Ông Hà Văn Tuấn
Thưa ông, vì sao có hồ sơ tồn đọng? Công tác giải quyết hồ sơ người có công (NCC) tồn đọng thời gian qua được triển khai như thế nào?
Hồ sơ tồn đọng là hồ sơ được lập trước ngày 1/7/2013 đang tồn đọng ở nhân dân, các cơ quan có thẩm quyền và chưa được công nhận, xác nhận. Trước đây, theo quy định phải có 2 nhân chứng xác nhận nhưng gia đình, thân nhân không tìm đủ nhân chứng hoặc giấy tờ không đầy đủ theo quy định. Nếu Bộ LĐ-TB&XH không có hướng dẫn mới thì các địa phương không thể giải quyết vì những hồ sơ này không đáp ứng đủ tiêu chuẩn cần có theo quy định để được công nhận NCC.
Ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định 408, ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng để giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với hồ sơ đã lập trước 1/7/2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm, nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Qua 2 đợt rà soát, toàn tỉnh có 69 hồ sơ NCC tồn đọng. Trước khi Quyết định 408 (QĐ) ra đời, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai thí điểm việc giải quyết hồ sơ tồn đọng tại một số tỉnh, trong đó có Thừa Thiên Huế. Theo đó, tỉnh đã triển khai rà soát, hoàn thiện, trình hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ và đã giải quyết được 12 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ. Khi QĐ 408 ra đời, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục trình đợt 2 gồm 12 hồ sơ, đợt 3 gồm 4 hồ sơ và đã được Bộ LĐ-TB&XH thẩm định, công nhận, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công 13 trường hợp. Để có cơ sở đề nghị UBND tỉnh ban hành kế hoạch giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai rà soát. Qua rà soát, hiện nay toàn tỉnh có 55 hồ sơ, trong đó 10 hồ sơ được chuyển cho các đơn vị thuộc thẩm quyền giải quyết, như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, ngành Bưu điện; 45 hồ sơ còn lại thuộc ngành LĐ-TB&XH giải quyết.
Để giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng này trong năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 65 ngày 27/3/2018 về giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, hiện nay các cấp, các ngành đang tích cực triển khai và hy vọng sẽ về đích như dự kiến.
Quyết định 408 giúp tháo gỡ việc giải quyết hồ sơ tồn đọng như thế nào?
QĐ 408 giúp các địa phương, trong đó có Thừa Thiên Huế giải quyết, tháo gỡ những khó khăn từ trước đến nay. Chẳng hạn, những hồ sơ thiếu 1 nhân chứng cùng đơn vị thì được mở rộng lấy ý kiến của những người biết sự kiện đó, biết đối tượng có tham gia cách mạng. Hồ sơ thiếu các loại giấy tờ cũng có những cách vận dụng bổ sung linh hoạt hơn. QĐ 408 ra đời đã giúp tỉnh giải quyết được 21 trường hợp hy sinh thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ.
Để giải quyết vấn đề thiếu nhân chứng, mất giấy tờ, quy trình được thực hiện chặt chẽ. Sau khi điều tra, xác minh sẽ tổ chức họp dân, lấy ý kiến của tổ dân cư nơi cư trú, nơi diễn ra sự kiện, trong đó có các đồng chí lão thành cách mạng, người cao tuổi, người tham gia hoạt động cách mạng cùng thời kỳ biết sự kiện đó. Sau đó thông báo niêm yết tại trụ sở UBND xã, thông báo rộng rãi trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, trên báo, đài truyền thanh của tỉnh để lấy ý kiến của Nhân dân. Nếu không có ý kiến gì, hồ sơ được chuyển ra Bộ LĐ-TB&XH xem xét, thẩm định và trình lên Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công.
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu trao danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng cho đại diện thân nhân các Mẹ. Ảnh: Võ Nhân
Quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng có những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
Phần lớn hồ sơ tồn đọng là các đối tượng hoạt động cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ, thủ tục không đầy đủ, không đủ nhân chứng theo quy định. Đã quá lâu nên nhân chứng không còn, ngay cả việc tìm những người biết sự kiện đó cũng rất khó. Những người làm công tác giải quyết hồ sơ NCC phải tìm đọc các sự kiện lịch sử liên quan, tìm nhân chứng qua nhiều nguồn, cố gắng hết sức để những người có cống hiến cho cách mạng không bị thiệt thòi.
Kế hoạch của UBND tỉnh là giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng trong năm nay, vậy Sở LĐ-TB&XH có giải pháp gì để thực hiện?
Sở LĐ-TB&XH đang đôn đốc các huyện, thị xã và TP. Huế khẩn trương rà soát, tổng hợp hồ sơ, nêu rõ vướng mắc, lý do tồn đọng của từng hồ sơ để chuyển lên Sở. Sau đó, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, phân loại kỹ hồ sơ. Hồ sơ nào đối tượng quy định theo QĐ 408 có thể hoàn thiện thủ tục đề nghị công nhận sẽ giải quyết theo hướng dẫn quy trình tại QĐ 408; hồ sơ còn vướng mắc theo quy định QĐ 408 sẽ có văn bản xin ý kiến Bộ LĐ-TB&XH. Hồ sơ nào không thuộc đối tượng theo QĐ 408 thì có văn bản thông báo với thân nhân để họ không mất thời gian, công sức đi lại nhiều lần. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2018 giải quyết dứt điểm tất cả các hồ sơ tồn đọng nói trên.
Nôn nóng giải quyết dứt điểm hồ sơ còn tồn đọng để những NCC không bị thiệt thòi, nhưng phải đảm bảo chính xác, đúng đối tượng?
Chúng tôi nóng lòng làm nhanh nhưng phải đúng pháp luật và phải thận trọng. Để bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, không để “lọt” hồ sơ, các cơ quan phải kiểm tra kỹ hồ sơ, coi trọng ý kiến của cán bộ lão thành cách mạng, những người đã tham gia kháng chiến, các cụ cao tuổi, những người dân hiểu biết về trường hợp hy sinh hoặc bị thương của người được đưa ra xem xét. Việc công khai ở cấp xã và cấp tỉnh cũng được tiến hành nghiêm túc.
Để không sai sót, một trong những nguyên tắc lớn nhất phải tuân thủ là tổ chức họp lấy ý kiến Nhân dân từ cấp thôn, tổ dân phố; công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, ở địa phương nơi người được đưa ra xem xét từng hoạt động cách mạng.
Xin cảm ơn ông!
Minh Hiền (thực hiện)