ClockThứ Tư, 13/11/2019 06:45
Dân vận nhìn từ Hương Thủy:

Khó vạn lần dân liệu cũng xong - Kỳ 2: Thay đổi nhận thức, gắn vai trò chủ thể cùng quyền lợi

TTH - Không chỉ thành công trong giải tỏa, di dời để bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 đúng tiến độ cho Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, công tác vận động chung tay xây dựng nông thôn mới ở Hương Thủy cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Khó vạn lần dân liệu cũng xong – kỳ 1: Tiền không phải là mấu chốtTrận địa lòng dânBởi vì dân tín nhiệm

Diện mạo đô thị Hương Thủy hôm nay

Bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), Hương Thủy không phải là địa phương được “quy hoạch” trong top cán đích đầu tiên của tỉnh. Tuy nhiên, bằng cú bứt phá ngoạn mục, Hương Thủy băng băng về đích trước kế hoạch hơn 1 năm, trở thành địa phương đầu tiên của Thừa Thiên Huế hoàn thành Chương trình, mục tiêu quốc gia này.

Ông Nguyễn Đắc Tập - Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho biết, năm 2010, khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM, theo đánh giá sơ bộ, các tiêu chí chưa đạt ở hầu hết các địa phương của thị xã đều là những tiêu chí khó, cần đầu tư nhiều kinh phí, như: Cơ sở vật chất trường học, văn hóa, môi trường, y tế...; hệ thống hạ tầng nông thôn, giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; vệ sinh môi trường; đời sống, thu nhập đa số nông dân các xã vùng gò, đồi... “Còn về thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo thì con số của năm 2011 cho thấy lần lượt là 11,6 triệu đồng/người/năm và 9,39 % (9.881/928 hộ) - một tỷ lệ khá cao và khó hạ thấp”, ông Tập nói.

Dù khó nhưng thị xã quyết tâm vượt qua trở ngại dựa trên cơ sở đồng sức đồng lòng từ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cùng Nhân dân toàn thị xã. Tuy nhiên, khi chính thức bắt tay hành động, tâm lý của một số bà con: “Nhà nước phát động thì Nhà nước đầu tư chứ không liên quan đến dân” khiến ban đầu có một số trở ngại nhất định, ông Tập chia sẻ.

Xác định mấu chốt nằm ở nhận thức, Hương Thủy quán triệt, ngoài những thông tin được đăng tải đều đặn, thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, phổ biến trong các cuộc họp, buổi sinh hoạt..., những lực lượng, đoàn thể liên quan đến công tác này phải thường xuyên đi về cơ sở, lồng ghép nội dung xây dựng NTM trong những lần trò chuyện, tìm hiểu, chia sẻ tâm tư nguyện vọng với từng người dân.

Nhưng nói thì dễ, còn lồng ghép thế nào vừa để người nghe không chán, vừa hiệu quả trong chuyển biến nhận thức là cả một vấn đề. Thực tế cho thấy, khi vận động, thuyết phục mà đem ngay chủ trương, nghị quyết, luật... ra áp đặt là không ổn.

Ông Huỳnh Sinh, người dân thôn 1A (xã Thủy Phù) cho biết: “Khi có chủ trương mở đường, tôi đã vận động gia đình, con cái đồng ý hiến phần diện tích đất mặt tiền trước nhà hơn 500m2. Trước kia, đường cũ chỉ có 3m nhưng hiện tại đường rộng hơn 13m, và đây là con đường trung tâm của xã, vừa rộng rãi, vừa khang trang rất thuận lợi cho việc đi lại của bà con”. 

Nhưng không phải ai cũng như ông Sinh. Có nơi, khi vận động hiến đất mở đường, một số hộ cho rằng: “Nhà nước muốn lấy thì cứ tính theo giá thị trường mà đền bù”.

"Khi đó tôi nói thế này, đây là câu chuyện Nhà nước và Nhân dân cùng chung sức, mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống cho bà con. Bây giờ bà con chịu thiệt 1-2 mét đất để mở rộng đường, khi đường thông hè thoáng, giao thông thuận lợi hẳn nhiên giá đất được nâng lên gấp mấy lần thì ai hưởng lợi. Rồi khi bộ mặt nông thôn được nâng tầm, con cái được học hành, được thụ hưởng về nhiều mặt thì ai hưởng lợi... Cuối cùng khi hiểu ra, tất cả đều nhất trí hưởng ứng”, ông Trần Tấn Quốc - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TX. Hương Thủy nhớ lại.

Đó mới chỉ là một trong những phương thức mà những người làm công tác dân vận, mặt trận ở Hương Thủy áp dụng trong vận động chung tay xây dựng NTM.

Phương thức song song, theo ông Lê Văn Chính, Bí thư Thị ủy Hương Thủy là biểu dương và nhân rộng những gương điển hình, nêu gương người đứng đầu, phát huy tính làng xã, dòng họ, tác động đến những bậc cao niên, có uy tín trong làng, trong họ, đồng thời phải “Nói có sách mách có chứng” để tạo không khí thi đua, chung tay xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia.

Minh chứng cho lời ông Chính là qua 10 năm xây dựng NTM, từ việc vận dụng những phương thức nói trên, người dân Hương Thủy đã đóng góp gần 200 tỷ đồng, hiến 15.130m2 đất, 50.830 ngày công và một số tài sản khác trên đất để xây dựng đường thôn, đường ngõ xóm, nhà văn hóa thôn... Trong đó, có những tấm gương điển hình như bà Ngô Thị Hòa (thôn Lang Xá Bàu, xã Thuỷ Thanh) đang ở Hải Phòng đóng góp 500 triệu đồng; bà Ngô Thị Hoa (thôn 9, xã Thủy Phù) đóng góp 380 triệu đồng; ông Đậu Hải Sơn (Bí thư chi bộ thôn Dương Phẩm, xã Thuỷ Bằng) hiến 900m2 đất vườn; ông Hoàng Lãm (thôn Dương Phẩm, xã Thuỷ Bằng) hiến 700m2 đất vườn; ông Lê Tiếp (thôn 1A, xã Thuỷ Phù) hiến 200m2 đất vườn... cùng rất nhiều người đóng góp ngày công lao động để làm đường bê tông thôn, xóm...

Ông Đậu Hải Sơn - người hiến 900m2 đất vườn để mở rộng đường thôn chia sẻ ngắn gọn: “Bản thân là Bí thư chi bộ thôn Dương Phẩm (xã Thuỷ Bằng), muốn để Nhân dân hưởng ứng thì trước tiên mình phải làm gương. Vừa giải thích, vừa làm gương bằng hành động thiết thực thì bà con mới hiểu, mới tin và nhiệt tình hưởng ứng”.

Trong 10 năm xây dựng NTM, có thể thấy bộ mặt nông thôn Hương Thủy ngày càng khởi sắc, ngày càng “Xanh - sạch - sáng”, số tiêu chí đã đạt tăng từ 43 tiêu chí năm 2010 lên 101 tiêu chí năm 2015, lên 133 tiêu chí năm 2019, bình quân mỗi xã tăng gần 5 tiêu chí; đồng thời, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người chung của 7 xã đạt 36 triệu đồng/người/năm, đi kèm với đó là tỷ lệ hộ nghèo còn 3,38% so với 9,39% của năm 2011.

Ở góc độ nào đó, những con số thống kê này có sự gắn kết chặt chẽ với công tác dân vận, mặt trận khi cũng trong 10 năm qua, TX. Hương Thủy xuất hiện 130 mô hình thi đua dân vận khéo, trong đó có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu, như: Vận động Nhân dân chung sức xây dựng Nông thôn mới ở xã Thủy Tân; Chuyển đổi đất màu sang trồng cây thanh trà ở xã Dương Hòa; “Điểm cảnh giới đường ngang Cựu chiến binh - Khăn quàng đỏ” ở xã Thủy Phù; Xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở 2 phường: Thủy Dương và Thủy Châu...

Ông Lê Văn Chính, Bí thư Thị ủy Hương Thủy nhìn nhận, Hương Thủy trở thành địa phương cán đích xây dựng NTM đầu tiên của tỉnh và bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 đúng tiến độ cho Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài - hai nhiệm vụ quan trọng của thị xã - là nhờ sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân, trong đó, những đóng góp của công tác dân vận, mặt trận hết sức quan trọng.

“Hiện, Hương Thủy tiếp tục bắt tay xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu nhằm xây dựng bộ mặt nông thôn hài hòa, đô thị hiện đại trên quan điểm có khởi đầu nhưng không có kết thúc. Và tin rằng, sẽ góp phần chung sức trong thời điểm Thừa Thiên Huế đặt ra mục tiêu trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh cùng chủ trương mở rộng đô thị Huế trong thời gian tới. Và ở đó, công tác dân vận, mặt trận cần tiếp tục phát huy như thời gian qua”, ông Chính bày tỏ.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đi phù hợp của Hương Thủy

Là cửa ngõ phía nam của TP. Huế, TX. Hương Thủy có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và thương mại. Sự đầu tư và chuyển biến thời gian qua cho thấy, thị xã đã có hướng đi phù hợp với tiềm năng, lợi thế này.

Hướng đi phù hợp của Hương Thủy
Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh
Return to top