Trung úy Quân nhân Chuyên nghiệp Quang Đạo tác nghiệp tại thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dấn thân
Giữa núi rừng trùng điệp, trên vách núi cao, chiếc máy tính xách tay của Trung úy Quân nhân Chuyên nghiệp (QNCN) Lê Quang Đạo được đặt trên chiếc bàn “dã chiến” làm bằng bốn thanh sắt ngắn và một tấm ván cũ.
Ngồi nhón chân trên đống đất đá, bùn lầy nhưng anh vẫn miệt mài gõ những dòng chữ. Đó là những tin tức mới nhất trong ngày của hoạt động tìm kiếm các nạn nhân mất tích vào giữa tháng 7 vừa qua, trong sự cố thủy điện Rào Trăng 3. Đợt tìm kiếm kéo dài bao nhiêu ngày, thì Trung úy Đạo cũng “ăn lán, ngủ rừng” bấy nhiêu ngày cùng đồng đội.
Với kinh nghiệm 11 năm theo nghề tuyên truyền, cùng theo chân đồng đội trải qua bao nhiêu vất vả, khó nhọc. Nhưng có lẽ, mỗi thông tin, hình ảnh đẹp của đồng đội mình, của những người lính được đăng lên mặt báo, lan tỏa hình ảnh đẹp đến với người dân có lẽ chính là niềm khích lệ, động lực để anh tiếp tục với những đam mê, duyên nợ với “nghề báo" của mình.
Vì tình hình dịch bệnh phức tạp nên đã hơn một tháng nay, Thiếu tá QNCN Lê Văn Sáu (sinh năm 1980) và đồng đội trong Ban Tuyên huấn chưa về nhà. Là cán bộ tuyên truyền, khi các sự kiện, hoạt động kết thúc, các anh lại bắt đầu với con chữ, khuôn hình. Mặc dù là nhà báo không chuyên nhưng báo in, báo hình, điện tử anh đều thông thạo. Những sản phẩm mà anh gửi đến báo đài, không phải là những sản phẩm “thô” mà là những sản phẩm mà anh đã “trau chuốt” cẩn thận, đầy trách nhiệm.
15 năm “theo nghề”, công tác tuyên truyền, đối với anh như một cái duyên, mà theo anh, đó là càng viết càng đam mê. Bởi những hoạt động, cống hiến của lực lượng vũ trang được mọi người ghi nhận qua những hình ảnh sống động, chân thực của mình càng tiếp thêm cho anh động lực.
Trong những trận cháy rừng lớn trên địa bàn TX. Hương Thủy vào những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đã trắng đêm chiến đấu với giặc lửa. Thiếu tá QNCN Lê Văn Sáu cũng vậy. Anh đã trắng đêm cùng anh em trên những quả đồi lửa cháy ngùn ngụt. “Cũng là người lính, được rèn luyện nên việc “xông pha” đối với tôi không có gì đáng lo ngại, Thiếu tá Lê Văn Sáu tâm sự.
Nhưng khi trở về đơn vị, không phải nghỉ ngơi lấy sức, mà anh lại bắt tay ngay vào việc chuyển tải thông tin, hình ảnh đến các báo.
Trách nhiệm với nghề
Là người có thâm niên tuyên truyền nhất trong Ban Tuyên huấn với 26 năm kinh nghiệm, Thiếu tá Trần Tình (sinh năm 1970) luôn giữ được “lửa nghề”.
Đam mê viết lách từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, vào quân ngũ, Thiếu tá QNCN Trần Tình thường xuyên viết bài cho các tập san nội bộ, cộng tác các báo và khi được giao nhiệm vụ cán bộ tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Bộ CHQS tỉnh, anh càng có điều kiện phát huy tay nghề. Làm báo không chuyên, chỉ học qua những khóa đào tạo nghiệp vụ báo chí ngắn, nhưng anh không ngừng học hỏi, tìm tòi, đổi mới cách viết.
Cũng chính vì mê viết, không ngại dấn thân mà Thiếu tá Trần Tình đã không may bị thương khi tham gia tác nghiệp trong cơn bão lớn vào năm 2009 tại huyện Phú Lộc và anh cũng được công nhận thương binh hạng 4/4.
Khi dịch bệnh xảy ra, có lẽ nhiều người còn e ngại đến các khu cách ly tập trung, các khung điều trị F0 không triệu chứng, ngần ngại tiếp xúc với những người lính, những y bác sĩ nơi tuyến đầu… nhưng các anh đã không ngần ngại đến từng nơi, chuyển tải nhiều thông tin, hình ảnh quan trọng đến độc giả của các báo. Các anh đến đó không chỉ vì trách nhiệm, mà là sự dấn thân, nhiệt huyết với nghề “tay trái” mà các anh đang thực hiện. Bởi sự ghi nhận của Nhân dân, chính quyền đối với sự cống hiến của đồng đội ở các “điểm nóng” cũng chính là niềm hạnh phúc của các anh, những người lính tuyên truyền.
Thanh Thảo