Hành vi sai trái
Nguyễn Viết Toại (trú tại tỉnh Kon Tum), Phan Văn Chung (trú tại tỉnh Gia Lai), Dương Văn Viên, Lê Mạnh Tuân, Lại Văn Mạnh (đều trú tại tỉnh Ninh Bình) làm công nhân thi công công trình cầu Hương Hòa (thuộc xã Hương Hòa, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ngày 13/10/ 2015, do trời mưa nên nhóm nói trên cùng hai công nhân khác là Lê Văn Duẫn, Lưu Đình Vinh nghỉ việc không ra công trường. Trưa hôm đó, Toại, Chung, Tuân uống rượu tại lán của công trường. Kết thúc cuộc nhậu, Toại và Chung đi nhậu tiếp. Cả hai đến quán nhậu nơi có chị S. (bạn gái Toại) đang phụ bán, cùng chị S uống bia. Sau đó Toại đến quán karaoke trước. Chung về lán chở Tuân. Chị S. đi xe đạp đến. Cả nhóm cùng hát karaoke. Trong lúc cùng đi hát với nhóm Toại, chị S nhận điện thoại của anh V. (đang có vợ con nhưng có quan hệ yêu đương với chị S.) muốn gặp. Chị S. trả lời lúc khác gặp và sau đó không nghe những cuộc gọi đến của anh V. nữa.
Khoảng 22 giờ 30 phút, cả “hội” nghỉ hát. Chung chở Tuân về lán trước. Toại chở chị S. (bằng xe đạp) về sau. Chị S. biết anh V. bám theo, nhưng không nói cho Toại biết. Khi gần đến lán trại, Toại và chị S. đứng lại nói chuyện thì anh V. đến, rút cây dao giấu sau lưng ra và chỉ vào mặt Toại nói: “Đây là vợ tau có con rồi! Bây hẹn hò chi nữa tau chém chết”. Chị S. nói với Toại: “Anh không liên quan! Chạy đi, về đi”. Toại bỏ chạy về lán.
Tức giận vì bị anh V. đe dọa, Toại kể lại cho Chung, Tuân, Viên, Mạnh, Duẫn và Vinh, đồng thời rủ Chung đi tìm đánh anh V. Chung đồng ý. Chung cầm cây đèn pin soi đường. Toại cầm ống tuýp sắt khi gặp anh V. trên đường, Chung chiếu đèn pin vào anh V. hỏi Toại: “Ai vậy?”. Toại trả lời: “Nó đấy!”. Toại cầm ống tuýt sắt đánh mạnh trúng vào đầu anh V. làm V. gục ngã. Toại, Chung quay về lại lán công trình. Toại nói với Tuân, Viên, Mạnh, Vinh, Duẫn: “Tao đánh chết người rồi! Bây giờ bỏ trốn một thời gian rồi ra đầu thú. Trong lán không ai được nói gì hết. Nếu nói tau giết”. Sau đó, Toại trốn vào Lâm Đồng, ngày 28/10/ 2015, đến Công an tỉnh Lâm Đồng đầu thú.
Ngày xảy ra vụ án, sau khi Toại trốn, Chung chở Vinh quay lại hiện trường, thấy anh V. vẫn nằm bất động. Nghĩ anh V. đã chết, Chung quay lại nói cho Tuân, Viên, Mạnh, Duẫn biết. Đồng nhóm này thống nhất với nhau “Khi Công an có mời lên làm việc thì không ai được khai việc Chung cùng đi với Toại để đánh anh V.”. Sáng ngày 14/10/2015, Duẫn nhận điện thoại của gia đình báo con bị ốm nên đón xe khách về quê (do đó, cáo trạng xác định tuy biết rõ sự việc nhưng không có điều kiện để khai báo nên hành vi của Duẫn không phạm tội). Đối với Vinh, tại thời điểm xảy ra vụ án chưa đủ 16 tuổi nên “thoát” tội “che giấu tội phạm”.
Hậu họa
Vợ anh V. ngồi dán mắt xuống mặt bàn. Cô con gái lớn đã 21 tuổi nhưng gầy ốm nhỏ thó lặng lẽ cạnh mẹ và ông nội (cha của bị hại).
Bên cạnh nỗi đau mất chồng, vợ nạn nhân V. còn phải chịu tổn thương khi “đối diện” với mối quan hệ “ngoài luồng” của chồng và chị S. một “nguyên cớ” dẫn đến vụ án mạng Giá như anh V. một lòng một dạ với gia đình vợ con, không “dính dáng” đến chị S. thì đã không xảy ra chuyện. Người thân của các bị cáo khác lại thở than trách móc con “dại dột” a dua. Công an mời đến hỏi nhiều lần mà vẫn ngoan cố, không chịu nói ra sự thật. Đáng tiếc nhất là Chung, hơi men khiến bị cáo “bốc đồng” mà trở thành đồng phạm giúp sức cho Toại thực hiện hành vi giết người. “Gia đình nào cũng khó khăn nên “chúng nó” mới phải rời quê hương lặn lội đi làm công nhân xa. Cứ hi vọng được nó đỡ đần ai ngờ bây giờ lại làm khổ cha mẹ, vợ con”. Mẹ bị cáo Viên kể, cha Viên bệnh tai biến nằm một chỗ nhiều năm nay. Bà cũng đã lớn tuổi bệnh tật, không đủ sức giữ thằng cháu nội (con của Viên) nên vợ Viên phải gửi con về bên ngoại, tối mắt vì công việc đồng áng, làm thuê nhưng cũng chỉ mắm muối qua ngày. Bây giờ thêm nỗi Viên tù tội. Mẹ bị cáo Mạnh cũng buồn bã: “Trước khi được cho tại ngoại, nó bị tạm giam mấy tháng. Nhà nghèo nên tôi phải vay mượn 10 triệu đồng, 10 lần đi thăm nuôi. Mỗi lần từ Ninh Bình vào Huế đi lại tốn kém lắm nên bới xách chỉ có mì ăn liền và những thứ lặt vặt. Giận thì giận nhưng làm cha làm mẹ sao bỏ con được. Con dại, mà cha mẹ phải chịu khổ”.
Bào chữa cho Toại, luật sư cho rằng, bị cáo thiếu thốn tình cảm từ nhỏ vì cha mẹ ly hôn. Cuộc hôn nhân của Toại cũng đổ vỡ, vợ chồng phải dắt nhau ra tòa đường ai nấy đi. Gặp chị S., một phụ nữ có chung hoàn cảnh, Toại cứ ngỡ sẽ cùng chị S. tạo lập gia đình êm ấm. Nhưng anh V., người đang có vợ con, lại có hành động “phá quấy” nên mới tức giận không kiềm chế được. Tuy nhiên, tòa nhận định, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh. Bị cáo Toại và các bị cáo trong vụ án này (nói riêng) và tất cả những ai có hành vi vi phạm pháp luật đều phải tự gánh chịu trách nhiệm và hậu quả.
Duy Trí