Dù công tác chuẩn bị ở các khu cách ly vất vả nhưng những chiến sĩ trẻ vẫn rất vui với nhiệm vụ của mình
Làm việc thâu đêm
Những ngày chuẩn bị đón các công dân từ Lào về, nhân viên Trạm sửa chữa, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh sáng đèn làm việc đến khuya để sửa chữa, đóng mới hàng trăm chiếc giường tầng.
Trong không gian chật hẹp, 25 cán bộ, chiến sĩ miệt mài hàn từng thanh inox, lắp từng thanh giường, cẩn thận kiểm tra chất lượng từng mối hàn.
Đại úy Lưu Thanh Tuấn, Trạm trưởng Trạm sửa chữa cho biết: Để đảm bảo tiến độ, giao giường sớm nhất có thể cho khu cách ly, Trạm đã huy động tất cả quân số và làm việc cật lực 12 giờ/ngày. Phải chạy đua với thời gian, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn làm việc rất nghiêm túc để đảm bảo chất lượng kỹ thuật.
Chuẩn bị cơ sở vật chất cho các khu cách ly, những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ trẻ Trung đoàn Bộ binh 6, Bộ CHQS tỉnh tận dụng tối đa sức người để hoàn tất công tác chuẩn bị những khu cách ly tập trung có sức chứa 1.000-1.500 người/khu.
Xếp hàng dài dưới sân Trường Nghiệp vụ thuế (khung T5), những chiến sĩ trẻ ăn vội bữa trưa rồi tạm chợp mắt đâu đó nơi góc cầu thang, dưới mái hiên để rồi tiếp tục công việc. Sau 4 ngày, khung T5 được hoàn tất với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ người dân.
Cùng đồng đội khiêng những chiếc giường tầng, vác từng bao chăn màn từ tầng 1 lên tầng 2 rồi tầng 4, 5 của Ký túc xá Trường bia (khung T6), mồ hôi chảy dài, lấm lem cả khuôn mặt nhưng binh nhất Nguyễn Đức Thành, Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn Bộ binh 6 vẫn nhoẻn cười, giơ tay chào khi thấy máy ảnh hướng về phía mình. “Từ sáng đến giờ chúng em khiêng đồ leo cầu thang mấy lượt rồi. Mệt thật, nhưng thanh niên mà, mệt rồi khỏe ngay thôi. Làm xong sớm chừng nào tốt chừng đó để đón bà con về cách ly”, Thành bộc bạch.
Không phân biệt cấp bậc, chức vụ, những người lính quây quần bên nhau, chia nhau từng gói mì tôm khi tạm nghỉ tay ăn khuya để tiếp tục tăng ca. Để có được các khu cách ly đầy đủ cơ sở vật chất, các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm chạy đua với thời gian, có những khu cách ly chỉ có thời gian 1-2 ngày để hoàn thành.
Chuẩn bị bữa ăn cho người dân ở khu cách ly
Lời cảm ơn từ đồng bào
Khi những người lính hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất cho khu cách ly rời đi thì những người lính với nhiệm vụ phục vụ người dân bắt đầu nhận nhiệm vụ.
Từ bố trí phòng ốc cho đến việc chuẩn bị lực lượng tiếp đón bà con từ Lào về được các khu cách ly chuẩn bị chu đáo, khoa học. Việc chuẩn bị từng bữa cơm nóng hổi cho đến làm việc xuyên đêm để tiếp đón công dân (vì xe đón bà con từ Lào thường về tới Huế vào ban đêm) được các cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng.
Trường Nghiệp vụ Thuế (khung T5) và Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (khung T4) là hai khu vực cách ly có sức chứa hơn 1.500 người/khu.
Để đảm bảo an toàn, các khu cách ly được phong tỏa nghiêm ngặt, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Số lượng công dân về các khu cách ly ngày một đông đồng nghĩa với việc đội ngũ phục vụ thêm nhiều phần vất vả.
Lực lượng phục vụ tiếp nhận công dân trong đêm
14 ngày cách ly tại khung T5 cũng trôi qua. Ngày được trở về nhà, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (Định Quán, Đồng Nai) không giấu được những giọt nước mắt: “Ngày chúng tôi về tới cửa khẩu là nghĩ mình được an toàn rồi. Khi bộ đội Thừa Thiên Huế đón về cách ly tập trung ở đây mọi thứ tươm tất, sạch sẽ và đầy đủ ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Không những được ăn uống đầy đủ, đảm bảo mà chúng tôi còn được chuẩn bị chu đáo một số đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Trong suốt thời gian cách ly, ngày nào chúng tôi cũng được kiểm tra sức khỏe, dặn dò tỉ mỉ về cách phòng, chống dịch. Dù nói bao nhiêu lần cũng không thể hết được sự biết ơn của người dân chúng tôi đối với đội ngũ phục vụ ở khu cách ly”.
Có lẽ khi về tới nhà rồi mẹ con chị Trần Thị Vân (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng không thể biết mặt những người lính hàng ngày vẫn chu đáo chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho mình tại khu cách ly, bởi tất cả họ đều phải đeo khẩu trang, áo quần phòng hộ kín mít. Điều mà chị Vân nhớ là những cái tên và giọng nói ân cần mỗi sáng gọi chị ra nhận đồ ăn sáng và cháo cho đứa con nhỏ của mình. “Các chú bộ đội đã rất vất vả, ngày phục vụ cả ngàn người mà vẫn luôn nhớ những khẩu phần ăn đặc biệt cho trẻ em, người già…Vì phương tiện công cộng đang bị hạn chế nên mẹ con tôi được Bộ CHQS tỉnh mua vé tàu và bố trí xe đưa lên tận ga tàu để trở về nhà”, chị Vân kể.
Trên loa phát thanh chuẩn bị tiễn bà con hoàn thành cách ly, Thiếu tá Lê Văn Trung, Khung phó Khung T4 không quên dặn dò: “Bà con về địa phương nhớ khai báo y tế và tiếp tục cách ly thêm 14 ngày, hạn chế đi ra ngoài và thường xuyên đeo khẩu trang y tế, khử khuẩn để phòng dịch. Chúc bà con trở về nhà đoàn tụ với gia đình vui vẻ”.
Những công dân khỏe mạnh lần lượt được rời các khu cách ly trở về nhà, nhưng những người lính vẫn ở lại làm việc “xuyên cách ly” và tiếp tục đón công dân khác từ các vùng dịch trở về. Họ chỉ có thể giải tỏa nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con qua những cuộc điện thoại vội vã rồi lại tiếp tục với nhiệm vụ phục vụ bà con.
Những lời cảm ơn, những lá thư đầy xúc động, những bài thơ viết vội của người dân sau khi rời khu cách ly chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để những người lính ấy tiếp tục đương đầu với dịch bệnh.
Khi những công dân cuối cùng rời các khu cách ly, những người lính tiếp tục với công việc thu dọn hiện trường sạch sẽ. Họ vẫn thế, luôn đi trước về sau, tất cả vì Nhân dân phục vụ.
Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh có 8 khu cách ly do quân đội quản lý. Những khu cách ly này đã đón gần 6.400 công dân chủ yếu từ Lào về cách ly. Có những ngày, quân đội đón gần 1.500 người về cách ly, nên công việc phục vụ tại các khu cách ly rất vất vả. Mặc dù là cách ly tập trung nhưng chúng tôi chưa để một ai phải phàn nàn và thiếu thốn bất cứ thứ gì.
Bài, ảnh: THANH THẢO