ty không thể vớt ở các dòng sông".

Về lực lượng để vớt bèo, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà và ông Hồ Viết Nhuận cùng chung quan điểm, cho rằng chỉ có nông dân mới cáng đáng được công việc này, việc huy động đoàn thanh niên là không khả thi. Hàng năm đều có kinh phí chỉnh trị thủy lợi từ sản xuất nông nghiệp nên bèo tại các khu vực kênh rạch, hồ thủy lợi, cần giao trách nhiệm cho Công ty khai thác thủy lợi.

Bàn về phương thức xử lý bèo, các thành viên dự họp nhất trí phương án dùng tay và bán thủ công, tuyệt đối không dùng thuốc thuốc diệt cỏ để xử vì sẽ gậy nguy hại cho môi trường.

Theo Bà Nguyễn Thị Hương, kinh phí vớt bèo rất lớn, các địa phương khó đảm đương nổi. “Để vớt 1km bèo trên sông Kim Đôi (xã Hương Phong, Hương Trà) chúng tôi phải bỏ ra 45 triệu đồng, trong khi đó sông Kim Đôi dài đến 20km. Hương Trà đang xây dựng phương án ra quân vớt bèo, lực lượng chủ yếu vẫn là nông dân tham gia với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, đề nghị tỉnh hỗ trợ 5.000 đồng/m² để các địa phương thực hiện. Ngoài ra, lượng bèo sau khi vớt xong được tấp 2 bên bờ, phân hủy gây ô nhiễm môi trường, phần còn lại phát sinh trở lại các các dòng sông. Đề nghị các sở, ngành liên quan tích cực vào cuộc, hỗ trợ men vi sinh để người dân làm phân vi sinh từ bèo này”, bà Hương nói. .

Nhà nước và Nhân dân cùng làm

Tất cả các sở, ngành, địa phương đều cho rằng nếu không kịp thời trục vớt bèo sẽ ảnh hưởng đến môi trường, các hoạt động giao thông đường thủy và công tác phòng chống hạn. Festival Huế 2016 đang cận kề, nếu không giải quyết, tình trạng bèo lềnh bềnh trên các sông, hồ sẽ làm xấu hình ảnh du lịch của Huế.

Các công nhân của Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế vớt bèo trên sông Hương. Ảnh: Lê Thọ

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính nhấn mạnh, bèo lục bình phát sinhvà dày đặc tại các sông, ao hồ như hiện nay là trách nhiệm của các địa phương, do vậy phải xác định trách nhiệm xử lý bèo theo địa bàn từng xã, phường, thôn, xóm đặt trong sự phối hợp giữa các xã, phường, thôn, xóm để cùng trục vớt. Các địa phương có chung dòng sông, hồ phải  phối kết hợp thực hiện đồng bộ, triệt để với phương châm là Nhà nước và Nhân dân cũng làm. Cùng với việc ra quân vớt bèo, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Ông Đinh Khắc Đính yêu cầu các huyện, thị xã, TP Huế thống kê toàn bộ diện tích mặt nước sông, hồ bị phủ bèo để có kế hoạch xử lý triệt để cũng như phương án kinh phí để trình Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ nếu vượt quá khả năng của địa phương. Về lâu dài, các huyện, thị xã, TP Huế lập dự toán kinh phí vớt bèo hàng năm theo diện tích sông, hồ để giao cụ thể cho các xã, phường, thị trấn chủ động chịu trách nhiệm thực hiện trục vớt thường xuyên. Sở Khoa học và Công nghệ cần nghiên cứu đề tài, áp dụng mô hình xử lý bèo làm phân và sử dụng phân vi sinh từ bèo vào sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đinh Khắc Đính chỉ đạo: Từ ngày 29/3, các huyện, thị xã và TP Huế chủ động xây dựng lực lượng để ra quân vớt bèo lục bình, đến ngày 10/4 phải cơ bản vớt hết số bèo trên các sông, suối, ao, hồ.

Trần Dương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Thu hoạch thủy sản nuôi trước mùa bão, lũ

Toàn tỉnh có hơn 6.000ha ao hồ và khoảng 7.800 lồng, bè nuôi thủy sản đang được tiến hành thu hoạch vét. Phần lớn lồng, bè nuôi thủy đặc sản như các loại cá chẽm, nâu, dìa, hồng mỹ... trên đầm phá cơ bản thu hoạch xong.

Thu hoạch thủy sản nuôi trước mùa bão, lũ
Qua đình, ngả nón...

Như Ý là một con sông đào dựa theo những ao hồ, kênh rạch có sẵn trong tự nhiên.

Qua đình, ngả nón
Return to top