ClockThứ Ba, 24/01/2017 06:38

Đón Tết với đồng bào vùng biên

TTH - Xuân về trên các bản làng biên giới A Lưới là sự quây quần đầm ấm và những câu chuyện cảm động về người lính biên phòng. Năm nào cũng vậy, các anh đã gác lại nỗi nhớ, niềm thương với gia đình, người thân, ở lại với đồng bào vui Tết, đón xuân, tô thắm thêm tình quân - dân.

Đang loay hoay hỏi đường thì bỗng nghe tiếng gọi quen thuộc từ đằng sau: “Đi mô ri? Mang quà Tết lên vùng biên giới à?”. Giọng nói quen thuộc ấy là của Thiếu tá Nguyễn Duy Từ, cán bộ Đồn Biên phòng Hương Nguyên. Lúc này, anh đang cùng với một số chiến sĩ ngược lên các bản làng biên giới để làm nhiệm vụ và ở lại cùng ăn Tết với bà con...

Đón Tết với đồng bào nơi biên giới    

Từ trung tâm xã Hương Lâm, theo tuyến đường Hồ Chí Minh đến xã A Roàng, chúng tôi bắt gặp những thiếu nữ Tà Ôi, Ka Tu…đang nghiêng mình bên dòng suối nhỏ chùi rửa những vật dụng trong gia đình. Trong những ngôi nhà sàn, các chị, các mẹ tất bật chuẩn bị gạo nếp, lá rừng để gói các loại bánh truyền thống của đồng bào. Cánh thanh niên trai tráng cùng già làng quây tròn bên bếp lửa bàn chuyện đón Tết.

Già làng Quỳnh Nhan ở thôn Ka Lô, xã A Roàng mời chúng tôi lên nhà sàn, nơi nhiều người đang họp chuyện bên ánh lửa bập bùng. Già  Quỳnh Nhan tự hào: “Đời sống bây giờ khá hơn nên con cháu tụ tập về đây bàn bạc chuẩn bị cho ngày Tết. Thật ra, Tết là nét văn hóa của người miền xuôi (dân tộc Kinh), nhưng quá trình chung sống gần gũi với nhau, người Tà Ôi đã học hỏi được nhiều cái hay, cái đẹp của người miền xuôi, đặc biệt là văn hóa đón Tết cổ truyền”.

Câu chuyện ngày Tết từ lúc có khách trở nên sôi nổi. Già Quỳnh Nhan cho biết, khoảng 10 năm về trước, người Tà Ôi, Ka Tu… trên dãy Trường Sơn chỉ ăn Tết vào những ngày thu hoạch vụ mùa. Đó là Tết truyền thống của đồng bào. Sau này, bà con cũng ăn Tết như người Kinh và tổ chức nó như những lễ lớn trong năm. Tết này của bà con cũng có đủ đầy bánh chưng, thịt gà, heo, dê... “Năm nay, người dân A Roàng ăn Tết to hơn, vui hơn mọi năm. Nhờ công lao của bộ đội biên phòng mà bản làng được yên vui. Bộ đội giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, xã hội...” – già Quỳnh Nhan chia sẻ.

Mùa xuân này nhiều gia đình đồng bào dân tộc ở A Roàng đỡ vất vả hơn. Gần một năm nay, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Nguyên khởi xướng mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, rừng) và sát cánh cùng với bà con từ lúc vỡ đất, phát rừng cho đến ngày thu hoạch. Nhiều hộ đã có thêm thu nhập gần 30 triệu đồng nhờ mô hình kinh tế này. Các mô hình trang trại VACR đang phát triển khắp vùng biên giới A Roàng. Những nhát cuốc đầu tiên trên mảnh đất khô cằn này đã pha lẫn mồ hôi của cán bộ chiến sĩ biên phòng.

Hộ gia đình già làng Quỳnh Cát ở thôn A Chi bây giờ đã “chia tay” với đói nghèo. Từ bỏ phương thức sản xuất du canh, du cư, sống dựa vào núi rừng, già làng Quỳnh Cát nghe theo bộ đội quyết tâm mở hướng làm ăn mới, phát triển kinh tế dựa trên những điều kiện thuận lợi của vùng miền núi. Rừng tràm dần phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc trước đây. Vườn ao cá, số lượng gia súc, gia cầm trong chuồng đã tăng lên đáng kể. Hàng ngày, già làng Quỳnh Cát vẫn cùng bộ đội biên phòng biến vùng đất hoang hóa thành những mô hình sản xuất. Hướng phát triển kinh tế hàng hóa của hộ gia đình này đã thôi thúc cả bản làng biên giới quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, mang đến cái Tết thật sự đầm ấm.

Bám trụ tuyến biên giới, giữ bình yên cho bản làng

Thiếu tá Nguyễn Duy Từ bồi hồi tâm sự: Những ngày đầu vận động đồng bào, các đội công tác biên phòng tỏa xuống các làng, bản cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Ngay cả những ngày Tết cũng vậy, chúng tôi luôn nằm lòng câu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Thế nên, Tết này mình lại có thêm một cái Tết xa nhà nữa…”.

Xa gia đình, xa vợ con, hy sinh tình cảm là chuyện thường ngày của cán bộ, chiến sĩ biên phòng để bảo vệ niềm vui, hạnh phúc cho Nhân dân. Và, Thiếu tá Từ là một trường hợp như thế. Sự cảm thông sâu sắc của người vợ hiền ở tận Nam Định trong cái Tết năm nay là ngọn lửa sưởi ấm và giúp anh thêm nghị lực để vượt qua thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khó có thể kể hết những vất vả, sự hy sinh của người lính biên phòng cho biên giới bình yên và biên cương giàu đẹp. Các anh thật sự đã trở thành những người con của bản, là chỗ dựa tin cậy của người dân nơi biên giới.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô
Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

Tại bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có một người đặc biệt luôn lặng lẽ, tận tụy giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Đó là ông Pơloong Chướch, một nghệ nhân cao tuổi đã dành cả cuộc đời để gắn bó với nghề đan lát.

Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

TIN MỚI

Danh mục hộp quà tặng doanh nghiệp nhập khẩu
Return to top