ClockThứ Hai, 22/08/2022 06:42

Thu hoạch thủy sản nuôi trước mùa bão, lũ

TTH - Toàn tỉnh có hơn 6.000ha ao hồ và khoảng 7.800 lồng, bè nuôi thủy sản đang được tiến hành thu hoạch vét. Phần lớn lồng, bè nuôi thủy đặc sản như các loại cá chẽm, nâu, dìa, hồng mỹ... trên đầm phá cơ bản thu hoạch xong.

Ngăn chặn tình trạng khai thác có tính hủy diệtĐổi đời nhờ nuôi trồng thủy sản

Người dân sửa chữa lồng nuôi cá trên sông Bồ

Năm nay xác định là năm gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng. Trong đợt mưa lũ trái mùa vào tháng 4 ảnh hưởng khá lớn đến nuôi tôm trên cát, đầm phá và cá lồng trên sông. Thời điểm đó, nguồn nước trên đầm phá, vùng nuôi tôm bị ngọt hóa, môi trường thay đổi đột ngột làm tôm và một số thủy sản bị chết, nhiễm bệnh.

Từ sau trận lũ trái mùa, nhiều hộ dân khôi phục, tái thả nuôi thủy sản trên đầm phá, cá lồng trên sông nhằm cung ứng thị trường tiêu thụ, nhất là trong dịp tết. Đến nay, hầu hết ao hồ, lồng nuôi thủy sản không bị thiệt trong đợt lũ tháng 4 được người dân thu hoạch tỉa, sắp hoàn thành. Riêng số lồng, ao hồ thủy sản tái nuôi sau trận lũ này vẫn còn kích cỡ nhỏ, chưa đến thời kỳ thu hoạch.

Hộ Trần Hùng ở thôn Hiền An 1, xã Vinh Hiền (Phú Lộc), một trong những hộ nuôi quy mô lớn với khoảng 30 lồng cá mú, nâu, dìa... Từ kinh nghiệm, kết hợp nắm vững kỹ thuật nuôi một cách khoa học của ông Hùng, chỉ cần không ảnh hưởng thiên tai, bão lũ thì vụ nuôi đều có lãi. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Hùng lãi ròng khoảng 400 - 450 triệu đồng.

Vụ nuôi năm nay tính đến thời điểm này, có khoảng 70% lồng nuôi của ông Hùng đã thu hoạch xong. Số còn lại do cá còn nhỏ, một phần dành lại bán trong dịp tết nên chưa thu hoạch. Ông Hùng chia sẻ, tùy vào tình hình, điều kiện thời tiết, mưa lũ có thể thu hoạch toàn bộ thủy sản còn lại, chấp nhận bán giá thấp. Nếu chưa thể bán được thì tổ chức giằng neo lồng, bè, di chuyển đến nơi an toàn tránh lũ.

Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, ông Nguyễn Tam thông tin, chính quyền địa phương đang tổ chức kiểm tra, nắm bắt số lượng lồng, bè nuôi thủy sản trên địa bàn, phân loại kích cỡ thủy sản để có biện pháp chỉ đạo thu hoạch kịp thời trước mùa mưa lũ. Với loại đạt kích cỡ, yêu cầu bà con thu hoạch sớm, kết hợp thu hoạch tỉa từ nay đến trước khi bão, lũ xảy ra. Khi mưa lũ đến nếu vẫn còn thủy sản thì khẩn trương thu hoạch bán, hoặc cấp đông. Số lồng thủy sản còn quá nhỏ cần tiếp tục nuôi, kết hợp các biện pháp bảo vệ an toàn.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông cho hay, trên vùng đầm phá, ven biển huyện Phú Lộc hiện còn một số lồng, bè nuôi cá đặc sản chưa thu hoạch xong như mú, chẽm, nâu, dìa, hồng mỹ… Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt số lượng, sản lượng thủy sản, yêu cầu bà con thu hoạch kịp thời trước bão, lũ. Một số đối tượng nuôi kích cỡ còn quá nhỏ, phục vụ tiêu thụ dịp tết sẽ có biện pháp hướng dẫn hộ nuôi sửa chữa, gia cố lồng, bè, chuyển đến các vùng nước phù hợp, kết hợp giằng neo đảm bảo an toàn.

Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, hiện bà con đang tiến hành thu vét toàn bộ diện tích, lồng nuôi trên đầm phá, phấn đấu xong trước 31/8. Riêng hiện nay vẫn còn khá nhiều lồng, bè nuôi cá trên sông Bồ vẫn chưa thu hoạch xong. Các địa phương đang vận động, đốc thúc bà con khẩn trương thu hoạch, chỉ giữ lại nuôi số cá kích cỡ quá nhỏ, hoặc những vùng nuôi có thể vượt lũ, kết hợp bảo vệ an toàn trong mùa mưa bão.

Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức thông tin, toàn tỉnh có hơn 6.000ha và khoảng 7.800 lồng, bè nuôi thủy sản, tập trung các huyện Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, TX. Hương Trà… đang được tiến hành thu hoạch vét. Phần lớn lồng, bè nuôi thủy đặc sản trên đầm phá cơ bản thu hoạch xong, còn lại lồng nuôi trên sông Bồ, Đại Giang… đang được các địa phương yêu cầu người dân khẩn trương thu hoạch hoàn thành trước mùa bão, lũ.

Sở NN&PTNT khuyến cáo, với những lồng nuôi chưa thể thu hoạch, ngành nông nghiệp, các địa phương yêu cầu người dân đầu tư thêm thùng phao nổi, gia cố lại lồng, bè, lưới chắn xung quanh… đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Các hộ nuôi kiểm tra, gia cố hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào những nơi kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp, độ mặn ổn định đối với nuôi cá nước lợ, nước mặn khi cần thiết; che chắn mặt lồng bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài…

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà mất điện toàn diện

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN TX. Hương Trà, tính đến đầu giờ chiều 27/10, mực nước sông Bồ tại Phú Ốc là 1,4m, dưới báo động 1 là 0,1m và hiện mực nước đang lên. Một số địa phương, như: Hương Toàn, Hương Xuân, Tứ Hạ… đã xuất hiện một vài điểm ngập úng cục bộ, nơi sâu nhất khoảng 0,5m.

Hương Trà mất điện toàn diện
Chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai, bão lũ

Mùa mưa bão hàng năm, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân, chính quyền các cấp và Nhân dân trên địa bàn huyện Phú Vang luôn chủ động các biện pháp ứng phó.

Chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai, bão lũ
Bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính về phát triển kinh tế sau bão lũ

TTXVN trân trọng giới thiệu nội dung bài viết "Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát" của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính về phát triển kinh tế sau bão lũ

TIN MỚI

Return to top