Đường phố Huế được bố trí nhiều hoa, cây cảnh
Thực hiện tốt các cam kết
Trong một trao đổi mới đây với lãnh đạo WWF Việt Nam về lý do tại sao chọn Huế là thành phố duy nhất của Việt Nam khi tham gia cuộc thi “Thành phố xanh toàn cầu” năm 2016, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam thẳng thắn: “Xét theo các tiêu chí của cuộc thi, Huế đều đáp ứng đầy đủ. Trong đó, tiêu chí mật độ cây xanh/người không có địa phương nào đáp ứng được, trong khi TP. Huế vượt chuẩn, ở mức độ 12m2 xanh/người. Do đó, khi WWF đề xuất Huế đại diện tham gia cuộc thi, các đối tác cũng như các thành viên khác không mấy ngạc nhiên”.
Điều ghi nhận khác của WWF Việt Nam đối với Huế là lãnh đạo tỉnh, TP. Huế rất quan tâm và ủng hộ chiến dịch này. Huế là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và phát triển theo mục tiêu xanh. Điều đó được thể hiện bằng cam kết mà lãnh đạo TP. Huế ký thực hiện khi tham gia cuộc thi “Kinh đô xanh toàn cầu” 2016. Theo đó, không chỉ trong năm 2016 mà về sau, TP. Huế luôn ưu tiên cho những dự án mang lại lợi ích cho môi trường, các dự án ứng dụng năng lượng thiên nhiên, thay thế đèn chiếu sáng công cộng ít tiêu hao năng lượng, đầu tư dự án xử lý nước thải, rác thải…
Thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng để tiết giảm điện năng
Một trong những minh chứng cụ thể cho cam kết đó hiện đang được TP. Huế triển khai là việc nghiên cứu ứng dụng để thay thế đèn chiếu sáng công cộng từ đèn thông thường sang đèn led tại một số tuyến đường mới đầu tư. Sắp tới, sẽ còn đầu tư loại bóng đèn cảm ứng để tự động bật tắt khi cần thiết nhằm tiết kiệm tối đa chi phí sử dụng điện.
Trong các cam kết, TP. Huế cũng ưu tiên giữ nguyên mặt nước, sông, ao hồ, không đầu tư bất kỳ dự án nào nếu có khả năng làm thay đổi hiện trạng, chỉ là chỉnh trang, nạo vét để khơi thông dòng chảy, trả lại vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Một trong những dự án đang được triển khai là chỉnh trang hai hồ Võ Sanh, Tân Miếu ở Kinh thành Huế. Sắp tới khi dự án Green City triển khai, sẽ có thêm nhiều ao hồ khác ở nội thành được chỉnh trang, nạo vét khơi thông dòng chảy nhằm khôi phục lại hệ thống thủy đạo khu vực nội thành Huế.
Đường phố Huế rợp bóng cây xanh
TP. Huế cũng ưu tiên nguồn lực để trồng, chỉnh trang, tăng số lượng cây xanh trên một số tuyến đường, công viên, điểm xanh…, nhằm đạt mục tiêu 15m2 xanh/người trong vài năm tới. Hiện dự án quy hoạch chỉnh trang cây xanh đường phố Huế đang được thực hiện và chờ thông qua. Đây là cơ sở để TP. Huế thực hiện đạt cam kết vừa nêu.
Từng bước thay đổi nhận thức
Một việc làm khác được dư luận đồng tình đánh giá cao vừa được TP. Huế thực hiện là đóng cửa hai lò mổ gia súc tại phường Xuân Phú và Hương Sơ, do những tác hại của nó đến môi trường bằng việc xả thải trực tiếp và không qua xử lý. Để thực hiện thành công việc này, phải trải qua quá trình vận động, thuyết phục khá lâu để chủ các lò mổ đồng thuận. Trước đó, TP. Huế cũng đã xây dựng 10 khu nhà tiền chế ở Hương Sơ để di dời các cơ sở gây ô nhiễm, kể cả về tiếng ồn để đảm bảo môi trường trong lành cho TP. Huế.
Dự án cải thiện môi trường nước đang triển khai đồng loạt các gói thầu với mục tiêu sẽ xử lý gần như toàn bộ nước thải khu vực trung tâm phía Nam TP. Huế. Lãnh đạo TP. Huế kỳ vọng đây sẽ là dự án góp phần làm thay đổi đáng kể việc xử lý nước thải trước khi xả ra sông, giúp tiêu chí về nước sạch ở Huế luôn đảm bảo, kể cả cấp và thoát nước.
Việc đầu tư các công trình xây dựng chú trọng vật liệu xanh mà cụ thể là sử dụng gạch không nung và các loại vật liệu lợp, trang trí thân thiện với môi trường cũng đang được TP. Huế áp dụng đối với các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách. Sắp tới, sẽ vận động người dân sử dụng các loại vật liệu này trong xây dựng nhà cửa, công trình dân dụng cũng như sử dụng hầm khí biogas trong chăn nuôi, bón phân hữu cơ thay phân vô cơ và các chế phẩm sinh học khác.
Bên cạnh những nỗ lực để thực hiện tốt các cam kết, điều lãnh đạo TP. Huế luôn trăn trở là làm thế nào để thay đổi được nhận thức, thói quen, hành vi ứng xử của con người với thiên nhiên, môi trường xung quanh. Dù được công nhận đạt danh hiệu “Thành phố môi trường bền vững ASEAN”, song tình trạng xả rác bừa bãi khá phổ biến. Do đó, việc tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường dù là chuyện nhỏ song không dễ thực hiện.
Trong một lần trả lời phỏng vấn liên quan đến vấn đề vừa nêu, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành cho rằng, cái khó nhất là làm cho người dân nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong phát triển đô thị, phát triển Huế cũng như gìn giữ hình ảnh Huế trong mắt du khách. Làm thế nào để người dân ý thức được trách nhiệm giữ cho khu vực, đoạn đường trước mặt nhà mình luôn sạch sẽ, không có rác và thực hiện nó như là điều hiển nhiên khi đó Huế mới đạt mục tiêu là thành phố không có rác. Hay như việc giữ hình ảnh Huế bằng cử chỉ, lời nói nhã nhặn, hiếu khách cũng là vấn đề được lãnh đạo TP. Huế đặt ra để làm mục tiêu thực hiện.
Trong một quyết định khác, TP. Huế đang dần hạn chế, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hành vi đốt, rải vàng mã trên đường phố. Dù biết việc này không dễ khi đã ăn sâu, trở thành thói quen và cũng là đời sống tâm linh của một đại bộ phận người dân Huế, song vì mục tiêu lâu dài, hướng tới xây dựng thành phố xanh quốc tế, TP. Huế đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thành công quy định về đốt, rải vàng mã.
Bài, ảnh: LINH ĐAN