Ông Phẩm kiểm tra xưởng sản xuất nhôm kính của mình
Chúng tôi gặp CCB Trần Ngọc Phẩm vào những ngày đầu năm, theo lời giới thiệu của Hội CCB huyện Quảng Điền về gương CCB điển hình trong phát triển kinh tế. Hiền lành, dáng hình nhỏ con nhưng toát lên sự bản lĩnh, đầy nghị lực đậm chất Bộ đội Cụ Hồ là những gì mà chúng tôi cảm nhận ban đầu gặp ông.
Ông Phẩm kể, sau khi xuất ngũ trở về địa phương với hai bàn tay trắng vào năm 1985, không cam chịu phận nghèo, nhiều đêm ông trằn trọc, nghĩ cách làm ăn. Vốn sinh ra và lớn lên vùng đất trũng Quảng Điền, sản xuất nông nghiệp là chính, ban đầu ông Phẩm tìm hướng phát triển kinh tế gia đình bằng việc kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật với quy mô nhỏ.
Khi đời sống của Nhân dân ngày càng phát triển thì nhu cầu xây dựng nhà ở và hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, kèm theo đó là nhu cầu về vật liệu xây dựng (VLXD) tại địa phương tăng nhanh. Tuy nhiên, nguồn cung tại chỗ hồi đó rất khan hiếm, phải đến các vùng khác và TP. Huế để mua nên giá cả, chi phí thường tăng cao. Trước nhu cầu đó, ông mạnh dạn vay vốn mở cửa hàng bán VLXD.
Bắt nhịp xu thế thị trường, kết hợp nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, ông Phẩm thường giảm giá bán khuyến mãi cho người dân, thậm chí bán nợ. Cửa hàng kinh doanh VLXD của ông được nhiều khách hàng tin dùng, ngày càng phát triển. Từ đó, ông đầu tư mua sắm thêm xe tải phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Công việc buôn bán diễn ra thuận lợi, bất ngờ trận lũ lịch sử 1999 ập đến làm hư hỏng một lượng lớn xi măng và một số loại VLXD tại cửa hàng. Với bản chất của người lính không chịu khuất phục, đầu hàng trước khó khăn, ông lại tiếp tục vay vốn để đầu tư khôi phục kinh doanh… Nhu cầu tiêu thụ ngày càng mạnh, cửa hàng của ông mỗi năm cung cấp cho thị trường một khối lượng lớn VLXD, doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng, lãi từ 150 đến 200 triệu đồng.
Quá trình kinh doanh ngày càng phát triển, ông thuê thêm 6 lao động tại địa phương làm việc thường xuyên tại cửa hàng, phục vụ bốc vác và vận chuyển VLXD. Đồng thời, ông đầu tư thêm dịch vụ đóng cốp pha xây dựng, kinh doanh các loại nhôm kính để phục vụ nhu cầu tại địa phương. Mỗi lao động làm việc cho gia đình ông có mức thu nhập mỗi tháng từ 6- 6,5 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Phẩm còn là người luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động tại địa phương. Trong các hoạt động hội, đoàn thể, ông luôn tích cực tham gia, tiên phong, gương mẫu như xây dựng nông thôn mới, ủng hộ các nguồn quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế tại địa phương... Ông thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế cho nhiều hội viên CCB trên địa bàn xã. Đáng kể đến là hoạt động hỗ trợ các hội viên mượn vốn đầu tư phát triển kinh tế với các mô hình như nuôi cá diêu hồng, nuôi tôm sú…
Ông Phạm Thanh Lương, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Điền nhận xét, CCB Trần Ngọc Phẩm là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của Hội CCB huyện và luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của hội và địa phương nói chung. Ông Phẩm cũng là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện và được UBND huyện Quảng Điền tuyên dương, khen thưởng có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của huyện Quảng Điền trong nhiều năm liền.
Thống kê của Hội CCB huyện Quảng Điền, hiện nay toàn huyện Quảng Điền có 173 mô hình phát triển kinh tế do hội viên Hội CCB làm chủ, với các mô hình phát triển kinh tế trang trại, trồng rừng, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ… Các mô hình cho thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên/năm.
Bài, ảnh: Triều - Kim