ClockChủ Nhật, 10/12/2023 14:20
BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN:

“Của để dành” cho mai sau

TTH - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, là “của để dành” khi hết tuổi lao động.

Đảm bảo an sinh khi về giàĐối thoại và tư vấn chính sách bảo hiểm đến với hội viên nông dânTự nhận là cán bộ Bảo hiểm xã hội để liên hệ làm việc với doanh nghiệp

 Chi trả lương hưu cho cán bộ hưu trí ở phường Thuận Hòa

Tích lũy để có lương hưu

Sau 19 năm 9 tháng tham gia BHXH bắt buộc, đầu tháng 11/2023 ông Trần Minh Thông, trú tại số 2 Nguyễn Đức Cảnh, phường Xuân Phú, TP. Huế, công tác tại Công ty CP Khoáng sản Thừa Thiên Huế đến bộ phận một cửa BHXH tỉnh để làm thủ tục nhận BHXH một lần. Với mức thu nhập hàng tháng để tính BHXH một lần hơn 4,316 triệu đồng, ông Thông được cơ quan BHXH chi trả BHXH một lần với tổng số tiền hơn 146 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn đối với một người vừa nghỉ việc, lại ở tuổi gần 50 như ông Thông. Song, sau khi nhận số tiền này, khoảng thời gian còn lại ông Thông sẽ mất đi cơ hội nhận lương hưu và có khoản thu nhập ổn định hằng tháng khi về già.

Trái ngược hoàn toàn với trường hợp ông Thông, với mong muốn khi về già có một khoản tiền trang trải cho cuộc sống, vợ chồng anh Nguyễn Văn An và chị Trần Thị Thu - là những lao động tự do ở phường Thủy Xuân, TP. Huế đã chủ động tìm đến BHXH tỉnh để đóng BHXH tự nguyện với mức đóng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Anh An chia sẻ: “Vợ chồng tôi nhận thấy việc tham gia BHXH tự nguyện chính là một hình thức tiết kiệm lâu dài cho bản thân. Chỉ cần dành ra một khoản tiền nhất định để đóng BHXH tự nguyện hằng tháng thì sau này khi về già, chúng tôi cũng sẽ có lương hưu, có thẻ BHYT như cán bộ nhà nước. Khoản lương hưu này sẽ giúp trang trải các sinh hoạt phí hằng ngày, đến khi ốm đau đã có BHYT chi trả, khi mất con cái nhận được tiền tử tuất, mai táng phí, không lo trở thành gánh nặng cho con cái và người thân”.

Tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân tộc thiểu số ở huyện Nam Đông 

Cùng suy nghĩ với vợ chồng anh An, chị Dương Thị Linh, trú tại xã Thượng Lộ (Nam Đông) đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho 2 người con trai, một làm nghề tự do và đứa còn lại bị thiểu năng trí tuệ sau khi tham gia hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH do cơ quan BHXH tỉnh tổ chức. Chị Linh cho rằng, hiện cả 2 vợ chồng là CBCNV nhà nước, dù mức lương không cao nhưng sau này nghỉ hưu sẽ nhận được lương hưu để trang trải gia đình, được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh khi ốm đau. Nhưng nỗi lo lớn nhất là đứa con trai út bị bệnh, sau này 2 vợ chồng trăm tuổi không ai chăm sóc; còn thằng lớn dù khỏe mạnh nhưng làm nghề sửa xe, đến khi hết tuổi lao động cũng sẽ khó khăn nên nếu cả 2 anh em sau này đều có lương hưu, chúng tôi sẽ an lòng.

Niềm vui tuổi già

Định kỳ vào ngày mùng 9 hằng tháng, sau chén trà ấm bên con cháu, ông Nguyễn Hữu Dũng, trú tại phường Thuận Hòa, TP. Huế lại thong thả cuốc bộ đến trụ sở UBND phường để nhận lương hưu cho cả 2 vợ chồng. Niềm vui tuổi già như được nâng lên khi mỗi tháng 2 vợ chồng ông nhận được hơn 8 triệu lương hưu, đủ để trang trải các sinh hoạt phí trong gia đình.

Ông Dũng chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng cùng làm việc ở một nhà máy ở TX. Hương Thủy, đến năm 2010 công ty giải thể phải nghỉ việc. Thời điểm đó, nhiều đồng nghiệp đã làm thủ tục rút BHXH một lần nhận tiền để kinh doanh, buôn bán hoặc chi tiêu trong thời gian không có việc làm. Lúc đó, cả 2 vợ chồng cũng nghĩ đến việc sẽ rút BHXH một lần, may thay có người bạn tư vấn nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện và đã nghe theo. Đến năm 2019 cả 2 vợ chồng đủ thời gian tham gia BHXH nên được nhận lương hưu cho đến nay. Giờ mới thấy ý nghĩa của việc có lương hưu khi người già chủ động về kinh tế, không phụ thuộc vào con cái và đau ốm đã có BHYT chi trả”.

Dưới góc độ tâm lý, khi một người được hưởng lương hưu lúc về già sẽ có cảm giác thoải mái, an tâm vì có thể tự mình trang trải chi phí cuộc sống, không phải phụ thuộc hay trở thành gánh nặng cho gia đình, con cháu. Đối với Nhà nước và xã hội, việc người dân tham gia BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng giúp giảm bớt áp lực, gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội về lâu dài.

Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, như: có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời.

Số lượng tham gia tăng

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, năm 2017 - trước thời điểm Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết 28) ban hành, số người tham gia BHXH tự nguyện thấp, cả nước chỉ có 224 ngàn người tham gia. Từ khi triển khai Nghị quyết 28, số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Nếu như năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 28, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh chỉ có 3.400 người thì đến hết tháng 10/2023, con số này tăng lên 19.000 người, đạt 75,81% so với kế hoạch giao, chiếm tỷ lệ 3,57% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng gấp 5,5 lần so với thời điểm năm 2018). Cùng với đó, hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT và mạng lưới đại lý thu được mở rộng, phủ khắp đến từng xã, phường, thị trấn, từng thôn, bản, tổ dân phố… tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia BHXH tự nguyện. Với những kết quả đạt được cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân của Đảng, Nhà nước.

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh, bà Bùi Thị Thu Lý, BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do, đặc biệt với người có thu nhập thấp và không ổn định để được hưởng lương hưu nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già. Tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng; khi đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH, người tham gia được hưởng lương hưu hằng tháng; khi về hưu được cấp thẻ BHYT với mức thanh toán đến 95% chi phí khám, chữa bệnh khi chẳng may bị ốm đau, bệnh tật; thân nhân được nhận chế độ tử tuất, mai táng phí.

Bài, ảnh: Ngọc Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông để người lao động ở lại hệ thống an sinh

Xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế tình trạng người lao động (NLĐ) rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường công tác đối thoại nhằm nâng cao ý thức giúp NLĐ ở lại hệ thống an sinh.

Truyền thông để người lao động ở lại hệ thống an sinh
Thêm nhiều cơ hội cho người lao động

Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành, cộng với các dự án đã và đang triển khai thời gian gần đây mở ra không ít cơ hội cho người lao động.

Thêm nhiều cơ hội cho người lao động
Quan tâm, chăm lo cho người lao động

Với quan điểm người lao động (NLĐ) có sức khỏe, có kỹ năng sẽ thay đổi nhận thức và hành động, thúc đẩy năng suất sản xuất, giúp doanh nghiệp bắt kịp những mục tiêu mới, nên Công ty TNHH MSV, Khu công nghiệp Phú Bài đã quan tâm, chăm lo cho NLĐ.

Quan tâm, chăm lo cho người lao động
Return to top