Thế giới

Campuchia – Lào – Myanmar - Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực

ClockThứ Ba, 23/06/2015 09:33
TTH.VN - Nhận lời mời của Tổng thống Myanmar Thain Sein, ngày 22/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Thủ đô Nay Pyi Taw tham dự Hội nghị Cấp cao (HNCC) Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar - Việt Nam lần 7 (CLMV-7) và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 6 (ACMECS-6).

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ truyền thống, láng giềng hữu nghị và cùng có lợi giữa các nước CLMV và thúc đẩy hơn nữa hợp tác CLMV vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Hội nghị đã tập trung rà soát tình hình hợp tác trong hai năm qua và thảo luận phương hướng hợp tác trong giai đoạn tới. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao những kết quả đạt được trong tất cả các lĩnh vực hợp tác, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN và đóng góp tích cực cho tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.

Hội nghị đánh giá cao chương trình học bổng hàng năm mà Việt Nam dành cho học sinh các nước Campuchia, Lào và Myanmar và đề nghị Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình này trong những năm tới.

Về định hướng hợp tác tương lai, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Chương trình hành động CLMV trong lĩnh vực kinh tế thương mại cho các năm tới; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư thông qua các thỏa thuận song phương và đa phương, mở rộng việc thực hiện mô hình kiểm tra một cửa một lần dừng tại các cửa khẩu quốc tế giữa các nước; phát huy tối đa tiềm năng của các hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông - Tây và Hành lang kinh tế phía Nam; xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng; xây dựng tiểu vùng CLVM thành một điểm đến du lịch hàng đầu của thế giới. Hội nghị cũng đề nghị các nước ASEAN và các đối tác phát triển cùng tham gia thực hiện các dự án phát triển trong khuôn khổ CLMV.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá chặng đường hơn 10 năm qua, hợp tác CLMV đã đạt kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, du lịch, hải quan, kết nối giao thông và các hành lang kinh tế…, góp phần quan trọng hỗ trợ các nước thành viên hội nhập kinh tế quốc tế và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên kết kinh tế khu vực ngày càng mạnh mẽ, việc tăng cường hợp tác giữa bốn nước láng giềng gần gũi là phù hợp với xu thế chung, mang lại lợi ích cho hợp tác CLMV và từng quốc gia thành viên, thúc đẩy tiến trình hội nhập ASEAN.

Khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hợp tác CLMV và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa bốn nước vì lợi ích của từng quốc gia và sự thịnh vượng chung của cả khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng ưu tiên hàng đầu của hợp tác CLMV là nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN và dịch chuyển cơ cấu của các nền kinh tế lớn trong khu vực mở ra không gian phát triển rộng lớn với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Nằm trên giao lộ kết nối giữa Đông Nam Á với các thị trường rộng lớn Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, với lực lượng lao động ở độ tuổi vàng, nguồn tài nguyên dồi dào và qui mô thị trường gần 170 triệu dân, các nước CLMV có tiềm năng lớn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và trở thành một động lực tăng trưởng mới của ASEAN. Để khai thác tốt cơ hội này, điều quan trọng hàng đầu là nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế CLMV”.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị CLMV trước hết cần tăng cường kết nối về chính sách và hạ tầng cơ sở. Cụ thể là sớm chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế thông qua các chính sách tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại xuyên biên giới; Thực hiện nghiêm túc Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hoá qua biên giới giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS CBTA) và các thỏa thuận song phương và đa phương liên quan; đẩy nhanh thực hiện cơ chế một cửa và quá cảnh hải quan ASEAN; hoàn thiện và nhân rộng mô hình kiểm tra ‘một cửa một lần dừng’ tại các cặp cửa khẩu quốc tế trong tiểu vùng Mê Kông; xây dựng các chính sách ưu đãi cho phát triển hệ thống logistics dọc các hành lang kinh tế.

Ngoài ra, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, cam kết song phương và đa phương về tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp CLMV tham gia vào các dự án đầu tư trong khu vực. Nghiên cứu xây dựng kết nối trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, tài chính. Phối hợp vận động đầu tư cho các công trình kết nối hạ tầng cứng.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa và hội nhập các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực hiện có. Chủ động tăng cường các chương trình liên kết đào tạo với các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển. Thúc đẩy hợp tác về di chuyển thể nhân, bảo đảm nguồn cung nhân lực cho doanh nghiệp và các khu công nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động.

Thứ ba, để nắm bắt và phát huy cơ hội mới đồng khắc phục được những khó khăn thách thức, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do vậy, cần làm tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của các nước CLMV, những cơ hội kinh doanh mới từ các chương trình cải cách đang được thực hiện. Hiện nay, Việt Nam đang trao đổi với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về khả năng tổ chức một sự kiện riêng của WEF về tiểu vùng Mê Công nhằm tăng cường đối thoại chính sách, chia sẻ các ý tưởng phát triển, và tăng cường cơ hội hợp tác công - tư. Việt Nam rất mong nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực từ các nước thành viên CLMV.

“Tôi một lần nữa khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với hợp tác CLMV và mong muốn bốn nước chúng ta tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai thành công hơn nữa các chương trình hợp tác vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo kế hoạch của Việt Nam phối hợp Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức một diễn đoàn đối thoại kinh doanh cao cấp về tiểu vùng Mê Công bên lề HNCC CLMV 8.

Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị và nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ tám tại Việt Nam trong năm 2016.

 

Theo VPCP
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top