ClockThứ Hai, 24/01/2022 08:37

Cùng ý thức để công nhân môi trường được đón tết sớm

TTH - Sau ngày cúng ông Công ông Táo, cúng tất niên hay việc thu dọn nhà cửa đón tết của người dân... thường là cảnh tượng "rác thờ", đồ dùng hư hỏng ở khắp ngã ba, ngã tư; túi ni lông nổi trên sông, hồ... làm xấu cảnh quan, môi trường. Để không còn là nỗi ám ảnh, nhọc nhằn của những công nhân vệ sinh môi trường trong những ngày cuối năm, rất cần mỗi người cùng đồng thuận, ý thức trong việc vệ sinh, bỏ rác, đốt rải vàng mã đúng quy định.

Văn minh trong đốt, rải vàng mãTái diễn rải vàng mã trên sông HươngCần xử lý nghiêm người rải vàng mã xuống sông, suối

Mong rằng sẽ không tái diễn tình trạng túi ni lông vứt trên sông, hồ khi người dân phóng sanh cá trong ngày cúng ông Công, ông Táo

Mong có "giao thừa"

 Đón giao thừa cùng gia đình, người thân là câu chuyện hết sức xa xỉ với những người làm nghề lao công vệ sinh môi trường. Năm nào cũng vậy, để đem lại sự tinh tươm, sạch đẹp cho phố phường trong ngày đầu năm mới, công việc của họ xuyên qua giao thừa, phải đến hơn 2 giờ sáng ngày mồng 1 Tết Nguyên đán mới về đến nhà. Có những bộ phận ở khâu cuối như vận chuyển, xử lý rác phải đến 4, 5 giờ sáng mới kết thúc công việc.

"Vào nghề mười mấy năm, tuy đã quen với việc chưa hề được đón thời khắc giao thừa thiêng liêng bên gia đình, nhưng mình vẫn khao khát, giá như năm nay được "gác chổi" sớm để về với gia đình trước giờ giao thừa thì quý biết mấy!", chị Phương, công nhân thuộc Xí nghiệp Môi trường Nam sông Hương - Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) chia sẻ.

Mong muốn của chị Phương và nhiều đồng nghiệp cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo công ty. Ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng giám đốc HEPCO cho rằng, để giúp công nhân đón giao thừa cùng gia đình, chúng tôi chỉ mong bà con thu dọn vệ sinh nhà cửa sớm và tuân thủ kế hoạch thu gom tăng cường của đơn vị những ngày giáp tết, cũng như không thả túi ni lông xuống sông, hồ khi phóng sanh...

Theo kế hoạch thu gom rác trong các ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 của HEPCO áp dụng từ ngày 27 tháng Chạp đến ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, các ngày 27, 28 và 29 tháng Chạp, HEPCO sẽ tăng ca thu gom rác trên tất cả các đường, các kiệt trong mạng lưới vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Huế do HEPCO phụ trách. Đối với địa bàn thu gom rác ban đêm, ngày 27 và 28 tháng Chạp tăng cường thu gom từ 14 giờ. Ngày 29 (giao thừa) tăng cường thu gom rác cả ngày và đề nghị nhà dân không đưa rác ra đường sau 21 giờ. Đối với địa bàn thu gom rác ban ngày, các ngày 27, 28, 29 tháng Chạp tăng tần suất thu gom hằng ngày và đề nghị người dân không đưa rác ra đường sau 15 giờ ngày 29 (giao thừa). Các ngày và đêm 1/2/2022 (mồng 1 tết) và ngày 2/2/2022 (mồng 2 tết), HEPCO nghỉ thu gom rác. Để tạo thuận lợi và đảm bảo vệ sinh môi trường, thời gian này, các tổ chức, đơn vị, các ban quản lý chợ, các hộ gia đình không đưa rác ra đường. Từ ngày 3/2/2022 (mồng 3 tết), các hoạt động vệ sinh trở lại bình thường.

Công nhân HEPCO tuyên truyền, kêu gọi mọi người chung tay giữ môi trường xanh- sạch- sáng

"Chú tâm" và ý thức khi đốt, rải vàng mã

 Dịp cuối năm và ra tết là thời điểm các gia đình tổ chức nhiều lễ cúng kiếng, như lễ cúng ông Công, ông Táo, lễ cúng mời đón ông bà tổ tiên về vui đón tết cùng con cháu, đi tảo mộ, cầu may... và những lễ hội văn hóa lịch sử dân tộc... Các lễ, người dân thường không bỏ qua tục lệ đốt, rải vàng mã. Tuy là một trong những thuần phong mỹ tục của người dân, nhưng không ít bộ phận khi thực hiện lễ tục lại thiếu ý thức, mê tín, cuồng tín và không chấp hành các quy định về đốt, rải vàng mã nên gây ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường, thậm chí làm hư hại tài sản, cháy thủng thùng chứa rác...

Chị Hà, công nhân của HEPCO chia sẻ: "Anh em chúng tôi rất xót khi phải chứng kiến những chiếc thùng rác bị cháy móp méo, bị lủng do rác có mồi lửa của người dân đổ ra. Ngoài mỗi dịp rằm hay mồng 1 hằng tháng, đơn cử trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021, có hơn 10 chiếc thùng rác ở bờ Bắc nơi mình phụ trách bị hư hỏng". "Nếu như bà con ý thức một chút, để tâm một chút khi đốt vàng mã, không đổ rác còn mồi lửa vào thùng thì tuổi thọ của những thùng rác trên đường phố được kéo dài và được phát huy tác dụng", chị Hà bày tỏ.

Thực ra, việc đốt, rải vàng mã đã được quy định rất rõ tại Quyết định số 6113 ngày 17/8/2016 của UBND TP. Huế. Tại khu vực dân cư phải đốt trong thùng, thùng đốt phải đặt trong khuôn viên hộ gia đình hoặc đặt trên vỉa hè, sau khi đốt xong phải vệ sinh sạch sẽ và thu gom tàn tro. Tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa phải đốt đúng vị trí quy định của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích và phù hợp với đặc thù của lễ hội, di tích lịch sử văn hóa. Quy định còn nghiêm cấm đốt vàng mã trên lòng đường giao thông, gồm cả đường chính, đường kiệt; tại các công viên, điểm xanh; không đúng quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa.

Đối với việc rải vàng mã, nghiêm cấm rải tiền Việt Nam, tiền nước ngoài, vàng mã trên tất cả các tuyến đường của thành phố, các tuyến đường đưa tang và xuống sông, hồ. Tổ chức, cá nhân khi đốt, rải vàng mã phải tuân thủ những nguyên tắc: không được trái với quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục của dân tộc; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan. Không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và trật tự, an toàn công cộng, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết
Giữ gìn môi trường sạch đẹp

Huế đã có thương hiệu thành phố xanh, môi trường sống sạch, đẹp là điều không chỉ người dân sở tại mà du khách, những người xa quê trở về đã nhận định, thán phục. Kết quả đó, ngoài thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả "Ngày Chủ nhật xanh", còn đến từ ý thức giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp của người dân.

Giữ gìn môi trường sạch đẹp
Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Những thay đổi nhỏ từ lối sống hằng ngày như đi chợ bằng giỏ, đựng thực phẩm trong hộp, dùng túi đựng, ống hút, ly uống nước... bằng giấy, hội viên phụ nữ TP. Huế đang góp phần giảm rác thải nhựa, túi ni lông ra môi trường. Đồng thời, lan tỏa phong trào sống xanh, góp phần chung tay vì một Huế - đô thị giảm nhựa.

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường
Xây dựng ý thức sử dụng sản phẩm có bản quyền

Tạo dựng thói quen sử dụng của người tiêu dùng với các sản phẩm, dịch vụ có bản quyền đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng mua bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ - một vấn nạn đang gây thiệt hại không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần chú trọng thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này.

Xây dựng ý thức sử dụng sản phẩm có bản quyền

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top