ClockThứ Bảy, 25/11/2023 06:53

Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 2: “Ươm mầm” ở miền biên

TTH - Nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, tạo nguồn nhân lực, tri thức trong tương lai cho địa phương; “ươm mầm” và bồi đắp tâm huyết, tình cảm, kiến thức, để con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thế hệ trẻ nơi đây trở thành đội ngũ cán bộ tiếp nối, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh tập trung đẩy mạnh, bước đầu “đơm hoa kết trái”.

Dấu ấn người lính nơi biên cương - Kỳ 1: Biên giới vững, nhà nhà chắc

 Động viên, khích lệ học trò trên dải đất biên giới vượt khó vươn lên

Những chương trình, mô hình “nặng ký”

Trong lễ tuyên dương học sinh danh dự toàn trường năm 2022 - 2023, diễn ra tại di tích lịch sử Di Luân Đường, Quốc Tử Giám đối với 386 học sinh trên toàn tỉnh đạt thành tích học tập rèn luyện xuất sắc (cấp tiểu học, THCS và THPT), vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, có một học sinh “đặc biệt” - con nuôi của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân. Đó là em Lê Thanh Tùng, lớp 7/1, Trường THCS & THPT Hồng Vân (A Lưới). Nhà Tùng thuộc diện hộ nghèo, mẹ hưởng chế độ tàn tật, bố thường xuyên đau ốm, thiếu thốn, khó khăn mọi bề.

Cuộc sống của cậu học trò người dân tộc Pa Cô thay đổi hẳn kể từ ngày được Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân nhận làm con nuôi. Những năm qua, Tùng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi; đạt giải học sinh giỏi môn Toán cấp huyện. Lê Thanh Trường (anh trai ruột của Tùng), hiện là học sinh lớp 11 Trường THCS &THPT Hồng Vân, cũng được “nâng bước đến trường”, đã nỗ lực đạt thành tích đáng nể bằng các giải thưởng trong những cuộc thi nghiên cứu khoa học; nhiều năm là học sinh danh dự toàn trường; năm 2022 đạt giải thưởng Vừ A Dính.

Căn nhà nhỏ đơn sơ trên triền đồi xã biên giới Trung Sơn không còn chênh vênh, khi có “điểm tựa” vững chãi là Đồn BPCK Hồng Vân. Thiếu tá QNCN Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã Trung Sơn và nhiều cán bộ trong đơn vị thường xuyên đến nhà, trực tiếp đồng hành, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Bố, mẹ của Tùng, Trường xúc động nghẹn lời, khi bộc bạch cảm ơn tự đáy lòng đối với lực lượng BĐBP, đã chắp cánh, để những đứa trẻ nghèo DTTS nơi dải đất biên giới, có thể biến ước mơ thành hiện thực, thay đổi cuộc sống của bản thân.

 Trao quà cho học sinh A Lưới dịp “Tháng Ba biên giới”

Cả Trường và Tùng đều nói rằng, mục tiêu của các em là thi vào Học viện Biên phòng, để sau này trở thành người lính biên phòng, tiếp nối bước chân của các chú, trên bản làng biên giới thân thuộc. Em Hồ Văn Nhềm (dân tộc Pa Cô) học sinh lớp 11 Trường THCS &THPT Hồng Vân, được BĐBP “nâng bước”, nhiều năm liền là học sinh giỏi, bày tỏ quyết tâm thi vào ngành y, để có thể giúp bà con bản làng chữa bệnh, nâng cao sức khỏe.

Theo Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh, cùng các cấp, các ngành nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, tạo nguồn nhân lực, tri thức trong tương lai cho địa phương; “ươm mầm” và bồi đắp tâm huyết, tình cảm, kiến thức, để con em đồng bào DTTS, thế hệ trẻ nơi đây trở thành đội ngũ cán bộ tiếp nối, xây dựng quê hương, biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đó là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà BĐBP tỉnh đã, đang tập trung đẩy mạnh. Trong đó, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng” là chủ trương lớn của Bộ Tư lệnh BĐBP, những chương trình, mô hình “nặng ký”.

Giai đoạn 2016 - 2021, có 75 học sinh ở khu vực biên giới hoàn cảnh mồ côi hoặc cha mẹ đau ốm tàn tật, đặc biệt khó khăn được BĐBP “nâng bước”, trong đó 9 em xuất sắc, được tuyên dương tại hội nghị trực tuyến tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu trên toàn quốc trong chương trình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn biên phòng” giai đoạn 2016 - 2021. Hầu hết các em còn lại đều chuyển biến tốt trong học tập, rèn luyện.

Từ hiệu quả đạt được, chương trình, mô hình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng” (chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP, nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ biên phòng đóng góp; vận động xã hội hóa) được Bộ Quốc phòng mở rộng, nâng lên dự án “Cán bộ chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường”. Theo Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, đây là thành công của chương trình, tạo cơ hội cho nhiều học sinh nghèo khu vực biên giới có điều kiện học tập, vươn lên. Năm 2023, gần 200 học sinh được “nâng bước đến trường” với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng (từ các nguồn của Bộ Quốc phòng, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đóng góp, vận động xã hội hóa), nhân rộng những “mầm xanh” khỏe mạnh trên biên giới.

“Ươm mầm lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp”  

Vẫn biết rằng con nuôi đồn biên phòng được đơn vị lo đủ đầy mọi mặt, nhưng đến hôm theo chân Thượng tá Trần Văn Tuyển (lúc đó là Chính trị viên Đồn BPCK Hồng Vân, nay đã nghỉ hưu) và Thượng úy Phạm Thái Sơn, (lúc đó là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, nay đã chuyển công tác) dẫn Lê Thanh Tùng đến chợ A Lưới sắm sửa áo quần, những vật dụng thiết yếu trước thềm năm học 2023 - 2024, mới thấm thía sự chăm sóc, lo toan từ tấm lòng những người cha.

Len lách giữa những quầy hàng, Thượng tá Trần Văn Tuyển ngồi hẳn xuống, cẩn thận giúp Tùng cài khuy đôi dép quai hậu, cài hàng cúc chiếc áo sơ mi trắng mặc thử, nhẫn nại cùng con trai nhỏ, chọn được vừa vặn mới thôi. Sau chừng hơn tiếng đồng hồ “lội chợ”, Tùng đã được sắm sửa chu đáo từ chiếc bàn chải đánh răng, giày dép, quần áo đồng phục, áo ấm, áo mưa đến cặp sách, vở và những đồ dùng khác. Lúc nhận chiếc máy vi tính xách tay mới tinh để phục vụ việc học tập tốt hơn, cùng lời dặn dò ân cần, gương mặt, ánh mắt đứa con nuôi đồn biên phòng ngập tràn xúc động, cũng như một “cam kết” nỗ lực hết mình.

Tôi nhớ, cũng cung bậc cảm xúc ấy trên gương mặt cháu Cao Thị Anh Thi (mồ côi bố, được Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đỡ đầu), trong giây phút gặp mặt với người bố biên phòng tại hội nghị trực tuyến tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu trên toàn quốc trong chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” giai đoạn 2016 - 2021.

Lúc đó, Thi bày tỏ xúc động khi được nhận ấm áp tình cha, từ các cuộc điện thoại hỏi han tình hình cuộc sống, học tập, động viên cố gắng. Mỗi chuyến công tác địa bàn, Đại tá Nguyễn Xuân Hòa sắp xếp thời gian, trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi; đến trường nắm tình hình học hành của cháu. Người bố biên phòng cũng đã có lần đến dự khai giảng; tấm hình chụp cùng cháu Thi dịp ý nghĩa đó, Đại tá Nguyễn Xuân Hòa luôn đặt trên bàn, trong phòng làm việc tại Bộ Chỉ huy, để luôn tự nhắc nhở bản thân thực hiện tốt. Đồng thời, trên cương vị, vai trò người chỉ huy, đứng đầu, tiếp tục triển khai, đôn đốc cán bộ, chiến sĩ và các đơn vị trong lực lượng BĐBP tỉnh, luôn phải là “điểm tựa” để các cháu vững vàng trên con đường học tập, rèn luyện, trưởng thành; thực hiện hiệu quả việc “ươm mầm”, chăm sóc, “vun trồng” thật tốt thế hệ tương lai nơi dải đất tiền tiêu Tổ quốc.

“Người dân biên giới nói chung, các cháu có tình cảm, yêu mến BĐBP, hiểu nhiều hơn nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, từ đó hình thành và phát triển tình yêu quê hương, đất nước. Nhiều cháu có nguyện vọng sau này trở thành BĐBP (năm qua, em Hồ Minh Quân ở thôn Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, A Lưới, cựu học sinh Trường THCS & THPT Hồng Vân, được BĐBP đồng hành, đã được kết nạp đảng và thi đỗ, hiện là học viên Trường Sĩ quan Chính trị). Đây chính là sự “ươm mầm lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp” cho tương lai” - Đại tá Phạm Tùng Lâm nói. Đồng thời chia sẻ thêm: Sau 7 năm triển khai thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” trong lực lượng BĐBP tỉnh, bước đầu đem lại hiệu quả nhiều mặt. Đó là nhận được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân. Tăng cường mối đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc, tôn giáo; giúp đỡ nhiều hộ gia đình nghèo, khó khăn trong cuộc sống có điều kiện cho con em họ đi học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển giáo dục ở khu vực biên giới.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nói rằng: “Tôi đánh giá cao những chương trình, mô hình nhân văn và hiệu quả mà BĐBP tỉnh đã thực hiện bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm đối với thế hệ tương lai ở khu vực biên giới. Đặc biệt, BĐBP tỉnh còn đỡ đầu, “nâng bước” cho nhiều học sinh các bản Lào dọc biên giới. Thông qua việc đỡ đầu các cháu, sự phối hợp giữa các đồn biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình các cháu càng thêm gắn bó chặt chẽ; tạo cơ sở tăng cường tình đoàn kết máu thịt quân dân; tăng cường mối quan hệ giữa BĐBP với lực lượng bảo vệ biên giới và tình cảm hữu nghị giữa chính quyền, Nhân dân khu vực biên giới nước ta với nước bạn Lào”.

Tính từ khi triển khai chương trình đến nay cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh tự nguyện đóng góp gần 3,5 tỷ đồng để giúp đỡ các cháu; kết nối vận động các mạnh thường quân trị giá khoảng 500 triệu đồng mua đồ dùng học tập; xây dựng thêm phòng học cho 2 trường ở khu vực biên giới tổng trị giá gần 3,2 tỷ đồng.


Bài, ảnh: QUỲNH ANH - HÀ LÊ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á ghi dấu văn hóa trên ẩm thực thế giới

Hãy tưởng tượng bạn bước vào cửa hàng tạp hóa địa phương và tìm thấy một món ăn nhẹ không chỉ thỏa mãn cơn thèm ăn, mà còn được thưởng thức món ăn thể hiện di sản văn hóa và hương vị địa phương. Hãy nghĩ đến khoai tây chiên vị phở Việt Nam hoặc đồ ăn nhẹ vị dưa chuột ở Trung Quốc, nơi người ta tin rằng đặc tính làm mát của loại củ quả này có thể chống lại sự nóng bức, khái niệm về ẩm thực tốt cho sức khỏe nổi tiếng trong truyền thống của Trung Quốc.

Châu Á ghi dấu văn hóa trên ẩm thực thế giới
Nơi tôi luyện bao người lính kiên cường

Cùng dầm mưa dãi nắng, “uống gió nằm sương” với chiến sĩ mới trên thao trường, cán bộ Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã huấn luyện bao thế hệ người lính biên phòng can trường trên mọi nẻo đường biên giới.

Nơi tôi luyện bao người lính kiên cường
Dấu ấn “xanh” trong doanh nghiệp

Chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh xanh, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên “đường đua” thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Dấu ấn “xanh” trong doanh nghiệp
Mỗi cổ vật là một câu chuyện

200 hiện vật, cổ vật, đồ gốm sứ không chỉ gắn liền với đời sống tâm linh Phật giáo, mà còn là những di sản văn hóa vô cùng có giá trị đang được giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.

Mỗi cổ vật là một câu chuyện
Những dấu ấn hoạt động cách mạng ở chợ Đông Ba

Chợ Đông Ba vừa tổ chức kỷ niệm 125 năm ngày xây dựng và phát triển (1899 – 2024). Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, những tiểu thương ưu tú của chợ Đông Ba đã tham gia cách mạng, một lòng theo Đảng đấu tranh, kiên cường kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Trong tiến trình đó, những ngày đầu cách mạng ở chợ Đông Ba đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đóng góp chung cho sự lớn mạnh của Thành ủy Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Những dấu ấn hoạt động cách mạng ở chợ Đông Ba

TIN MỚI

Return to top