ClockThứ Sáu, 06/10/2017 05:26

Chầm đã vui hơn

TTH - Khi hỏi đường vào Trung tâm Bảo trợ xã hội (thôn Chầm, phường Hương Hồ), mấy người dân làm đồng gần đó hỏi lại: Trại điên phải không? Cách gọi nôm na đó gợi trong tôi một chút lo lắng. Nhưng lúc đến nơi, thật bất ngờ khi khung cảnh ở trung tâm thật bình yên. Không có tiếng la hét của bệnh nhân lên cơn, không một bệnh nhân nào bị nhốt trong những căn phòng khóa kín, tất cả mọi sinh hoạt đều diễn ra như bình thường.

Thích hơn ở nhà

Bệnh nhân Võ Văn Thất (Lệ Thủy, Quảng Bình) vừa chăm chú xâu chuỗi hạt vừa kể, anh là bộ đội xuất ngũ, vào trung tâm từ năm 2011. Thời gian đầu còn lên cơn, nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y sĩ, cán bộ ở đây nên giờ bệnh tình đã thuyên giảm rất nhiều, chỉ cần được uống thuốc an thần vào mỗi tối là có thể sinh hoạt bình thường.

 Hướng dẫn bệnh nhân phục hồi chức năng

Khi hỏi nguyện vọng trở về tái hòa nhập với cộng đồng, anh chỉ mỉm cười và nói rằng, ở trong này còn tốt hơn là được về nhà. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh mới kể về hoàn cảnh gia đình. Bố mẹ anh đều đã mất, ở quê chỉ còn anh chị em nhưng sợ rằng chính họ cũng không chào đón anh. Ít nhất ở trong này, anh còn được ăn no mặc ấm, được lao động, vui chơi giải trí và quan trọng nhất là được đối xử như một người bình thường chứ không phải là bệnh nhân tâm thần.

Bệnh nhân Lê Thị Thúy Ninh (Bố Trạch, Quảng Bình) hồ hởi khoe, ở trong này còn vui hơn ở nhà gấp mấy lần. Điều kiện sinh hoạt ở trung tâm rất tốt, mỗi người đều có giường ngủ riêng, áo quần được cấp phát đầy đủ không thiếu thứ gì, cơm ăn cũng rất ngon và phong phú. Giờ sinh hoạt còn được đọc sách báo, xem TV nên tinh thần tốt hơn hẳn. Lúc trước bệnh trở nặng, chị thường bị người thân nhốt ở nhà để tránh đi lạc, từ khi vào đây khoảng cách các lần lên cơn đã thưa dần, hiện nay hầu như không còn tái phát.

Nỗi lòng người trong cuộc

Y sĩ Đỗ Dũng có gần 10 năm gắn bó với trung tâm. Anh tâm sự, chỉ những người yêu nghề mới có thể trụ lại với công việc vất vả tại đây. Bệnh nhân tâm thần lúc lên cơn thường kích động đập phá, kêu la, đánh nhau hay tệ hơn là tự sát… nên gây ra nhiều khó khăn, nguy hiểm. Những bệnh nhân tỉnh táo có thể tự sinh hoạt, nhưng vẫn còn bệnh nhân cần người chăm sóc hỗ trợ.

Việc chăm sóc cho người bệnh tâm thần quả thực không hề dễ dàng gì, sự kiên nhẫn phải được đặt lên hàng đầu. Cán bộ tại trung tâm không ít lần chịu cảnh bị xô ngã, cào xé khi bệnh nhân lên cơn. Những lúc như vậy, cần phải nhẹ nhàng bĩnh tĩnh xử lý để giúp bệnh nhân ổn định tinh thần. Có những lần bệnh nhân ốm nặng cần chuyển vào viện để điều trị nhưng lại không có người thân hoặc không thể liên lạc được, vậy là y sĩ của trung tâm phải cắt cử người thay phiên chăm sóc bệnh nhân, có khi còn bỏ tiền túi để mua sữa, hoa quả bồi bổ thêm cho người bệnh.

Y sĩ Dũng cho biết, hiện nay hầu hết bệnh nhân đều có thể tự đi lại, sinh hoạt, không quấy phá hoặc phải nuôi nhốt như trước kia, đó là thành quả nỗ lực của tập thể đội ngũ cán bộ. Cứ xoay vòng 35 ngày, trung tâm liên kết với Bệnh viện Tâm thần chuyển 50 bệnh nhân về viện điều trị, nhờ vậy mà tình trạng của bệnh nhân luôn ở mức ổn định, không còn lên cơn như ban đầu.

Tâm trạng thoải mái, vui vẻ cũng là một trong những phương thức giúp người bệnh ổn định tâm lý, cân bằng cuộc sống. Trung tâm hiện có 2 thư viện và một phòng phục hồi chức năng để bệnh nhân giải trí, vận động thư giãn, ổn định tinh thần. Những bệnh nhân tỉnh táo và còn khả năng lao động sẽ được lao động trị liệu bằng những công việc nhẹ nhàng và phù hợp với sức khỏe như xâu chuỗi, trồng rau sạch, làm giá đỗ, khuôn đậu hay nuôi lợn…

Ghé thăm đúng giờ ăn trưa của bệnh nhân, tôi thấy bữa ăn đầy đủ các món như thịt, rau xào và canh. Ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội cho biết, với 1.080.000 đồng tiền ăn mỗi tháng, không nhiều để có một bữa ăn đầy đủ chất. Trung tâm đã tổ chức cho bệnh nhân sản xuất rau sạch, làm nấm, chăn nuôi... tạo thêm nguồn thực phẩm sạch tại chỗ để nâng chất lượng bữa ăn cho bệnh nhân.

Hiện nay, trung tâm đã tổ chức được nhiều lớp đào tạo nghề và tổ chức cho bệnh nhân tham gia lao động sản xuất như xâu chuỗi hạt, làm bàn chà… Tuy tiền công thấp, như một xâu chuỗi chỉ bán được 200 đồng, nhưng đem lại niềm vui rất lớn cho bệnh nhân.

Qua thời gian điều trị tại trung tâm, một số bệnh nhân ổn định sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng, có người đã tìm được việc làm để tự trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình. Để hỗ trợ người bệnh tái hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, Trung tâm đã tranh thủ được nhiều dự án hỗ trợ con giống, chuồng trại cho bệnh nhân tâm thần lập nghiệp, tự nuôi sống bản thân. Vừa qua, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Úc, trung tâm giúp đỡ 20 gia đình có bệnh nhân tâm thần tái hòa nhập mỗi gia đình 50 con gà giống hoặc 1 con heo giống.

Ông Ngô Duy Bình hào hứng, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ ở đây luôn tâm huyết xây dựng trung tâm trở thành mái nhà bình yên cho bệnh nhân. Hiện nay, trung tâm đang cải tạo đất để mở rộng diện tích chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, đang trình đề án xin mở rộng thêm 4ha để tạo thêm không gian vui chơi, sinh hoạt cho bệnh nhân…

Trung tâm Bảo trợ xã hội được thành lập từ năm 1986, chuyển đến phường Hương Hồ vào năm 2005. Với đội ngũ cán bộ gồm 67 người (7 cán bộ có chuyên môn y tế), trung tâm đang điều trị, chăm sóc cho 600 bệnh nhân tâm thần. Bình quân mỗi năm, có 30 – 40 bệnh nhân lành bệnh, tái hòa nhập cộng đồng.

Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui đến trường với bao vở handmade

Vào đầu năm học mới, thay vì sử dụng bao tập nilon hay giấy bao mua sẵn, nhiều bạn học sinh đã tự tay thiết kế bao vở theo phong cách cá nhân một cách độc đáo.

Vui đến trường với bao vở handmade
Tín hiệu vui

Gần 50.000 lượt khách đến tham quan các di tích, thắng cảnh Huế trong 3 ngày Tết Nhâm Dần; trong đó, có hơn 500 lượt khách quốc tế.

Tín hiệu vui
Vui Trung thu giữa đại dịch COVID-19

Trung thu năm nay có phần trầm lắng hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trước tình hình đó, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động vui tết trăng rằm cho các em thiếu nhi nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Vui Trung thu giữa đại dịch COVID-19
Vui cùng LRAMP

Nhằm giúp người dân vùng xa, vùng khó đi lại thuận tiện, mới đây, Thừa Thiên Huế triển khai xây dựng 16 cây cầu dân sinh. Đây là một phần trong dự án (DA) LRAMP-DA đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương, thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Vui cùng LRAMP
Return to top