ClockThứ Năm, 26/03/2020 09:24

Ai ở đâu, yên chỗ đấy!

TTH - Đó là cách tốt nhất mà cộng đồng đang kêu gọi nhau, để phòng ngừa bệnh dịch COVID-19 lây lan, nhất là vào lúc mà bệnh dịch đang tăng tốc quá nhanh, và là thời điểm mang tính quyết định cho cuộc chống dịch bệnh của Việt Nam cũng như cả thế giới.

Nỗi lòng du học sinh ở nơi có dịch COVID-19

Làm thủ tục tiếp nhận người cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh. Ảnh: HÀN ĐĂNG

Ai ở đâu, yên chỗ đấy, tránh tụ tập đông người, vì đó là môi trường có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh với cấp số nhân. Chỉ một người nhiễm SARS-CoV-2 thì có thể lây lan ra cả hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người... Ai ở đâu, yên chỗ đó, giản đơn vậy thôi mà cũng không hề đơn giản. Hãy xem phản ứng của cộng đồng với COVID-19 trong những ngày qua sẽ thấy điều đó.

Trong vô số những câu chuyện ngổn ngang buồn vui mùa dịch bệnh, có câu chuyện của hai cô nữ du học sinh ở Pháp và Mỹ đã khiến cho nhiều người chia sẻ và bàn luận trên mạng.

Chuyện thứ nhất, của cô nữ sinh L. T. K. D, quê Hưng Yên, là sinh viên của Angelo State University (Mỹ). Cũng như nhiều sinh viên khác đang du học tại Mỹ, cô sinh viên 22 tuổi này đã quyết định về nhà, khi mà diễn biến bệnh dịch ở đó đã trở nên nghiêm trọng, trường đại học đã quyết định chuyển hẳn sang học online. D. đã hai lần đặt vé máy bay, gần một ngày đêm chầu chực ở sân bay Mỹ, nhưng cuộc trở về vẫn bất thành, vì các chuyến bay đều hủy bỏ vào giờ chót. Cô cùng với 40 du học sinh Việt Nam ngồi giữa sân bay xứ người và khóc.

Chuyện thứ hai, của cô nữ sinh N. Đ. Đ. T, sinh viên năm thứ nhất của trường đại học ở thành phố Toulouse (Pháp). Khi dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh trên nước Pháp, nhiều du học sinh Việt Nam trong đó cả bạn bè trong trường của T. hối hả tìm về nhà để trốn dịch. Đã có người “đào thoát” trong tình cảnh hiểm nguy và căng thẳng như trong phim. Ba mẹ của T. cũng không khỏi lo lắng và cho phép con gái tự quyết định về hay ở lại.

“Tôi thấy mình còn trẻ, chỉ cần cẩn trọng và đề phòng tốt thì sẽ không lo sợ dịch. So với ở yên một chỗ và tự cách ly tại nhà, việc di chuyển đến sân bay và mất hơn 12 tiếng ngồi máy bay về Việt Nam, tiếp xúc với hàng trăm người khác thì nguy cơ bị nhiễm bệnh sẽ cao hơn. Trở về nước vào thời điểm này rất có thể mình sẽ mang theo mầm bệnh và lây sang cho mọi người". Và cô nữ sinh 19 tuổi vừa sang Pháp 8 tháng đã quyết định ở lại. Cùng với bạn bè bày ra vô số trò để học hành online, vui chơi, nấu nướng, tập thể dục, nghe nhạc, và buổi tối, lúc 20h, mở cửa sổ đứng ở ban công để vỗ tay cảm ơn các y, bác sĩ đang chiến đấu vì dịch.

“Đây là một cuộc chiến tâm lý, ai lạc quan sẽ vững chãi, cuộc sống bình thường đã đủ lo toan rồi, đừng hoảng loạn nữa!”. Cô nữ sinh viết trên facebook của mình như thế. Cô còn động viên ngược lại: "Ba mẹ yên tâm, con gái vẫn tự cách ly được, không cần phải về Việt Nam!". Và hóm hỉnh khuyên mọi người: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Ai ở chỗ nào làm ơn ở yên chỗ đó!”. Cô gái ấy nguyên là học sinh chuyên Pháp của Trường THPT chuyên Quốc Học Huế.

Những ngày này, Tổ chức Y tế thế giới và chính phủ của hàng trăm quốc gia đang kêu gọi dân chúng “ai ở đâu, yên chỗ đấy”. Đó là biện pháp phòng thủ kiên cố của cộng đồng, để lực lượng y tế rảnh tay tấn công dập dịch. Nhưng cũng vào lúc cần phải “bất động” này, vẫn có một dòng chảy của người Việt từ nước ngoài đang tìm về nhà. “Nhà là nơi để về, chẳng lẽ đại dịch toàn cầu mà chúng tôi không được về nhà?”. Câu hỏi của cô nữ sinh viên D. từ nước Mỹ xa xôi đã khiến cho nhiều người thắt lòng. Ai từng xa nhà, nhất là có con cái đi học xa, hẳn sẽ rất thông cảm với mong mỏi rất giản dị: về nhà mình. Nhưng khi mong ước giản đơn đó đã không còn đơn giản, mà hiểm nguy lại tăng lên cao, thì việc ở lại nơi mình đang ở, lại là giải pháp tối ưu nhất lúc này.

Hiện có hơn 400.000 người Việt đang học hành và làm việc ở Nhật Bản, hơn 200.000 tại Hàn Quốc, cùng hàng triệu người Việt ở các nước châu Âu và Mỹ. Nếu ai cũng muốn về nhà, về quê lúc này thì lấy đâu ra đủ chỗ để cách ly? Và rất có thể, từ một người lành bạn sẽ thành bệnh nhân khi về đến quê nhà, vì mầm bệnh đang di chuyển theo những dòng người đi lại trên các phương tiện giao thông, nhất là máy bay đến từ các vùng dịch.

MINH DÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận một cá thể cu li nhỏ quý, hiếm

Ngày 2/5, Hạt Kiểm lâm TP. Huế tiếp nhận một cá thể cu li nhỏ từ em Nguyễn Đức Minh Q., học sinh lớp 6- Trường THCS Thuỷ Bằng (TP. Huế) tự nguyện giao nộp với nguyện vọng thả về môi trường tự nhiên.

Tiếp nhận một cá thể cu li nhỏ quý, hiếm
Tiếp nhận cá thể rùa quý, hiếm

Ngày 29/3, Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới đã tiếp nhận 1 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung (Coura bourreti) trọng lượng 0,4 kg, do bà Ngô Thị Nhâm, thường trú tại thị trấn A Lưới giao nộp.

Tiếp nhận cá thể rùa quý, hiếm
Nhập cư cao kỷ lục, Australia bắt đầu thắt chặt thị thực với du học sinh

Australia sẽ bắt đầu thực thi các quy định chặt chẽ hơn về thị thực đối với sinh viên nước ngoài từ cuối tuần này, khi dữ liệu chính thức cho thấy lượng người di cư đến Australia đã đạt mức cao kỷ lục mới, điều này được cho là có thể làm trầm trọng thêm thị trường nhà cho thuê vốn đã căng thẳng của Australia.

Nhập cư cao kỷ lục, Australia bắt đầu thắt chặt thị thực với du học sinh
Return to top