ClockThứ Sáu, 10/09/2021 14:22

Nhận lương hưu qua thẻ ATM: Tăng hiệu quả phòng dịch

TTH - Việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua tài khoản ngân hàng (thẻ ATM) mang lại nhiều tiện ích, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ đầu năm 2022Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho người hưởng tháng 7&8/2021

Nhận lương hưu qua tài khoản

Tiện lợi & an toàn

Nghỉ hưu từ tháng 6/2020, ông  Lê Văn Ánh ở phường An Cựu (TP. Huế) đã quen với việc dùng thẻ ATM để rút tiền lương hưu khi cần dùng đến. Ông cho biết: “Sau khi nghỉ hưu, tôi ra bưu điện để lĩnh lương. Tuy nhiên, tôi phải chờ đợi lâu mới đến phiên mình. Thế nên, tôi đã chuyển sang dùng thẻ ATM. Mỗi khi điện thoại có tin nhắn báo đã có lương, tôi chỉ cần cầm thẻ ra cây ATM rút lương”.

Hiện nay, việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng được thực hiện bằng 2 hình thức: qua hệ thống bưu điện, phường, xã và qua thẻ ATM. Người hưởng lương hưu, chế độ trợ cấp có quyền lựa chọn phương thức phù hợp. Như chia sẻ của ông Lê Văn Ánh, với phương thức chi trả qua thẻ ATM, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN) hằng tháng không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả đang là sự lựa chọn của nhiều người.

Đối với người lao động (NLĐ) hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp, phương thức chi trả không dùng tiền mặt còn góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho NLĐ... Phương thức chi trả này cũng bảo đảm người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định. Còn với cơ quan chi trả, vẫn bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu trữ, tránh được sai sót, giảm bớt áp lực, thời gian trong tổ chức chi trả và các bước trung gian qua chủ sử dụng lao động.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn và giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Tư (62 tuổi, cán bộ hưu trí phường Phú Hội, TP. Huế) nói: “Những lúc dịch bệnh như thế này tôi mới thấy việc nhận lương qua thẻ ATM là an toàn, thuận tiện. Với công nghệ hiện đại, tôi chỉ cần ngồi nhà vẫn có thể kiểm soát được số tiền, chuyển khoản, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn... thông qua ngân hàng trực tuyến hoặc điện thoại di động”.

Khuyến khích mở tài khoản

Không phải ai cũng có suy nghĩ như ông Tư. Ông Đào Ngọc Minh, cán bộ hưu trí phường Xuân Phú (TP. Huế) cho rằng: “Tôi lựa chọn hình thức lên phường lĩnh tiền lương hưu vì đi lại gần. Tôi không thành thạo các thao tác rút tiền nên việc lựa chọn hình thức lên phường lĩnh lương hưu đối với tôi có nhiều ưu điểm, thuận lợi hơn. Tôi vẫn thích lãnh lương hưu ở phường để gặp bạn bè trò chuyện”.

Triển khai từ năm 2018 nhưng đến nay toàn tỉnh mới có 11.730 cán bộ nghỉ hưu tham gia nhận lương qua thẻ ATM, chiếm tỷ lệ 37%. Bên cạnh thói quen và gặp khó khăn trong thao tác rút tiền như trường hợp của ông Minh còn có lý do là… thiếu cây ATM (máy rút tiền tự động), hoặc có cây ATM nhưng ở xa, đi lại bất tiện. Toàn huyện Nam Đông mới chỉ có 7 xã có cây ATM. Còn ở huyện A Lưới, theo ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc BHXH huyện, toàn huyện vùng cao này có 1.200 cán bộ hưu trí, nhưng chỉ có khoảng trên 300 người nhận lương hưu qua thẻ. A Lưới đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động, nhưng do số lượng cây ATM trên địa bàn quá ít nên người dân vẫn chưa mặn mà.

Khuyến khích nhận lương hưu và trợ cấp BHXH, BHTN qua tài khoản thẻ ATM, cơ quan BHXH hỗ trợ người hưởng chi phí mở tài khoản cá nhân lần đầu và chi phí chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người hưởng (nếu có). BHXH Việt Nam cũng đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hệ thống ngân hàng có cơ chế ưu đãi cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN nhận tiền qua tài khoản cá nhân; mở rộng hệ thống cây ATM, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa; cung cấp đủ lượng tiền; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy ATM. Theo quy định, từ năm 2021, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải chi trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương cho NLĐ nếu người sử dụng lao động trả lương cho NLĐ qua tài khoản cá nhân của NLĐ mở tại ngân hàng.

Ở Thừa Thiên Huế, BHXH tỉnh phối hợp ngành Bưu điện tăng cường vận động người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng từ hình thức nhận tiền mặt sang nhận qua tài khoản, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại được tiếp cận tại các điểm chi trả để người hưởng mở tài khoản ATM. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền tính ưu việt của nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có việc bảo đảm an toàn cho người hưởng khi xảy ra các sự cố bất khả kháng liên quan đến dịch COVID-19.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN:
“Của để dành” cho mai sau

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, là “của để dành” khi hết tuổi lao động.

“Của để dành” cho mai sau
Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh

Toàn tỉnh có hơn 33 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được chi trả lương hưu hàng tháng, chỉ chiếm xấp xỉ 24% tổng số người cao tuổi (NCT) trên địa bàn, số còn lại phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có nguồn thu nhập ổn định.

Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh
Thái Lan trước "quả bom hẹn giờ" già hóa dân số

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thái Lan là một trong những xã hội già hóa nhanh nhất thế giới, nhưng dường như nền kinh tế nước này chưa chuẩn bị tốt để đối phó với cuộc khủng hoảng dân số già.

Thái Lan trước quả bom hẹn giờ già hóa dân số
Return to top