ClockChủ Nhật, 15/05/2022 10:30

Cảnh báo bệnh nhiễm não mô cầu vào mùa

TTH - Trường hợp bệnh nhi 4 tháng tuổi (TP. Hồ Chí Minh) phải cắt chi do nhiễm não mô cầu là lời cảnh báo đau thương. Điều kiện thời tiết đang khiến bệnh viêm não mô cầu vào mùa phát triển, phụ huynh cần chú ý để bảo vệ trẻ.

Phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu

Biểu hiện lâm sàng của trẻ bị nhiễm não mô cầu. Ảnh: Tư liệu

Tỷ lệ tử vong cao

Theo các chuyên gia y tế, não mô cầu là bệnh không có các biểu hiện đặc trưng rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh khác. Bệnh rất khó chẩn đoán, khả năng diễn tiến rất nhanh, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24-48 giờ sau khi bệnh khởi phát. Mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 50-100 ca viêm não mô cầu. Số ca bệnh không cao, nhưng được coi là một trong những căn bệnh nguy hiểm hàng đầu. Đây cũng là bệnh có khả năng lây lan và gây tử vong sau COVID-19.

Nhiễm não mô cầu có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị kịp thời. Ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị đầy đủ, tỷ lệ tử vong ở bệnh này vẫn ở khoảng 5-15%. Nếu bệnh nhân sống sót vẫn có thể gặp phải những di chứng nặng nề như tổn thương não, điếc, tàn tật...

Gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Mnh tiếp nhận 2 ca bệnh nhiễm não mô cầu. Một bệnh 4 tuổi đã tử vong sau 6 tiếng nhập viện. Một bệnh nhi 4,5 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao giờ thứ 12 kể từ khi khởi phát triệu chứng. Vài tiếng sau bé có tình trạng sốc, xuất hiện các nốt tử ban lan rộng trên da. Cùng với đó là suy hô hấp, các bác sĩ đã phải cho bé thở máy, dùng nhiều loại kháng sinh liều cao. Đến ngày thứ 5, bé hết nguy kịch. Tuy nhiên, sau quá trình điều trị nam bệnh nhi phải đối diện với những di chứng nặng nề và ảnh hưởng tới cuộc sống sau này.

Theo TS. BS. Nguyễn An Nghĩa (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh), não mô cầu là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Khoảng thời gian từ tháng 6 tới tháng 10 là thời gian bệnh não mô cầu phát triển mạnh nhất nên phụ huynh cần đặc biệt lưu ý tới các nhóm trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cao, như trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ thanh thiếu niên từ 10 – 16 tuổi. Tuy vậy, mọi người dân đều không nên lơ là vì đây cũng là bệnh mà tất cả các nhóm tuổi đều có thể mắc phải.

Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh não mô cầu là sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, cổ cứng, phát ban xuất huyết hình sao hoặc mụn nước... Các dấu hiệu này rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh thường gặp khác như cúm vậy nên bệnh rất khó chẩn đoán. Thêm nữa, trẻ càng nhỏ, các dấu hiệu nhận biết bệnh càng khó phát hiện. Bệnh diễn tiến nhanh và để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh, phổ biến nhất là viêm màng não, tàn tật, tổn thương não, điếc... Vậy nên, phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới trẻ để phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo sớm nhất để có hướng xử trí kịp thời, giúp trẻ tránh được những di chứng nặng nề về sau.

Chú ý việc tiêm chủng

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường, học sinh, sinh viên đi học lại làm tăng tiếp xúc, trong khi thời gian qua việc tiêm chủng vắc-xin não mô cầu bị gián đoạn. Những đối tượng chưa được tiêm chủng như trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và thanh thiếu niên chưa được tiêm mũi vắc-xin nhắc lại có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, hiện nhiều phụ huynh chỉ tập trung vào tiêm chủng cho đối tượng trẻ nhỏ mà chưa có ý thức đầy đủ về tiêm chủng cho trẻ thanh thiếu niên. Trong khi trên thực tế, tỷ lệ thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng bệnh do nhiễm não mô cầu còn khá cao. Trong khi đó, đối tượng thanh thiếu niên lại là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất do thường xuyên tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội, vui chơi và học tập. Đối với trẻ, dù đã được tiêm chủng đầy đủ trong 2 năm đầu đời, nhưng sau thời gian từ 4-5 năm kháng thể ngừa bệnh đã giảm đi khoảng 50%. Do đó, việc tiêm các mũi nhắc lại khi trẻ bước sang độ tuổi thanh thiếu niên là vô cùng cần thiết. Hội Y học Dự phòng Việt Nam đã khuyến cáo tiêm mũi vắc-xin nhắc này cho trẻ em và thanh thiếu niên giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn sự xuất hiện và lây lan dịch bệnh.

Cùng với việc chủ động tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm

Khu vực châu Âu vừa chứng kiến số lượng gia tăng các ca nhiễm chủng siêu vi khuẩn hypervirulent Klebsiella pneumoniae (hvKp) kháng kháng sinh, được dự báo sẽ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong gia tăng, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trong một báo cáo.

ECDC cảnh báo tăng đột biến số ca nhiễm chủng vi khuẩn nguy hiểm
Cảnh báo lừa đảo mua bán đất, nhà ở

Các bị cáo đã lấy danh nghĩa một công ty mua bán bất động sản (BĐS) nổi tiếng để đưa ra thông tin gian dối rồi bán nhiều lô đất, hoặc nhà ở không thuộc quyền sử dụng của công ty nhằm chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều người mua đất.

Cảnh báo lừa đảo mua bán đất, nhà ở

TIN MỚI

Return to top