ClockChủ Nhật, 10/03/2024 12:32
XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:

Các tiêu chí cơ bản đáp ứng đầy đủ

TTH - Nội dung này đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, khi trao đổi về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh.

Đôi điều về thành phố Huế trực thuộc Trung ương trong tương lai với các đơn vị hành chính dự kiến Lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ươngTP. Huế sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh

Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương (Đề án) nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực và cả nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân địa phương. Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang tổ chức việc lấy ý kiến cử tri về Đề án và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm đảm bảo quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri, đồng thời tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền và Nhân dân.

Ông Hoàng Hải Minh cho biết: Ngày 26/1/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính (ĐGHC) tỉnh.

Theo đó, nội dung chính được đề nghị cử tri cho ý kiến gồm: Thành lập và tên gọi của thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở ĐGHC tỉnh Thừa Thiên Huế; Chia thành phố Huế hiện hữu để thành lập 2 quận: quận Phú Xuân (quận phía bắc) và quận Thuận Hóa (quận phía nam); thành lập quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở nguyên trạng ĐGHC huyện Phong Điền thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương; thành lập huyện Phú Lộc trên cơ sở nhập nguyên trạng ĐGHC huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương; sắp xếp, thành lập các phường, xã thuộc thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thành lập thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc.

Tùy vào từng địa phương chịu tác động của Đề án mà nội dung lấy ý kiến của cử tri sẽ khác nhau. Việc lấy ý kiến cử tri phải tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo quyền của cử tri, phải bình đẳng, dân chủ trong việc cho ý kiến.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về Đề án chia thành phố Huế hiện hữu thành 2 quận phía bắc và phía nam, cũng như định hướng phát triển trong tương lai đối với 2 quận này là như thế nào?

Về phương án thành lập các quận thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương, theo đó, sẽ chia thành phố Huế hiện hữu thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế thành 2 quận: quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa như sau:

Quận Phú Xuân có diện tích tự nhiên là 127km2, gồm có 13 phường với quy mô dân số khoảng 229.469 người. Trong đó, đã có nhập phường Hương Hồ và xã Hương Thọ thành phường Long Hồ.

Việc lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được tiến hành từ ngày 26/2, tổng hợp, báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trước ngày 7/3/2024. Việc lấy ý kiến cử tri sẽ hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra tạo sự đồng thuận trong xã hội và người dân trong việc thực hiện Đề án góp phần sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Quận Thuận Hóa có diện tích tự nhiên là 139,41km2, gồm 19 phường, quy mô dân số khoảng 313.800 người. Trong đó, có thành lập phường Hương Phong trên cơ sở xã Hương Phong, thành lập phường Thủy Bằng trên cơ sở xã Thủy Bằng, thành lập phường Thuận An trên cơ sở nhập nguyên trạng ĐGHC phường Thuận An và xã Hải Dương, thành lập phường Dương Nỗ trên cơ sở nhập nguyên trạng ĐGHC xã Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương.

Định hướng phát triển trong tương lai đối với quận Phú Xuân (phía bắc) với tính chất là trung tâm di sản văn hóa thế giới quần thể di tích Cố đô Huế. Trung tâm tổ chức Festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế và là khu vực đô thị hiện hữu mở rộng gắn với hoạt động văn hóa, kinh tế, dịch vụ và du lịch.

Mục tiêu đầu tư nhằm cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, duy trì mô hình và kiến trúc nhà ở truyền thống. Bổ sung, nâng cấp, cải tạo công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Phát triển hệ thống nhà hát phục vụ phát triển nghệ thuật ca kịch Huế, nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Ưu tiên chỉnh trang cảnh quan các tuyến phố, hệ thống sông hồ, các khu vực không gian mở để tăng cường hoạt động ngoài trời và không gian cho hoạt động văn hóa lễ hội.

Khu vực phát triển mới tại An Hòa, Hương Vinh, Hương Sơ được định hướng nhà ở thấp tầng, giữ không gian xanh và mặt nước. Khu vực Hương Long, Kim Long định hướng là đô thị mới với trung tâm hành chính quận và khu vực Hương Hồ, Hương An được đô thị hóa, bổ sung các chức năng du lịch ven sông Hương, phát triển cụm công nghiệp Hương An, khu công viên nghiên cứu khoa học công nghệ...

Đối với quận Thuận Hóa (phía nam) có tính chất là trung tâm hành chính - chính trị toàn đô thị, đẩy mạnh phát triển đô thị mới. Trung tâm văn hóa, di sản, dịch vụ, du lịch, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ cấp quốc gia và quốc tế.

Mục tiêu đầu tư xây dựng, hoàn thiện trung tâm hành chính - chính trị cấp đô thị. Cải tạo nâng cấp Khu đại học Huế theo mô hình Đại học Quốc gia. Bệnh viện Trung ương Huế đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nâng cấp các công trình thiết chế văn hóa, thể thao và chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, bổ sung dịch vụ công cộng, tiện ích, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Sẽ hoàn thiện khu vực phát triển Khu đô thị mới An Vân Dương. Bố trí các công trình công cộng, thương mại dọc tuyến đường chính, trung tâm y tế đa khoa, chuyên khoa và y tế dự phòng cấp vùng. Hoàn thiện làng Đại học Huế, Công viên công nghệ Huế. Xây dựng Cụm công nghiệp Thủy Bằng, phường Thủy Bằng và phát triển hạ tầng phục vụ du lịch biển tại Thuận An, Hải Dương, hình thành thêm các khu vực nghỉ dưỡng, dịch vụ theo đầm phá và cảnh quan sông Hương…

Tỉnh đã có những định hướng rất cụ thể cho quận phía bắc và phía nam trong tương lai. Sau khi có kết quả lấy ý kiến cử tri, bước tiếp theo sẽ là gì, thưa ông?

Sau khi có kết quả lấy ý kiến cử tri, nếu đảm bảo theo quy định sẽ tiến hành họp HĐND các cấp, đồng thời báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri và công khai kết quả lấy ý kiến cử tri trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Sau đó, tỉnh sẽ hoàn thiện Đề án, trình các cấp có thẩm quyền.

Người dân rất kỳ vọng Đề án sẽ được Trung ương thông qua. Tỉnh sẽ triển khai những giải pháp nào để sớm hoàn thiện Đề án và dự kiến lúc nào Đề án được trình Trung ương?

Việc triển khai hoàn thiện Đề án phải đảm bảo đúng theo quy định của luật, UBND tỉnh luôn bám sát các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhất là các chỉ tiêu, tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết quan trọng khác của Bộ Chính trị, Quốc hội.

Hiện nay, đã cơ bản hoàn thiện việc xây dựng Đề án, các tiêu chí đối với thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản đáp ứng đầy đủ. Tỉnh đã và đang tập trung hoàn thiện Đề án, đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Đề án công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I. Các báo cáo rà soát cơ sở hạ tầng dự kiến thành lập quận, phường để trình Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ. Sau khi hoàn thành và được công nhận, Đề án sẽ trình Chính phủ vào tháng 4/2024.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Nguyên (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
“Năng lượng” mới

Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị chung Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065. Đây được xem là dấu mốc trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế khởi đầu một giai đoạn phát triển bền vững với chiến lược đánh thức nguồn “năng lượng” mới.

“Năng lượng” mới
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top