ClockThứ Tư, 16/04/2014 00:06

Cần nâng mức hỗ trợ thủy lợi phí một cách hợp lý

TTH - Nắng nóng bắt đầu diễn ra gay gắt. Công tác phòng chống hạn, mặn cho lúa đông xuân đang được đơn vị thủy nông và người dân tích cực triển khai.
Nông dân tích cực
Ông Nguyễn Thuật ở đội 3, xã viên Hợp tác xã (HTX) Đông Phú, xã Quảng An (huyện Quảng Điền) cho biết, trồng hơn hai ha lúa mỗi vụ là nghề chính, nếu để xảy ra nắng hạn, mất mùa thì đời sống gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là thời kỳ giáp hạt. Ngoài bơm thuốc phòng trừ sâu bệnh theo định kỳ, hằng ngày ông Thuật thường xuyên ra đồng, vận hành máy bơm dầu đưa nước vào ruộng, đảm bảo cây lúa phát triển theo từng giai đoạn.
Kiểm tra hệ thống kênh mương
Ông Nguyễn Trung Hiếu ở đội 3, xã viên HTX Đông Phú có diện tích trồng lúa nằm trong tốp nhất nhì xã Quảng An cũng tỏ ra lo lắng. Ông nói: Nắng nóng trong thời gian qua khiến mực nước trên sông Bồ và các sông nhỏ trên địa bàn huyện xuống thấp. Nước trong các đồng ruộng rút rất nhanh. Việc đưa nước vào đồng ruộng phải được triển khai thường xuyên nên chí phí thủy lợi tăng so với nhiều năm trước. Trong khi mức miễn thủy lợi phí trồng lúa của Nhà nước vẫn giữ nguyên mức quy định như mọi năm khoảng 550.000 đồng/ha/vụ, là khó khăn lớn đối với nhiều hộ trồng lúa trong điều kiện nắng hạn đang ngày càng diễn biến phức tạp. Vậy nhưng theo ông Hiếu, không cách nào khác là phải đảm bảo lúa phát triển tốt, không để thiếu nước trong đồng ruộng, mấy ngày nay, hộ ông cũng như nhiều xã viên HTX Đông Phú bám đồng, thường xuyên vận hành máy móc đưa nước vào ruộng.
Mặc dù nằm cuối hạ lưu sông Hương có nguồn nước tưới dồi dào, nhưng nhiều hộ trồng lúa ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, hay các HTX thuộc xã Phú Thanh (huyện Phú Vang) vẫn lo thiếu nước. Hầu như sáng nào bà con cũng ra đồng, vận hành máy bơm dầu để đưa nước từ sông, hói vào ruộng. Ông Đặng Duy Phú ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong có diện tích trồng lúa thuộc diện “top ten” của xã cho biết, việc đưa nước vào ruộng phải được triển khai thường xuyên. Những ngày nắng hạn, đồng ruộng có nguy cơ thiếu nước thì máy bơm phải vận hành từ sáng đến tối mới kết thúc... Không riêng người dân các địa phương trên, mấy ngày nay nhiều nông dân ở các địa phương, như ở khu 3 (huyện Phú Lộc), Ngũ Điền (huyện Phong Điền), các xã: Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), hói 5 xã, 7 xã (thị xã Hương Trà)... đang tích cực vận hành các trạm bơm dầu, bơm điện đưa nước vào ruộng phòng chống hạn cho lúa đông xuân.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Từ năm 2009 đến 2013, UBND tỉnh áp dụng Nghị định 115/NĐ-CP về chính sách miễn giảm thủy lợi phí. Theo đó, bình quân mỗi năm Trung ương cấp bù trên 61 tỷ đồng để hỗ trợ thủy lợi phí cho nông dân. Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho Công ty TNHH NN 1 thành viên Quản lý Khai thác công trình thủy lợi tỉnh khoảng 14 đến 15 tỷ đồng để làm dịch vụ tưới tiêu cho cả 2 vụ; kinh phí còn lại cấp cho các huyện phân bổ về các xã với mức hỗ trợ bình quân là 300kg thóc/ha/vụ...
Ông Lê Văn Thứ, Chủ nhiệm HTX Đông Phú cho biết, từ khi thời tiết bắt đầu nắng nóng, ban chủ nhiệm HTX thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát mực nước trên các đồng ruộng. HTX vận động người dân vận hành máy bơm dầu đưa nước vào đồng ruộng. Các đồng ruộng nằm trên những vùng có địa hình dạng “rổ sưa” cần cung cấp nước thường xuyên. HTX cũng đã kiểm tra toàn bộ hệ thống các trạm bơm điện, kênh mương, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, các thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng cứu lúa khi đồng ruộng xảy ra khô hạn. Các đoạn kênh mương, thủy lợi bị bồi lấp, hư hỏng trong các đợt bão lũ đã được khắc phục. Tất cả các xã viên của HTX được huy động, ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy trên các sông, hói dễ dàng đưa nước vào ruộng. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị, tình trạng nắng hạn tuy chưa đến mức báo động nhưng HTX luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng.
Tại xã Hương Phong (thị xã Hương Trà), công tác phòng chống hạn đang chính quyền địa phương quan tâm triển khai. Lãnh đạo địa phương và Ban Chủ nhiệm HTX Thuận Hòa tích cực bám cơ sở, kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp hướng dẫn bà con phòng chống hạn, mặn cho lúa đông xuân. Tại cống Bàu Su, nhiều năm trước thường bị rò rỉ, xâm nhập mặn vào đồng ruộng, nay đã được khắc phục, sửa chữa. Thời điểm này, cán bộ HTX Thuận Hòa thường xuyên túc trực tại cống Bàu Su, đóng mở cống hợp lý, đồng thời xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra. Tại thôn Quy Lai, xã Phú Thanh (huyện Phú Vang) là vùng ven biển nên nguy cơ xâm nhập mặn vào đồng ruộng rất cao. Tại các cửa cống, đê bao đều có cán bộ túc trực, kiểm tra hằng ngày, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống hạn, mặn...
Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH NN 1 thành viên Quản lý Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, ngay từ đầu mùa vụ, công ty tập trung kiểm tra, sửa chữa hệ thống kênh mương, các trạm bơm thủy lợi phục vụ phòng chống hạn, mặn. Các phương án phòng chống hạn, mặn cũng được đơn vị xây dựng, triển khai từ đầu vụ. Các vùng được xác định thường bị thiếu nước, như hói 5 xã, 7 xã (thị xã Hương Trà), khu 3 (huyện Phú Lộc), các xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), hai huyện Nam Đông, A Lưới... Công ty phối hợp với các địa phương tập trung sửa chữa kênh mương, thủy lợi, sẵn sàng vận hành toàn bộ các trạm bơm điện trên địa bàn để đưa nước vào ruộng khi nắng hạn nặng. Đối với những vùng không chủ động nguồn nước tưới, các địa phương vận động, hướng dẫn nông dân nạo vét kênh mương, sử dụng nước hợp lý, tránh lãng phí. Tất cả các cửa van trên đập Thảo Long đã đóng ngăn chặn xâm nhập mặn trên sông Hương và hạ du các sông...
 
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Return to top